Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 1
Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 2

Tại Hà Nội, anh Nguyễn Thái Thủy cùng hàng trăm cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Bắc Hà như chết lặng khi cầm tờ thông báo quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty.

Thông báo ngày 1/7 của Công ty Bắc Hà nêu rõ, vì điều kiện bất khả kháng do trải qua 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng. 

Toàn bộ 57 ô tô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. “Công ty TNHH Bắc Hà bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, tinh thần và thương hiệu. Nhưng do điều kiện bất khả kháng, Giám đốc Công ty THHH Bắc Hà  rất mong sẽ nhận được sự cảm thông và chia sẻ của toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động và gia đình”, ông Nguyễn Kim Cương – Giám đốc Bắc Hà chia sẻ trong bản thông báo. Anh Thủy cho biết không chỉ bản thân anh mà hầu hết các đồng nghiệp đều quá sốc và buồn vì quyết định của công ty, mặc dù biết rõ gần 3 năm qua doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn.

Những người làm phục vụ trong ngành giao thông như anh Thủy hiểu rõ, hiện tại với áp lực về giá xăng dầu đang rất căng thẳng, các doanh nghiệp vận tải khác cũng đang vật lộn để trụ vững, việc tìm một công việc mới đủ để nuôi sống bản thân, gia đình là  quá khó khăn.

Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 3

Tại Thanh Hóa, bà Ninh Thị Thơ - một cán bộ về hưu (phường Ngọc Trạo), bần thần với số tiền ít ỏi mang đi chợ. Bà Thơ khá chịu khó cập nhật tin tức trên mạng xã hội, báo đài nên nắm rõ giá xăng dầu đã tăng chóng mặt trong suốt nhiều tháng qua. Xăng tăng kéo theo các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng “phi mã” nên khoản lương hưu của bà không thấm vào đâu.

Bà Thơ nói cảm giác như ra chợ mà bị đánh rơi tiền. Trước đây với 100 ngàn cả gia đình 4 người đã có bữa ăn khá tươm tất, nhưng thời buổi này, cầm 100.0000 đồng thì không biết mua gì. Thịt cá, rau cỏ đều tăng trong khi đồng lương hưu bao nhiêu nay vẫn vậy nên bà phải đắn đo mỗi buổi sáng ra chợ. Nhất là trong mùa hè, tiền điện, tiền nước cũng tăng cao nên những người cán bộ hưu trí như gia đình bà cũng lao đao.

Tại chợ Tân An, Thành phố Thanh Hóa, chị Thủy, tiểu thương làm nghề hàng xén tại đây thường theo dõi giá các mặt hàng đang vọt lên cao nhất. Chị Thủy cho biết thịt cá tăng dần đều, riêng mặt hàng sườn non là giá tăng cao, từ 150.000 đồng/kg hiện tăng lên 190.000 đồng/kg. Trước đây, mỗi bó chỉ 4.000 đến 5.000 đồng thì hiện nay đã tăng lên 6.000 đến 7.000 đồng mỗi bó. Ghi nhận của phóng viên VnEconomy thường trú tại Thanh Hóa cho thấy, hiện nay, hải sản đang là mặt hàng những người dân lao động khó mua vì giá đã tăng thêm khoảng 20 - 30%.

Tại những cửa hàng cung cấp sữa, mức giá nhiều loại đã bắt đầu  biến động tăng so với giá cũ. Điển hình, Friso Hà Lan số 1 giá từ 510.000 đồng/hộp lên 530.000 đồng/hộp (tăng 20.000 đồng/hộp), sản phẩm sữa Vinamilk tăng giá thêm từ 10.000 – 15.000 đồng, Nutifood tăng giá từ 10.000 – 40.000 đồng, Similac tăng từ 10.000 – 20.000 đồng…

Chị Lê Thị Chi, shop Bé Chi trên đường Lê Lai, Thành phố Thanh Hóa chia sẻ: “Nhiều khách hàng đã phải than trời vì giá tăng quá cao. Tất cả các mặt hàng sữa thời gian gần đây đều tăng giá đầu vào từ 3 – 8% nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá bán ra tương ứng”. Một số cửa hàng sữa trên đường Tống Duy Tân, Lê Hữu Lập, cũng thông tin, các nhãn sữa bột đều lần lượt tăng giá sản phẩm, cắt chiết khấu, giảm khuyến mãi. Nhiều người tiêu dùng không chấp nhận giá mới tăng quá cao, đã có sự lựa chọn khác là thay thế loại sữa có giá thấp hơn.

Từ đầu tháng 3, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A – đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott, đã thông báo tăng giá 45 mặt hàng nhãn hiệu Similac, Pediasure, Abbott Grow... Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam cũng thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 21 sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 0 – 6 tuổi...

Ông Trần Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Thanh Hóa, cho biết việc giá xăng dầu tăng cao, đẩy giá thành đầu vào, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đội lên nên việc tăng giá ở một số mặt hàng, dịch vụ là không thể tránh khỏi...

Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 4

Tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp và người dân cũng đang “ngấm đòn” với giá cả nhiều loại mặt hàng đang tăng, chưa thấy giảm trong suốt nhiều tháng qua. Xăng dầu đang là mặt hàng chi phối mọi hoạt động kinh tế, từ đơn giản như giao thông, xe máy, dịch vụ giao hàng, vận tải hạng nhẹ, taxi, cho đến vận tải container, tàu biển, hàng không…

Anh Vũ Văn Dũng, trưởng phòng điều hành của một hãng taxi, có hơn 150 đầu xe chia sẻ, trung bình mỗi ngày hãng tiêu thụ khoảng 2.000 lít xăng, với tổng mức giá xăng tăng gần 8.000 đồng/lít trong suốt 6 tháng qua, doanh nghiệp đã phải chi phí phát sinh ít nhất là 16 triệu đồng/ngày so với thời điểm đầu năm 2022.  “Dù vậy, chúng tôi vẫn phải cố hoạt động trong khi chưa thể tăng giá cước vì sợ mất khách, tài xế mất thu nhập sẽ bỏ việc, doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm nỗi khổ mất nhân lực. Đồng thời, theo đúng quy chuẩn, doanh nghiệp cũng phải mất hàng tháng mới có thể hoàn tất một quy trình điều chỉnh giá cước. Do đó, trên thực tế doanh nghiệp cũng gần như bó tay với kiểu tăng giá linh hoạt và liên tục của xăng dầu trong suốt thời qua”, anh Dũng kết luận.

Ông Phạm Tiến Đức chỉ sở hữu duy nhất một đầu xe tải nhẹ, chuyên vận chuyển hàng hóa các chủng loại từ hoa quả, bánh kẹo cho đến chuyển đồ, chuyển nhà, chia sẻ: “Giá vận chuyển mỗi chuyến là do tôi quyết định nhưng tôi cũng không dám tăng, vì sau đại dịch đa số người dân chi tiêu cũng căn cơ lắm, thấy giá cao là họ gọi xe khác, nhiều khi phải nói khó với khách xin thêm chút tiền để bù vào giá xăng dầu”. Tương tự, đã có không ít nhân viên dịch vụ vận chuyển các hãng xe ôm công nghệ đã hạn chế nhận đơn hàng, vì không ít chuyến đi tiền mua xăng thậm chí còn cao hơn giá ship.

Ông Trương Ngọc Tú, Giám đốc Công ty vận tải biển Bình Minh, cho biết: “Thực tế trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải và logistics nói chung đều có quyền tự quyết tăng giá theo biến động của giá xăng dầu. Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng của các doanh nghiệp cung ứng vận tải hạng nặng, đường dài, vận tải biển và dịch vụ logistics ký kết với đối tác đều có giá trị theo hàng quý, thậm chí hàng năm nên không thể điều chỉnh ngay được”.

Thực tế này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics đều không kịp trở tay với kiểu tăng liên tục của giá xăng dầu - “Nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận rủi ro, đẩy cao giá dịch vụ cung ứng nếu khách hàng chấp nhận đàm phán. Hoặc ngược lại sẽ rơi vào tình trạng hoạt động lỗ nặng do chi phí nhiên liệu, ngừng hoạt động cũng lỗ vì phạt không hoàn thành hợp đồng, mất uy tín, mất nhân sự, thậm chí phá sản…”, ông Tú thở dài kết luận.

Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 5

Tại Quảng Ngãi, ngư dân Nguyễn Văn Công, thuyền viên tàu cá QN 91710 cho biết, công việc của anh mấy tháng qua rất phập phù vì chủ tàu đang “chán” không muốn ra khơi. Theo anh Công, các ngư dân làm trên tàu cá như anh thường không có lương cố định. Mức thu nhập tùy thuộc vào lượng hải sản đánh bắt được. Tàu có khoảng 10 nhân công, nếu sau chuyến biển đánh bắt được lượng hải sản có giá trị 100 triệu đồng, tỷ lệ ăn chia sẽ là chủ tàu 60, các thuyền viên làm thuê 40.

Nhưng với giá xăng giàu như “ngựa bất kham” thời gian gần đây, thì các chủ tàu đã không muốn tiếp tục vươn khơi. Ra khơi nếu gặp ngày biển động, việc đánh bắt kém, thì cầm chắc thua lỗ.

Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 6

Thực tế, những câu chuyện VnEconomy đã ghi lại ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ngãi… chỉ là những ví dụ rất nhỏ trong bức tranh kinh tế hiện tại của Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định bức tranh có nhiều màu sáng, khả quan. Nhưng giá xăng dầu đã khiến nhiều ngành nghề khó khăn hơn rất nhiều.

Những gia đình trung lưu, có tích lũy, có mức thu nhập ổn định sẽ không quá lo lắng khi các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo mắm, giá vé tàu xe tăng thêm vài ngàn hay vài chục ngàn đồng. Đối với những người lao động như công nhân, nông dân, người lao động,   áp lực về giá cả đang rất lớn, hàng triệu gia đình công nhân sống trong những dãy nhà trọ nóng bức, ẩm thấp đang phải thắt lưng buộc bụng, tính toán chi li từng khoản chi dù là nhỏ nhất, vì mức lương của họ không tăng như giá xăng dầu trong suốt những tháng vừa qua.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, chia sẻ với báo giới, hiện nay, đại đa số người dân đã mệt mỏi, cạn kiệt tài chính sau 2 năm Covid -19. Kết hợp với giá tăng rơi vào các mặt hàng thiết yếu, càng làm cho đời sống thêm khó khăn. Với doanh nghiệp, chi phí sẽ tăng lên nếu phải chi thêm để trả lãi vay, đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, sao họ có thể mở rộng sản xuất để tạo việc làm.  “Chúng ta còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, đó là 50% thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá. Bởi vì để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân cũng không có nhiều thu nhập để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hy sinh trước mắt để có lâu dài. Bài học từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của năm 2011 rất có giá trị để tham khảo”, ông Ngân bày tỏ mong muốn.

Cần khoan sức dân, doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 7

VnEconomy 13/07/2022 06:00