10:43 21/07/2022

Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế

Băng Hảo

Người tiêu dùng Trung Quốc là nhóm khách hàng xa xỉ lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, phong trào “guochao” (quốc hiệu) đã mạnh dần lên những năm gần đây và thúc đẩy gen Z nước này mua các sản phẩm của thương hiệu trong nước…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Nikkei Asia, chủ nghĩa tiêu dùng dân tộc đang ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang nước này đồng thời gây áp lực không nhỏ lên các thương hiệu thời trang đến từ phương Tây. Giới trẻ tại đất nước tỉ dân có xu hướng lựa chọn những thương hiệu và thiết kế trong nước nhằm tôn vinh nền văn hóa của họ.

Theo một báo cáo được công bố bởi Baidu (công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc) vào năm 2021, lượng người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm "guochao" đã tăng đến 528% trong thập kỷ qua. Nếu trong quá khứ, các thương hiệu thời trang quốc tế là những người thiết lập xu hướng thời trang và các nhãn hàng Trung Quốc bắt chước thiết kế của họ thì hiện tại điều đó không còn phổ biến. Giờ đây, các thương hiệu nội địa được người dân trong nước săn đón nhiều hơn và chiếm 75% trong số các nhãn hiệu được tìm kiếm nhiều nhất trên Baidu trong 4 tháng đầu năm 2022, tăng tới 45% so với 5 năm trước.

Các thương hiệu thời trang của Trung Quốc hiện phát triển nhanh trên sân nhà và bắt đầu bộc lộ tham vọng nhắm đến thị trường toàn cầu, theo Reuters. Shang Xia - được thành lập cách đây một thập kỷ bởi hai cổ đông chính là Jiang Qiong Er và tập đoàn xa xỉ Hermes International của Pháp năm ngoái vừa tổ chức một show diễn thời trang đầu tiên trong lịch trình chính thức của Tuần lễ Thời trang Paris, với dàn người mẫu mặc những bộ vest bóng bẩy trình diễn dọc theo một sàn catwalk hình tròn.

Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 1
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 2
 
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 3
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 4
 
Shang Xia trình diễn BST thời trang ready-to-wear tại Tuần lễ thời trang Paris Xuân - Hè 2022.
Shang Xia trình diễn BST thời trang ready-to-wear tại Tuần lễ thời trang Paris Xuân - Hè 2022.

Shang Xia  khởi đầu là một thương hiệu thời trang tập trung vào việc thể hiện nghề thủ công của Trung Quốc và sau đó mở rộng sang thời trang may sẵn khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Với sự hậu thuẫn từ một cổ đông mới, công ty cổ phần Exor của gia tộc Agnelli, thương hiệu gần đây đã thành lập một xưởng thiết kế ở Paris để bổ sung cho hoạt động sản xuất tại Thượng Hải. Giám đốc điều hành Exor Suzanne Heywood, đồng thời là chủ tịch của Shang Xia, cho biết: “Trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris là một bước đi táo bạo nhưng cần thiết. Chúng tôi nghĩ các thương hiệu Trung Quốc còn rất nhiều dư địa đáng để đầu tư”.

Bà Yishu Wang, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Half a World, cho biết các thương hiệu do Trung Quốc sở hữu đang làm dấy lên xu hướng mở rộng quy mô với mục tiêu tăng trưởng quốc tế. Bà Wang nói: “Thị trường Trung Quốc đang rất bão hòa và đang trở nên rất, rất khó để phát triển, việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà đầu tư trở nên dễ dàng hơn khi nhìn ra toàn cầu. Tuy nhiên, ở cấp thượng tầng thời trang, các công ty Trung Quốc, bao gồm cả những công ty đã mua nhiều nhãn hiệu nổi tiếng châu Âu, cho đến nay vẫn khó có thể vươn lên thành công ở các thị trường phương Tây”.

Mặc dù điểm xuất phát ở sau những thương hiệu nổi tiếng đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ý… nhưng Trung Quốc đang dần vượt lên, khẳng định mình trên thị trường thời trang thế giới. Chẳng hạn như Lane Crawford - top những thương hiệu thời trang nội địa bán chạy nhất tại Trung Quốc đại lục.

Sở hữu số lượng hàng trăm các chuỗi cửa hàng trên toàn lãnh thổ Trung Hoa và Hồng Kông, đối tượng khách hàng thương hiệu hướng đến khá đa dạng từ trẻ em cho đến người già. Trong những năm gần đây, Lane Crawford có lượng tiêu thụ sản phẩm khổng lồ trên thị trường thời trang trong và ngoài nước. Đặc biệt có đến hơn 20% trên tổng sản phẩm được đặt mua trực tuyến qua website của hãng và xuất ra nước ngoài.

Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 5
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 6
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 7
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc bộc lộ tham vọng quốc tế - Ảnh 8
 

Các startup thời trang của Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập cũng đều nhanh chân chiếm lấy thị phần toàn cầu. Jolyychic, trang thương mại điện tử do Zhejang Jolly Information Technology điều hành cũng phát triển dịch vụ thanh toán riêng. Jollychic có thị trường lớn ở Trung Đông và họ mong muốn có được cơ nghiệp tương đương như Alibaba ở đất khách. “Các hãng thời trang Trung Quốc đã tránh né sự cạnh tranh tàn khốc trên thị trường nội địa và tận dụng sự gần gũi và gắn bó mật thiết với các trung tâm sản xuất như là thế mạnh trong việc phát triển ở nước ngoài của họ,” Taka Saito thuộc hãng tư vấn công nghệ may mặc Demand Works ở Tokyo nói với Nikkei Asia.

Các công ty này đang chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài, nếu không muốn nói là nhanh hơn ở Trung Quốc. “Chắc chắn nếu các công ty Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường nước ngoài, họ cần xây dựng thương hiệu của mình, cần chiến đấu với các đối thủ hiện tại. Chi phí họ phải chịu sẽ không thấp. Ban đầu có thể họ sẽ không có lãi nhưng đây chính là khởi đầu của việc đầu tư lâu dài," Charlie Chen, Trưởng bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng tại China Renaissance nhận định. 

Và nếu các doanh nghiệp Trung Quốc có thể xây dựng thương hiệu ở nước ngoài, họ có thể cạnh tranh với giá bán thấp hơn do họ sở hữu hoặc làm việc trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc. Điều đó thực tế đã giúp các công ty như Shein trở thành đế chế thời trang tỷ đô, vượt qua cả Zara và H&M.