“Hồi chuông cảnh tỉnh” với du lịch Mỹ
Năm 2025, ngành du lịch Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu của du khách quốc tế, chủ yếu do lượng khách đến từ Canada, Mexico, Vương quốc Anh, Đức, New Zealand và Úc giảm…

Nước Mỹ đã ghi nhận 66,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 và 72 triệu lượt trong năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo là một năm ảm đạm. Trong số 184 nền kinh tế toàn cầu được WTTC và Oxford Economics phân tích, Mỹ là quốc gia duy nhất bị dự báo mất doanh thu du lịch trong năm nay.
Sự sụt giảm này chủ yếu là do đồng USD mạnh làm tăng chi phí đi lại cho khách du lịch nước ngoài, cùng với các chính sách nhập cư và biên giới chặt chẽ hơn đã tạo ra sự bất ổn và ngăn cản du khách tiềm năng. Khi USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác, về cơ bản, du khách nước ngoài thấy sức mua của họ giảm đi, dẫn đến chi phí cao hơn cho chỗ ở, ăn uống, giải trí và mua sắm. Do đó, du khách thường xem xét lại các lựa chọn điểm đến của mình, lựa chọn những địa điểm mang lại giá trị lớn hơn cho số tiền bỏ ra.
Hiệu ứng tiền tệ này được kết hợp bởi sự biến động kinh tế toàn cầu, bao gồm áp lực lạm phát và điều kiện thị trường biến động ở nhiều quốc gia, đã tạo ra một môi trường mà du khách quốc tế thận trọng hơn với ngân sách du lịch của họ, góp phần đáng kể vào sự suy giảm doanh thu du lịch của Hoa Kỳ.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, những thay đổi trong chính sách nhập cư và thực thi biên giới của Hoa Kỳ đã có tác động sâu sắc đến các mô hình du lịch quốc tế. Trong nhiều năm qua, chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới và nhập cư chặt chẽ hơn được thiết kế để thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh. Mặc dù nhằm mục đích tăng cường an ninh quốc gia, các chính sách này đã vô tình tạo ra sự lo lắng tại những thị trường du khách tiềm năng.
Ví dụ, các sửa đổi đối với chương trình miễn thị thực hiện nay yêu cầu phải đăng ký bổ sung và thu thập dữ liệu sinh trắc học đối với những du khách lưu trú quá 30 ngày. Điều này ảnh hưởng đến du khách từ nhiều quốc gia, bao gồm cả người Canada, những người trước đây được miễn thị thực lên đến sáu tháng. Việc giám sát chặt chẽ hơn tại các sân bay và cửa khẩu đường bộ, việc thẩm vấn nhiều hơn, lâu hơn đã được báo cáo, làm giảm thêm việc đi du lịch đến Hoa Kỳ.
Thống kê mới nhất cho thấy lượng du khách đến từ các thị trường trọng điểm của Mỹ đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số du khách từ Anh giảm 15%, từ Đức giảm 28%, và từ Hàn Quốc giảm 15%. Các thị trường khác như Tây Ban Nha, Ireland và Cộng hòa Dominica cũng ghi nhận mức sụt giảm đáng kể, dao động từ 24 - 33%.
Trước tình hình hiện tại, nhiều cơ sở kinh doanh địa phương đang phải chuẩn bị tinh thần cho một mùa du lịch thấp điểm. Tờ CNBC đã phỏng vấn là Kaia Matheny, người đồng sở hữu Adrift, một nhà hàng mang phong cách hàng hải nằm ở trung tâm Anacortes (Washington). Theo cô Matheny, mọi dự báo đều chỉ ra lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh trong suốt mùa hè. “Du lịch năm nay chắc chắn sẽ không như thường lệ. Chúng tôi đành cố gắng cầm cự và xoay xở trong tình hình khó khăn”, cô nói.

Trên phạm vi toàn quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh do ngành du lịch chững lại, theo nhà kinh tế Aaron Terrazas của công ty dịch vụ nhân sự Gusto. Tỷ lệ doanh nghiệp du lịch có lãi, bao gồm công ty lữ hành, dịch vụ đặt phòng và căn hộ cho thuê, đã hạ xuống còn 32% trong tháng 4/2025, so với mức 41% và 43% vào cùng kỳ năm 2024 và 2023. Các cơ sở lưu trú như khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, cabin, nhà khách và khu cắm trại cũng gặp khó khăn khi lợi nhuận đã giảm từ 44% xuống còn 36%.
Theo SCMP, dù chỉ chiếm chưa đến 10% tổng nhu cầu du lịch tại Mỹ, nhưng khách quốc tế lại chi tiêu nhiều hơn rất nhiều. Mỗi du khách quốc tế chi trung bình hơn 4.000 USD cho mỗi chuyến đi, gấp 8 lần so với khách du lịch nội địa. Khách đến từ Canada và Mexico cũng chi khoảng 1.200 USD mỗi chuyến.
Các thành phố như Las Vegas, Los Angeles, Miami, New York, Orlando (Florida) và San Francisco chiếm tỷ lệ khách quốc tế lớn nhất, theo ông Ryan Sweet thuộc Oxford Economics. “New York có nền kinh tế lớn và đa dạng, nên có thể hấp thụ phần nào tác động tiêu cực. Nhưng Las Vegas hay Honolulu thì không”, ông Sweet nhấn mạnh.
Theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Tourism Economics, thay vì tăng gần 9% như dự báo trước đó, lượng khách quốc tế đến Mỹ trong năm 2025 có nguy cơ giảm 5,5%. Nếu các cuộc chiến thuế quan và thương mại tiếp tục leo thang, ngành du lịch chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng, với doanh thu từ chi tiêu du lịch có nguy cơ “bốc hơi” tới 18 tỷ USD.
Còn theo dữ liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chi tiêu của khách quốc tế tại Mỹ có thể giảm xuống dưới 169 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm 7% so với năm 2024 và thấp hơn 22% so với mức đỉnh năm 2019.

Hệ lụy từ đà suy giảm của ngành du lịch Mỹ có thể rất nghiêm trọng. Đây là ngành du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới, đóng góp gần 1.600 tỷ USD cho nền kinh tế, chiếm gần 9% GDP Mỹ, bao gồm các đóng góp trực tiếp và gián tiếp.
Do đó, dự báo suy giảm chi tiêu của du khách nước ngoài đe dọa làm suy yếu đóng góp kinh tế của ngành và có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế chung. Các khu vực và doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế, chẳng hạn như các thành phố lớn, khu nghỉ dưỡng và trung tâm văn hóa, đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự suy thoái.
Bà Julia Simpson, Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, dự báo ngành du lịch Mỹ cần ít nhất đến năm 2030 để phục hồi về mức trước dịch, với điều kiện tình hình không xấu thêm. Một đề xuất đang được xem xét tại quốc hội Mỹ là tăng phí ESTA, giấy phép du lịch cho công dân các nước thuộc chương trình miễn visa, từ 21 USD lên 40 USD. Tuy nhiên, chính sách này được cho là sẽ càng làm du khách “quay lưng” với Mỹ.