Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 1
Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 2

Thưa ông, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng không chỉ thiếu ổn định mà còn đang “lép vế” trước các doanh nghiệp FDI. Xin ông nói rõ hơn về thực trạng này?

Những năm vừa qua, ngành gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà, phát triển quá nóng. Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu. Trong khi đó, thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng hàng năm, đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước. Hậu quả là trong những năm gần đây, cả doanh nghiệp và người nông dân đều thua lỗ.

Hơn nữa, một thực trạng đáng buồn hiện nay là các doanh nghiệp nội (bao gồm doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn và thuốc thú y) và kể cả người chăn nuôi trong nước đang lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng.

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 3

Có ba nguyên nhân chính làm cho doanh nghiệp Việt thất thế trước các doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.

Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI có lịch sử phát triển lâu đời nên có thế mạnh về vốn, trình độ khoa học công nghệ.

Thứ hai, các doanh nghiệp FDI có bề dày về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và mạng lưới kết nối rộng, nên họ luôn đi đầu và bỏ lại doanh nghiệp Việt một khoảng cách rất xa.

Thứ ba, các doanh nghiệp FDI không chỉ phát triển một ngành hàng hay một chuỗi giá trị mà là cả một hệ sinh thái, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y đến chăn nuôi thương phẩm, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI dẫn đầu thị trường Việt Nam hiện tại đều là các thương hiệu toàn cầu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn đến từ những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển rất cao như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Thái Lan...

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 4

Thời gian qua, trong khi người chăn nuôi trong nước phải xuất chuồng gà thịt dưới giá thành và chịu thua lỗ, thì thịt gà từ nước ngoài vẫn ồ ạt nhập khẩu vào nước ta. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Trước hết, có thể nói so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm một khối lượng lớn gà đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu qua biên giới (theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200-250 ngàn tấn/năm).

Tiếp đến, hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể đối với sản phẩm thịt nhập khẩu có sử dụng chất tạo nạc là ractopamine và cysteamine tại 26 quốc gia: Mỹ, Úc, Canada, Brazil, Indonesia, Maylaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan... Trong khi ở trong nước cấm người chăn nuôi sử dụng hai loại hóc môn trên cho gia súc, gia cầm. Đây cũng là nguyên nhân khiến thịt gà từ nước ngoài vẫn ồ ạt nhập khẩu vào nước ta.

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 5

Theo ông, để ngăn chặn tình trạng trên cần có những giải pháp nào?

Thứ nhất, phải cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng ractopamine, cysteamine để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi trong nước.

Đã đến lúc cần có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế (có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực).

Hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn.

Thứ hai, cần tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà đẻ loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong nước. Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nhập lậu động vật và sản phẩm từ động vật qua biên giới.

Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh đối với thịt nhập khẩu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 6

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Nông nghiệp là lĩnh vực luôn chịu nhiều rủi ro và khó khăn, trong đó lĩnh vực chăn nuôi hiện nay là khó khăn nhất. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thời tiết, thì áp lực từ các hiệp định thương mại tự do lên thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước là rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chăn nuôi. Cụ thể, các doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp được giảm từ 35-40%, thì các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45-50% để các doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, đề nghị các bộ ngành rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt rút ngắn thời gian giải quyết các văn bản, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp. Trước mắt, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được phép lưu hành tại Việt Nam.

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 7

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Y tế cũng không quy định phải công bố hợp quy đối với ngay cả các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm chức năng, dinh dưỡng y học... và các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm như bánh, kẹo, mỳ ăn liền... Trên thế giới cũng không có nước nào quy định về công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi.

Thực tế hiện nay, việc thực hiện quy định công bố hợp quy gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô..., trong khi đó đã có các quy định pháp luật khác về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm giá thành thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn hiện nay đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Nhằm kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi lưu thông trên thị trường, đề nghị các cơ quan chuyên ngành cần tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhất là hiện nay trong bối cảnh do giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng, để cạnh tranh về giá bán, một số doanh nghiệp có hiện tượng giảm chất lượng sản phẩm.

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 8

VnEconomy 10/05/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 08-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước - Ảnh 9