Theo nhiều tổ chức tài chính quốc tế, suy giảm kinh tế sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI toàn cầu. Sự sụt giảm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, thưa ông?
Việt Nam, cùng với nhiều quốc gia khác, hiện đang vật lộn với những khó khăn kinh tế do những thách thức bên ngoài như cuộc chiến ở Ukraine và những hạn chế về đại dịch đang diễn ra ở Trung Quốc. Những cuộc khủng hoảng đồng thời này vẫn đang diễn ra và vì vậy nó chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng đã góp phần làm cho giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, cũng như làm tăng lạm phát.
Là một trung tâm sản xuất lớn ở khu vực, Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc. Với sự suy giảm hoạt động tại các cảng, nhà máy và trên toàn nền kinh tế của Trung Quốc, việc thu mua nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Điều này đã làm cho hàng hóa sản xuất của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn.
Chi phí nhiên liệu ngày càng tăng và tình trạng thiếu container cũng khiến tình hình thêm căng thẳng. Sự tăng giá và thiếu hụt tương ứng đã xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành dệt may và điện tử, dẫn đến mất niềm tin và sức mua của người tiêu dùng.
Các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn hơn khi đầu tư ra nước ngoài nhất là trong bối cảnh các quốc gia đều cần có quỹ tài chính cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và để giảm thiểu các tác động của môi trường bên ngoài hiện tại. Do đó, vốn FDI có khả năng giảm.
Đây là một vấn đề nan giải cho Việt Nam trong tương lai khi đây là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và đặc biệt là hoàn thành mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.
Hơn nữa, Chính phủ đang tập trung thu hút tăng trưởng chất lượng cao nhằm tăng cường thu nhập cho người dân và thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng và nỗ lực của Việt Nam trong việc tiến lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng bị ảnh hưởng khi nguồn vốn FDI sụt giảm.
Trong bối cảnh này, theo ông, cơ hội đầu tư - kinh doanh tại Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Chính quyền Đà Nẵng và Chính phủ Việt Nam đang phát triển một số lĩnh vực chiến lược để cải thiện khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc và nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa các khoản đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào các lĩnh vực quan trọng để gia tăng chất lượng việc làm và đóng góp vào tăng trưởng bền vững.
Bằng cách khuyến khích kết nối giữa các công ty nước ngoài và trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập của các doanh nghiệp địa phương vào nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ đổi mới và nâng cao năng lực R&D trong các doanh nghiệp trong nước. Điều này có nghĩa là FDI có thể và cần đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng và phát triển bền vững của các ngành này.
Việt Nam hiện đang theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh toàn diện bằng cách thúc đẩy tăng trưởng dựa trên công nghệ, giá trị gia tăng cao để hỗ trợ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với chuyên môn của các công ty châu Âu trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và công nghệ xanh, các nhà đầu tư châu Âu sẽ đi cùng với mục tiêu này của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Bằng cách đưa các công nghệ sản xuất sạch, công nghệ cao và năng lượng tái tạo đến Việt Nam, các nhà đầu tư và doanh nghiệp từ châu Âu có thể tác động tích cực và đáng kể đến sự phát triển của đất nước.
EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2022 vào cuối tháng 11 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh để tạo thuận lợi cho quá trình này. Sự kiện sẽ tập hợp các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh doanh, học giả và sinh viên từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực ASEAN để thảo luận, khám phá và thực hiện các giải pháp xanh của châu Âu. Sự kiện này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách chuyển giao công nghệ, vốn và kiến thức từ các doanh nghiệp châu Âu cho Việt Nam.
Du lịch cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời kỳ hậu đại dịch, chính quyền Thành phố Đà Nẵng vẫn cam kết thúc đẩy ngành du lịch vượt xa những gì đã có trước đại dịch. Cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch không ngừng được cải thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu của du khách. Ngoài ra, du lịch sinh thái là một giải pháp khác mà thành phố nỗ lực để tăng khả năng cạnh tranh của thành phố.
Quan hệ đối tác với các bộ, doanh nghiệp và nhà ngoại giao cũng đang được tiến hành để mở rộng lĩnh vực tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội nghị và triển lãm (Meeting, Incentives, Conferences, Exhibitions -MICE). Cơ hội đầu tư trong việc phát triển và nâng cấp các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí và các ngành khác liên quan đến du lịch vẫn còn nhiều.
Để nhanh chóng biến những cơ hội này thành hiện thực, theo ông, chính quyền cần phải làm gì nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư đến Đà Nẵng?
Dù có lực lượng lao động lớn, Đà Nẵng và Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao để thu hút và giữ chân nhà đầu tư, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu này, cần cung cấp nhiều chương trình đào tạo hơn để chuẩn bị cho người lao động những kỹ năng tốt, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng nên nới lỏng các hạn chế về thị thực và giấy phép lao động để thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao.
Việt Nam cũng phải xây dựng và kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn diện, trong đó có Cảng Liên Chiểu trong tương lai khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông của Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Bởi Đà Nẵng cần cải thiện luồng hàng hóa, nguyên vật liệu và con người trong nước và quốc tế bắt kịp với nhu cầu phát triển.
Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động trong khu vực bằng cách kết nối các khu dân cư với các khu công nghiệp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể bổ sung cho đầu tư công vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần phải xây dựng và làm rõ khuôn khổ pháp lý cho đầu tư theo mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. Theo đó, để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thu hút và quản lý cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.
Khi Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, thông tin và kỹ thuật số của Đông Nam Á, Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển các ngành công nghiệp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Đổi mới công nghệ kỹ thuật số và thủ tục hành chính có thể giảm chi phí kinh doanh, nguồn lực và thời gian. Phát triển chính phủ điện tử và số hóa các quy trình hành chính ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương sẽ đơn giản hóa các quy trình quan liêu, giảm các rào cản kỹ thuật trong thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này cũng sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng bằng cách hỗ trợ quản lý giao thông, môi trường, điện và nước.
Cuối cùng, điều rất quan trọng đối với chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp là duy trì liên hệ chặt chẽ như một cách để thúc đẩy sự tin tưởng và hiểu biết. EuroCham ghi nhận và đánh giá cao sự sẵn sàng hợp tác của chính quyền và những tiến bộ đạt được từ đó.
VnEconomy 24/06/2022 08:00