10:15 29/10/2021

CIEM: 5 câu hỏi đặt ra cho cải cách giai đoạn 2021-2025

Khánh Vy

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến, thảo luận chính sách tập trung vào yêu cầu sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt...

Cách thức, tư duy điều hành cũng từng bước điều chỉnh linh hoạt, hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh.
Cách thức, tư duy điều hành cũng từng bước điều chỉnh linh hoạt, hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tổn thương nặng nề từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý và kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có 5 câu hỏi cần phải được trả lời để xác định hướng phát triển bền vững cho giai đoạn 2021-2025…

Phát biểu tại Hội nghị tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025” ngày 29/10, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam.

“Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Những cụm từ như “lúng túng”, “chưa từng có tiền lệ”… không phải là hiếm thấy”, bà Minh nói.

Trong bối cảnh ấy, cách thức, tư duy điều hành cũng từng bước điều chỉnh linh hoạt, hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh; từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tổ chức lại hoạt động sản xuất, tạo điều kiện kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 còn hiện hữu.

Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.

Ở trong nước, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng làm trầm trọng hóa những vấn đề cố hữu của Việt Nam trong những năm qua, chẳng hạn như phối hợp, liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy lợi thế kinh tế của vùng, hay giải ngân đầu tư công chậm...

Trong khi đó, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế và người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và bất cập. Những biện pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… vẫn chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Đặc biệt, cải cách thể chế kinh tế - nhân tố đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua – đang có dấu hiệu “chạm trần”, thiếu cách làm mới để tạo đột phá”, ông Dương nêu rõ.

 

Bốn trụ cột của cải cách cơ cấu ở APEC giai đoạn 2021-2025 bao gồm:

(i) Tạo môi trường thuận lợi cho các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh;

(ii) Thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai;

(iii) Đảm bảo các nhóm trong xã hội đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội hướng tới tăng trưởng bao trùm hơn, bền vững hơn và hạnh phúc hơn; và

(iv) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Vì vậy, để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng Việt Nam cần phải trả lời 5 câu hỏi quan trọng.

Thứ nhất, trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến, thảo luận chính sách tập trung hơn vào yêu cầu sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) để hỗ trợ nền kinh tế.

“Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt. Một số cách nói nhấn mạnh trong thời gian gần đây hướng tới đề xuất gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế liệu có gây ấn tượng, hoặc làm giảm sự quan tâm đối với cải cách thế chế kinh tế?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Thứ hai, nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng. Một câu hỏi quen thuộc đặt ra là: nguồn lực trong dân còn nhiều, cơ chế nào để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh? Vai trò của đầu tư công vẫn rất quan trọng, song làm thế nào để phát huy hiệu quả mà không gây ra tác động “chèn lấn” quá mức đối với đầu tư từ các nguồn khác? “Vậy chúng ta sẽ lựa chọn theo cách thức nào để có cách thức hợp lý nhất”, đại diện CIEM nêu quan điểm.

Thứ ba, làm thế nào để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…? Làm thế nào để quyết tâm xây dựng chính sách đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương? Đặc biệt, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy thì phối hợp, “phân vai” giữa các bộ cần theo cách tiếp cận, nguyên tắc nào?

Thứ tư, cho đến năm 2015, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước là khá rõ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thể chế kinh tế trong nước vẫn khá chặt chẽ, nhưng vai trò “thúc đẩy cải cách” của hội nhập kinh tế quốc tế có phần suy giảm. Vậy trong giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là những yêu cầu lớn?

Cuối cùng, nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là rất cần thiết, song cần điều kiện gì để bảo đảm minh bạch, tránh gây méo mó về phân bổ nguồn lực?

“Đặc biệt, làm thế nào để bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam quản trị hiệu quả hơn rủi ro trong chuỗi cung ứng nhất là giai đoạn sau Covid-19, đồng thời vẫn tăng cường năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực?”, ông Dương đặt vấn đề.