06:00 21/02/2022

Đến 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Vũ Khuê

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử...

Bộ Công Thương cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Bộ Công Thương cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025.

Nghị quyết nhận định trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan Trung ương qua các năm, từ vị trí cuối bảng xếp hạng trong các bộ ngành, Bộ Công Thương đã vươn lên nhóm dẫn đầu (năm 2017 xếp hạng 17/19, năm 2018 và 2019 xếp hạng thứ 2, năm 2020 xếp hạng thứ 6).

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã định hướng, triển khai các ứng dụng nội bộ dùng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ đạt được hiệu quả rất tích cực (100% cán bộ có tài khoản thư điện tử của đơn vị; 100% đơn vị sử dụng ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ)...

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử tại Bộ theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng (cổng dịch vụ công, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa điện tử của Bộ…).

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát “Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng” và đưa ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được đến năm 2025. 

Một là, hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành của Bộ.

Hai là, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ theo quy định của Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Đảm bảo 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các đơn vị được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống.

Ba là, phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP) kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu trong nội bộ bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung kiến trúc để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.

Bốn là, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, đảm bảo vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Năm là, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử.

Sáu là, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhấp khẩu được tích hợp lên Cơ chế một cửa quốc gia.

Bảy là, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 80% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tám là, xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của Bộ; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình yêu cầu tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Chín là, triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng và dữ liệu; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực.