Châu Âu muốn dọn sạch rác thải dệt may
Sự gia tăng của thời trang siêu nhanh giá rẻ, cùng với sự gia tăng cạnh tranh và gián đoạn địa chính trị, đang gây áp lực lên nền công nghiệp thu gom, phân loại và tái chế hàng dệt may đã qua sử dụng…
Tuần trước, hai nhóm vận động hành lang cho ngành công nghiệp tái chế của châu Âu đã đưa ra một cảnh báo nghiêm túc: lĩnh vực này đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch Covid-19". Kể từ mùa xuân năm nay, giá của quần áo cũ đã phân loại trở nên thấp hơn chi phí xử lý chúng. Nghĩa là, nếu không có sự hỗ trợ, lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với "tình trạng phá sản trên diện rộng", hai nhóm này cho biết.
The tạp chí The Business of Fashion, ngành công nghiệp xử lý rác thải thời trang đang bị ảnh hưởng từ nhiều hướng. Các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông đã làm gián đoạn các thị trường chính và làm tăng chi phí hậu cần, gây ra sự tàn phá cho một ngành công nghiệp đang hoạt động với biên lợi nhuận mỏng manh; sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý đang thúc đẩy sự không chắc chắn về việc ngành công nghiệp này sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai…
Nhưng thủ phạm chính là khối lượng ngày càng tăng của thời trang siêu nhanh giá rẻ và việc các mô hình thương mại siêu rẻ này làm rối loạn nền kinh tế. “Đây là một cơn bão thực sự”, Mohammed Patel, giám đốc phát triển kinh doanh tại nhóm thương mại Anh, Hiệp hội Tái chế Dệt may (TRA), cho biết.
Một thập kỷ trước, trung bình khoảng 67% vật liệu được thu thập ở Scandinavia, Đức, Áo và Ý có thể được tái sử dụng, thì hiện tại tỷ lệ đó là 64%. Bản thân hoạt động thương mại cũng đang trở nên gây tranh cãi hơn, với các nhóm vận động cảnh báo rằng các quốc gia tiếp nhận đã trở thành bãi rác thải thời trang của các quốc gia giàu có.
Trong khi chính xác bao nhiêu quần áo cũ được xuất khẩu sang các thị trường ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh trở thành rác thải khi đến nơi là chủ đề của cuộc tranh luận ngày càng gay gắt, thì những đống rác thải thời trang nhập khẩu ở sa mạc Atacama của Chile và những mớ vải vụn rối rắm trên các bãi biển Ghana đã trở thành biểu tượng trực quan mạnh mẽ về chi phí môi trường cao của thời trang dùng một lần.
Theo Boston Consulting Group (BCG), dựa trên nghiên cứu The Global Fashion Market (2022-2028) và Statista, thị trường ngành thời trang nhanh toàn cầu dự kiến sẽ vượt qua mốc 250 tỷ euro vào năm 2028. Với mức tăng trưởng nhanh chóng khoảng 3,8% hàng năm, ngành công nghiệp thời trang nhanh đã gây những hệ lụy trong ngành công nghiệp này.
Thời trang nhanh trở nên phổ biến vì luôn có các mẫu mới quanh năm. Vậy nên, những gã khổng lồ ngành thời trang nhanh đang chạy đua nhau về mẫu sản phẩm cũng như số lượng quần áo để phục vụ cho người tiêu dùng. Theo tổ chức phi chính phủ Friends of the Earth, thương hiệu đến từ Trung Quốc, Shein có sẵn 470.000 mẫu trên trang web của hãng, đây là khối lượng sản phẩm khổng lồ so với các thương hiệu thời trang nhanh khác. Bên cạnh đó, số lượng mẫu có sẵn hàng ngày của Shein còn cao gấp 900 lần so với một nhà bán lẻ Pháp thông thường.
Gildas Minvielle, giám đốc của Viện Quan sát Kinh tế tại Viện Thời trang Pháp (IFM) cho biết một đặc điểm hấp dẫn khác của ngành thời trang nhanh đó là giá cả phải chăng, với giá trung bình cho một sản phẩm là dưới 10 euro. Sự xuất hiện quảng cáo rộng rãi của các thương hiệu cùng với giá cả hấp dẫn đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm ngày càng nhiều hơn, tiềm ẩn nguy cơ về tình trạng tiêu thụ quá mức. Trung bình mỗi người Pháp mua khoảng 9,5 kg vải và giày dép mỗi năm.
Một cuộc điều tra về rác thải của ngành công nghiệp thời trang cho thấy, các nước châu Âu đã bán hàng triệu tấn quần áo, trang phục cũ làm từ sợi nhựa tổng hợp sang các nước châu Phi và châu Á. Nhiều nước đã trở thành nơi tập kết rác thải bất hợp pháp của ngành công nghiệp thời trang nhanh và nay đối mặt những hậu quả không thể khắc phục vì ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh thị trường phức tạp này, những nỗ lực của châu Âu nhằm hạn chế rác thải dệt may vẫn còn là ẩn số. Theo các quy định sắp tới, các quốc gia thành viên sẽ cần phải có hệ thống để thu gom rác thải dệt may vào năm tới và Brussels đang xây dựng kế hoạch cho cái gọi là chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, theo đó các thương hiệu sẽ phải trả tiền để trang trải chi phí quản lý rác thải dệt may. Các nhóm vận động hành lang đang kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực này, bao gồm các ưu đãi tài chính ngắn hạn và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và cơ sở hạ tầng tái chế.
Nhưng những người ủng hộ cảnh báo rằng nếu các cơ quan quản lý không nhắm đến mục tiêu tăng mức tiêu thụ thời trang nhanh thì họ sẽ chỉ giải quyết được vấn đề một cách hời hợt. “Nếu quần áo không còn được coi là đủ giá trị để người tiêu dùng ở châu Âu dành thời gian khâu lại cúc áo khi nó bị tuột, đồng nghĩa với việc chúng không có đủ giá trị để duy trì nhiều bước cần thiết để tái lưu thông nó bao gồm thu gom, phân loại, xuất khẩu, giặt, tiếp thị và bán lại”.
Do đó, Liên minh châu Âu đang xem xét sửa đổi quy định về chất lượng hàng dệt may và theo hướng đẩy các tiêu chuẩn lên mức cao hơn. Mục tiêu là tới năm 2030, các sản phẩm dệt may trên thị trường châu Âu sẽ phải có độ bền cao và có thể tái chế. Theo tầm nhìn mới, hàng dệt may tại châu Âu sẽ chủ yếu được làm từ các sợi tái chế, không chứa chất độc hại và được sản xuất thân thiện với môi trường, nhưng đồng thời phải tôn trọng các quyền lợi xã hội.
Quy định sắp tới có thể rất ngặt nghèo, đòi hỏi nhà nhập khẩu quần áo phải chịu trách nhiệm toàn bộ vòng đời sản phẩm, bao gồm cả khâu tái chế và tái sử dụng. Bà Delara Burkhardt, Báo cáo viên Nghị viện châu Âu nhận định: "Chúng tôi yêu cầu một cách tiếp cận toàn diện đối với ngành dệt may, nhằm đảm bảo rằng ngành này chuyển từ mô hình thời trang nhanh, sang mô hình dệt may tuần hoàn. Chúng tôi kêu gọi, trước tiên phải thiết lập các tiêu chuẩn bền vững trong ngành dệt may".
Các tiêu chí đối với quần áo vẫn tiếp tục được Uỷ ban châu Âu rà soát định kỳ và ngày càng ngặt hơn, theo chiến lược hàng dệt may bền vững và tuần hoàn, công bố cách đây hai năm rưỡi và sẽ được điều chỉnh vào cuối năm nay. Theo đó, quần áo cũ bỏ đi sẽ phải trở thành nguyên liệu cho một sản phẩm nào đó khác, chứ không còn bị đốt bỏ hay chôn lấp.