07:00 13/06/2023

Cần cách làm mới về dịch vụ công trực tuyến

Thủy Diệu

Dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa toàn trình, vẫn chấp nhận người dân mang hồ sơ giấy đến bộ phận một cửa điện tử, nhận hồ sơ giấy... và cần có cách làm mới để tạo ra sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến Việt Nam...

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trung bình của Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022 - Ảnh minh họa.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trung bình của Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022 - Ảnh minh họa.

Mười năm qua, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt từ 2020 - 2022 có bước phát triển đột phá nhờ sử dụng công nghệ số, đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 10% lên 97%. Mặc dù vậy, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện vẫn chưa toàn trình, thể hiện ở chỗ chưa thực sự chú trọng đến chất lượng dịch vụ công bằng thước đo hài lòng và thuận tiện cho người dân; chưa có đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công...

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, bây giờ là lúc cần phải thay đổi nhận thức cũng như cách cung cấp dịch vụ, cần có cách làm mới để tạo ra sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến Việt Nam.

KINH NGHIỆM TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Trong số các địa phương triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng là một trong những thành phố đi đầu cả nước. Từ năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng cổng dịch vụ công dưới dạng lõi, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật (thanh toán, ký số, hẹn giờ, định nghĩa eform động…), kết hợp chuyển phát bưu điện công ích nên việc triển khai thuận lợi và từng bước đơn giản hóa để bảo đảm hiệu quả cho tổ chức, cá nhân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Tại Đà Nẵng, tính đến tháng 5/2023, hầu hết thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình với 1.797 dịch vụ công trực tuyến (chỉ có 4,5% thủ tục hành chính cung cấp mức độ 2 do vướng các quy định khác nhau); hiện tại cũng đã tích hợp được 1.635 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2022, thành phố Đà Nẵng có 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%); tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến là 78% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%). Tính riêng tháng 5/2023, số lượng hồ sơ trực tuyến là 19.989 hồ sơ trên tổng cộng 22.693 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80%.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, để có được kết quả như trên, các cơ quan thành phố Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đơn giản hóa quy trình và tăng cường các giải pháp đa kênh để người dân, doanh nghiệp thuận lợi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 
Cần cách làm mới về dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1

Cụ thể có 6 điểm: một là, người dân sử dụng tài khoản công dân điện tử, đăng nhập 1 lần; chỉ cung cấp thông tin trong lần đầu, các lần sử dụng dịch vụ kế tiếp sẽ được kế thừa thông tin; hai là, đưa gần 100% thủ tục hành chính lên mức 4, toàn trình; ba là, triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến”; bốn là, sử dụng kết quả thủ tục hành chính số để hủy/bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; năm là, sử dụng kết quả thủ tục hành chính số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp “dịch vụ công trực tuyến nâng cao”.

Và sáu là, triển khai các chính sách thúc đẩy, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến (trong đó, giao các cơ quan giảm thời gian xử lý đến 50% đối với dịch vụ công trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; buộc các cơ quan nhà nước phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan khác, không được nộp hồ sơ trực tiếp; giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho từng cơ quan; chịu chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện...).

Tại Nam Định, theo ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh, nên số người dân đến các trung tâm dịch vụ hành chính công đã giảm. Trước đây một ngày các trung tâm này phục vụ 400-500 người dân, nay giảm chỉ còn khoảng 200 người/ngày. Dự kiến trong thời gian tới các trung tâm hành chính công sẽ tiếp tục được thu gọn. Kết quả này đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Cũng theo ông Vũ Trọng Quế, lãnh đạo và anh em cán bộ trong Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định sẵn sàng phục vụ 24/7, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, không để sở, ban, ngành, quận, huyện nào kêu khó về kỹ thuật. Làm được như vậy cũng phải kể đến vai trò rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhờ đó giúp Sở hoàn thành được nhiều việc mà không cần có nhiều người.

 
Từ 2020 – 2022 đã có sự phát triển mang tính đột phá do sử dụng công nghệ số, cách tiếp cận chuyển đổi số để làm chính phủ điện tử. Đặc trưng của nó là dùng nền tảng số. Nhờ đó, sau gần 3 năm, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 10% lên 97%.

Tại Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, cũng vui mừng chia sẻ tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trung bình của Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 94%.

Để có được sự tăng trưởng ấn tượng của dịch vụ công trực tuyến, ông Cường cho biết Hải Phòng đã giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình tới 35 sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường trên toàn thành phố. Việc giao chỉ tiêu này căn cứ trên cơ sở tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến tại các sở, ngành, địa phương, từ đó đánh trọng số và giao tỷ lệ phù hợp làm động lực để các đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. Ví dụ, để giao chỉ tiêu cho một sở, một huyện, sẽ căn cứ tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hiện có (4 tháng đầu năm) của đơn vị, dự kiến tổng số hồ sơ trực tuyến toàn thành phố cần đạt của 8 tháng cuối năm và tỷ trọng hồ sơ của đơn vị đó so với toàn thành phố để giao chỉ tiêu.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống tận cơ sở hỗ trợ cán bộ cơ sở, “cầm tay chỉ việc”, kịp thời chỉ ra những hạn chế và hướng dẫn cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Để đo lường hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải Phòng đã xây dựng dashboard theo dõi tỷ lệ này theo từng tháng để kịp thời biểu dương các đơn vị đạt thành tích tốt và nhắc nhở những đơn vị còn yếu kém...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần cách làm mới về dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 2