Thời trang bán lại “Valentino vintage” khởi động tại 4 thành phố trên thế giới
Thương hiệu thời trang Ý đã bắt đầu thu thập các món đồ secondhand từ khách hàng vào tháng 10 năm ngoái, để đổi lấy voucher mua hàng của thương hiệu. Bây giờ, chương trình “Valentino vintage” sẽ bán lại các sản phẩm này tại 4 cửa hàng đặt tại New York, Los Angeles, Milan và Tokyo…
Theo Reuters, do những người mua sắm đang ngày càng trẻ, có ý thức về môi trường và tìm kiếm những mặt hàng cao cấp với giá cả phải chăng nên thị trường túi xách và quần áo xa xỉ đã qua sử dụng (secondhand) đã tăng mạnh trong 3 năm qua.
Ước tính, quy mô của thị trường này có thể lên đến 37,2 tỷ USD trong năm nay sau khi tăng trưởng 65% từ năm 2017 đến 2021. Theo dự báo của công ty tư vấn Bain & Company, thị trường secondhand ước tính có thể đạt giá trị 64 tỷ USD trước năm 2025 và chiếm khoảng 20% doanh số của toàn ngành thời trang đến năm 2030.
Trước đó, hồi tháng 8/2021, báo cáo thường niên của The RealReal – công ty lớn nhất thế giới về đồ bán lại và ký gửi các mặt hàng xa xỉ phẩm chính hãng trên nền tảng online, cho thấy số lượng người mua trên thị trường bán lại (resale) đã tăng cao trong phân khúc mặt hàng cao cấp vào năm 2021. Khoảng 43% người mua chia sẻ rằng yếu tố quyết định khi mua sắm trên các website bán lại là do tính bền vững và khoảng 40% người mua cho biết rằng các trang điện tử này đang đóng vai trò thay thế cho thời trang nhanh.
Nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực đang bùng nổ này nhiều nhãn hàng xa xỉ đã và đang bước chân vào thị trường kinh doanh đồ cũ. Vào cuối tháng 10/2021, nhà mốt lâu đời của nước Ý – Valentino lần đầu tiên chính thức gia nhập thị trường resale cao cấp bằng cách thu mua các sản phẩm Valentino với mục đích bán lại.
Chương trình “Valentino vintage” được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu vào ngày 27/10, khi website Valentino.com mở một trang tin mới, cung cấp tất cả thông tin cần thiết để mang lại “cuộc sống” thứ hai cho các sản phẩm Valentino vintage.
Người bán truy cập vào Vintage Store từ website của Valentino để đăng ký nhận thẩm định (trực tiếp hoặc qua hình ảnh trực tuyến) cho các sản phẩm Valentino cũ của họ. Nếu sản phẩm nhận được đánh giá tích cực từ cửa hàng, đội ngũ phụ trách sẽ gửi email cho người bán để đặt lịch hẹn gặp thứ hai để đánh giá lần cuối và định giá cho sản phẩm. Khi cả hai bên đã đồng thuận, người bán nhận được một voucher với mức giá như đã thống nhất và họ có thể sử dụng voucher này để mua hàng tại các cửa hàng có liên kết với Vintage Store.
Tại giai đoạn hai của chương trình “Valentino vintage” này, các Vintage Store sẽ bắt đầu bán lại các sản phẩm Valentino cũ ra công chúng. Trong thời gian hai tuần cuối của tháng 6 này, nhà mốt sẽ trưng dụng cửa hàng Madame Pauline Vintage ở Milan; Vintage Dress ở Tokyo; New York Vintage; và Resurrection Vintage ở Los Angeles, để bán giảm giá bộ sưu tập các món đồ secondhand của hãng cho khách hàng mới. Chương trình này được dẫn dắt bởi Giám đốc điều hành Jacopo Venturini và nhà thiết kế Pierpaolo Piccioli.
Hiện có nhiều thương hiệu cao cấp đang tham gia trực tiếp vào việc bán lại như một cách để tuần hoàn các bộ sưu tập cũ và thu hút khách hàng mới. Ý tưởng Gucci Vault của Gucci cũng nhằm bán lại những thiết kế cổ điển của nhà mốt. Một số thương hiệu khác thì làm việc trực tiếp với các nền tảng bán lại như The RealReal và Vestiaire Collective.
Valentino, thuộc sở hữu của quỹ đầu tư Qatar Mayhoola, đã báo cáo sự trở lại của doanh số bán hàng ở mức như trước đại dịch vào năm 2021 khi các sản phẩm phụ kiện, làm đẹp và nước hoa của thương hiệu này vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng. Thương hiệu cũng đã cải tổ bộ máy điều hành của mình trong năm nay như một phần của cuộc tái cơ cấu lớn hơn: giám đốc hoạt động và hậu cần Giuseppe De Mori và giám đốc tài chính toàn cầu Alberto Fasanotti đã gia nhập công ty vào đầu năm nay, trong khi Alessandra Beretta được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành châu Âu trong tuần này.
Hồi tháng 4, công ty đã tuyển dụng Janice Lam để lãnh đạo hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Venturini, người gia nhập vào năm 2020, đã tập trung chiến lược bán lẻ của thương hiệu vào các kênh trực tiếp trong khi Valentino Vintage mở rộng các hoạt động bán lại.
Theo Valentino, trong giai đoạn ba, thương hiệu sẽ đưa Valentino Vintage đến các trường thời trang để nghiên cứu các giải pháp tái thiết kế hoặc tái chế, “nơi những câu chuyện mới nhất và nguyên bản nhất sẽ được sinh ra,” theo tuyên bố của thương hiệu.
Giới chuyên môn phân tích, hành động tiêu hủy hàng tồn xa xỉ quá lãng phí, do đó thế hệ Y và Z, lớp khách hàng tiềm năng của các thương hiệu cao cấp hiện có xu hướng ủng hộ hàng đã qua sử dụng như một tuyên ngôn bảo vệ môi trường. Và đó chính là yếu tố giúp Valentino, Gucci cũng như các thương hiệu khác kích hoạt thị trường resale, phân khúc hứa hẹn ăn nên làm ra trong những năm tới.