Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 1
Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 2

“Hiện tại, thị trường mua bán nợ còn rất sơ khai, các chủ thể tham gia chỉ có VAMC, AMCs và các tổ chức tín dụng. Trong khi để thực sự phát triển thị trường mua bán nợ cần các chủ thể khác như tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá, tổ chức môi giới. Chưa kể, nếu thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu thì số lượng chủ thể còn phải nhiều hơn, đa dạng hơn.

Mua bán nợ là vấn đề rất nhạy cảm, rủi ro, vì vậy, mỗi chủ thể cần được quy định rõ ràng và phải được luật pháp bảo vệ khi tham gia thị trường. Do đó, câu chuyện hoàn thiện thể chế là một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Tuy nhiên, mọi người đều thấy một thực tế, hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa vững chắc. Điển hình như Nghị quyết 42 còn bộc lộ hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung. Thực tế, Nghị quyết này mới chỉ là công cụ để các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu. Bản thân Nghị quyết 42 mới chỉ là bước đầu, Việt Nam sẽ còn cần thêm nhiều quy định cho các chủ thể khác.

Bên cạnh đó, cũng do việc có rất nhiều chủ thể và các chủ thể này bị quản lý bởi các cơ quan quản lý khác nhau. Vì vậy, để ra được thể chế chung, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của rất nhiều bộ, ngành.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đang được giao sửa Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có mục tiêu thể chế hoá Nghị quyết 42. Ngoài ra, chúng tôi cũng được giao rà soát các luật liên quan để đồng bộ hoá các quy phạm pháp luật về nợ xấu.

Còn về ý kiến cá nhân, tôi nghĩ để phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa thì cần một văn bản có tầm lớn hơn, mang tính chất vĩ mô hơn. Ví dụ như chiến lược quốc gia. Từ đó, các cơ quan mới có thể xác định rõ mục tiêu, các bước và thời gian hoàn thiện thị trường mua bán nợ”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 3

“Tại Việt Nam, DATC được thành lập từ 1/1/2004, tức quá trình hình thành gần 20 năm, còn VMAC cũng đã thành lập được gần 10 năm. Điều này cho thấy, nhu cầu mua bán nợ tại Việt Nam có từ rất lâu.

Thế nhưng, sau 20 năm, thị trường mua bán nợ vẫn giống như “chợ làng”, “chợ cóc”. Chỉ có một nhóm người nhỏ túc tắc mua bán với nhau. Vậy tại sao không thể là một “siêu thị” trong khi nguồn cung khá dồi dào. Minh chứng là dư nợ đến hết tháng 9/2022 là 11,6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 134% GDP

Điều này là do người mua chưa quan tâm. Nói sâu hơn, họ chưa thấy an toàn khi tham gia thị trường. Hay nói cách khác, mặc dù xuất hiện sớm như vậy nhưng hành lang pháp lý đối với hoạt động này vẫn chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó phải hiểu là, khoản nợ cũng là một loại hàng hóa kinh doanh nên cũng cần một thị trường mua đi bán lại dễ dàng. Trong khi tại Việt Nam, việc mua đi bán lại khoản nợ rất khó khăn.

Như vậy, muốn thúc đẩy thị trường mua bán nợ thì phải giải quyết được vấn đề về hành lang pháp lý cũng như thị trường thứ cấp.

Trước kia Chính phủ cũng đã có một nghị định phục vụ cho hoạt động mua bán nợ. Trong đó, nghị định chủ yếu đưa ra các điều kiện để thành lập công ty tham gia vào việc mua bán nợ. Nhưng giờ thì các công ty này gần như không thể hoạt động vì luật pháp không cho phép đòi nợ thuê. Do đó, sứ mệnh của nghị định này đã hết. Vậy thì tôi nghĩ, cần nâng cấp nghị định trên lên, để từ đó xác định hình thành thị trường mua bán nợ như thế nào.

Ngoài ra, tôi nghĩ hiện tại là thời điểm thích hợp để có một nền tảng mua bán nợ trực tuyến để giúp cho các tổ chức tín dụng, AMCs và sau này là các đối tác khác quan tâm có thể xem xét tiềm năng thị trường Việt Nam. Việc này, VAMC hoàn toàn chủ động thực hiện ngay.

Thêm vào đó, tôi cũng mong rằng sự phát triển thị trường mua bán nợ của Việt Nam nhận được sự tham gia từ các tổ chức quốc tế, bởi đây là những định chế tài chính có cả năng lực và kinh nghiệm chứng khoán hóa nợ xấu. Mà điều này thì rất cần cho sự phát triển lâu dài”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 4

“Hành lang pháp lý là điều quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của  thị trường mua bán nợ. Trong đó, điều kiện đầu tiên là phải đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư khi mua nợ xấu tại VAMC và các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, để thị trường mua bán nợ phát triển hoàn chỉnh thì cần thêm 3 điều kiện.

Thứ nhất là các chủ thể tham gia thị trường cần đa dạng. Thực tế hiện nay, các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn rất sơ khai, rất ít. Để hình thành thị trường cần rất nhiều tổ chức tham gia. Bên cạnh bên mua, bên bán còn cần các bên trung gian cung cấp dịch vụ như định hạng tín nhiệm, thẩm định giá, môi giới…. Đó là chưa kể, nếu muốn chứng khoán hóa nợ xấu thì còn phải có những định chế đặc biệt nữa.

Thứ hai là hạ tầng thông tin, phát triển như thế nào để có sự kết nối giữa các chủ thể. VAMC được thành lập với vai trò là trở thành địa chỉ trung tâm của thị trường mua bán nợ. Để thực hiện sứ mệnh đó, chúng tôi đã triển khai một sàn giao dịch nợ. Ban đầu, sàn giao dịch nợ này có vai trò kết nối thông tin giữa những người mua và người bán với nhau, bên mua và bên bán phải gặp nhau, phải có thông tin trao đổi minh bạch..

Gần đây, chúng tôi làm việc với một số đối tác quốc tế thì thấy rằng, ở các nước, để một món nợ được cập nhật trên sàn giao dịch nợ của quốc gia thì nó phải bao gồm cả ngàn trường thông tin. Tất cả những trường thông tin này đều được kết nối với dữ liệu lớn. Chẳng hạn dữ liệu về giao dịch mua bán nhà đất; rồi tình trạng pháp lý của tài sản đảm bảo cũng như thông tin về doanh nghiệp… Tất cả những thông tin đó được cung cấp cho nhà đầu tư để đảm bảo họ có thể đánh giá một cách chi tiết và chính xác  khoản nợ xấu được rao bán, từ đó thúc đẩy được nhu cầu của các nhà đầu tư.

Thứ ba là phải có một tổ chức dẫn dắt thị trường. Tổ chức này phải có đủ nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm và khả năng kết nối…Ngoài ra, tổ chức này cũng phải có chức năng nhất định trong việc tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành quy định pháp luật, nhận diện được các rào cản đối với thị trường để đề xuất các phương án tháo gỡ”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 5

“Tôi rất đồng tình với ý kiến của các chuyên gia Việt Nam, rằng chính phủ nên xem xét xây dựng một chiến lược quốc gia để phát triển thị trường mua bán nợ. Các quốc gia có chiến lược phát triển thi trường với những mục tiêu rõ ràng, lộ trình thời gian cho từng mục tiêu và kế hoạch hành động đảm bảo những mục tiêu đó được thực thi thì đều có thị trường mua bán nợ phát triển. Liên quan đến cải cách hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, tôi cho rằng có mấy việc cần chuẩn bị.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng nên lập ra một “bản đồ đánh giá thực trạng” của thị trường mua bán nợ xấu hiện nay. Cần xem xét cẩn trọng kinh nghiệm của các quốc gia khác và tham vấn các bên liên quan.

Một số câu hỏi cần được trả lời thấu đáo: Nên ban hành luật riêng cho thị trường mua bán nợ xấu hay sửa các luật chung có tác động đến thị trường này? Khung thời gian cải cách? Cải cách từng đợt hay cải cách một lần?

Để cải cách khung pháp lý có thể đat hiệu quả cao nhất thì tất cả các vấn đề pháp lý và cấu trúc có liên quan đều cần được xem xét một cách toàn diện.

Thứ hai, Việt Nam cũng có thể xem xét một cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ trong nước. Cơ chế này có thể là mức thuế/ phí cạnh tranh so với các quốc gia, thị trường có cùng quy mô trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, vấn đề cuối cùng nhưng rất quan trọng, là hạ tầng thông tin giúp nhà đầu tư đễ dàng thẩm định một khoản nợ. Ở châu Âu, một khoản nợ 25.000 USD thì cần thu thập khoảng 91 trường thông tin khác nhau. Thông tin càng minh bạch thì khoản nợ càng bán được giá, bởi khi đó nhà đầu tư sẽ kiểm soát rủi ro tốt hơn”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 6

“Có 2 xu hướng hiện nay là các AMC tự xây dựng nền tảng giao dịch nợ và sử dụng nền tảng thuê ngoài. Theo khảo sát của chúng tôi, các nhà đầu tư đang ưa chuộng các nền tảng giao dịch thuê ngoài hơn. Lý do là những nền tảng này đã có sẵn cơ sở dữ liệu nhà đầu tư trên hệ thống mà người bán tài sản có thể hưởng lợi từ kho dữ liệu này.

Dịch vụ của các nền tảng thuê ngoài cũng đa dạng hơn như: Thẩm định, thẩm tra; tư vấn giao dịch, trích xuất và chuẩn hoá dữ liệu; định giá và phân tích; kiểm tra rủi ro và đưa ra các kịch bản…

Tuy nhiên,  nền tảng giao dịch nợ chỉ là công cụ và chỉ hoạt động hiệu quả khi có hạ tầng đủ mạnh để có thể hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư.

Để việc bán nợ xấu đạt hiệu quả, cần thoả mãn 6 điều kiện: (i) khung pháp lý khẳng định chủ quyền nợ; (ii) thông tin được công bố đầy đủ; (iii) thực hiện tốt việc định giá, hạch toán kế toán; (iv) khung pháp lý về chuyển giao tài sản hiệu quả; (v) chế độ về thuế thuận lợi đối với việc chuyển nhượng tài sản; (vi) các nhà đầu tư quen thuộc với việc sử dụng nền tảng giao dịch điện tử”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 7

“Ngoài nhiệm vụ được Nhà nước giao là xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi cũng thực hiện mua bán nợ theo thị trường.

Tuy nhiên, tổng giá trị các khoản nợ mà chúng tôi thực hiện giao dịch đến nay chỉ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, rất nhỏ bé so với quy mô của thị trường.

Với kinh nghiệm hoạt động của DATC, chúng tôi thấy rằng trở ngại lớn nhất trong quá trình mua bán nợ vẫn đang nằm ở khâu định giá. Quan điểm định giá rất quan trọng.

Hiện tại, chúng tôi mua những khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại thì cũng qua rất là nhiều khâu đấu giá. Có những khoản nợ phải đấu giá đến 25 - 26 phiên mới đến giá thị trường, rất mất thời gian.

Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến định giá. Khi mà thị trường chỉ định giá như vậy thì chúng ta cũng không thể nào mong muốn bán nợ với  mức giá tiệm cận giá gốc được.

Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn có cơ chế chính sách để tái cơ cấu các khoản nợ sao cho hiệu quả. Bởi vì chúng tôi mua nợ xong, thực hiện tái cơ cấu rồi mới bán ra thị trường. Trọng tâm của vấn đề này là tái cấu trúc doanh nghiệp… Những chính sách giúp quá trình tái cơ cấu này được nhanh chóng, thuận lợi chính là thuế, bảo hiểm xã hội; những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn mới…Do đó, tôi cho rằng chỉ ngành ngân hàng thì không thể thực hiện được mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ/ngành liên quan.

Cuối cùng, các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu cần nguồn lực rất lớn. Vốn chủ sở hữu của DATC hiện nay 6.000 tỷ đồng; VAMC là 5.000 tỷ. Như vậy là quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường”.

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 8

VnEconomy 06/12/2022 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49 phát hành ngày 05-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cải thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường - Ảnh 9