Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 1
Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 2

“Ngành game Việt Nam mới phát triển được khoảng 20 năm. Với một lĩnh vực phát triển rất nhanh, ngành game đúng ra phải trở thành một ngành công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế sự phát triển của ngành hiện nay vẫn không như kỳ vọng, chưa hình thành một ngành công nghiệp.

Trong khi đó, một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ đi trước Việt Nam khoảng 5-7 năm nhưng đã phát triển, hình thành một ngành công nghiệp từ lâu. Tại Việt Nam doanh thu của ngành vẫn thấp, tăng trưởng chậm. Theo số liệu thống kê đưa ra trong đề án Chiến lược phát triển ngành game, doanh thu năm 2022 khoảng 400 triệu USD. Theo số liệu của chúng tôi, trong quá khứ, doanh thu ngành game cách đây 10 năm đã đạt khoảng 300 triệu USD. Như vậy, trong 10 năm qua doanh thu chỉ tăng thêm 100 triệu USD, đây là con số rất nhỏ.

Không những thế, tỷ suất lợi nhuận của ngành game cũng rất thấp. Đặc biệt gần đây quảng cáo chuyển sang trên môi trường online nên khi chính sách thay đổi thì lợi nhuận sẽ âm và xác suất thành công là rất nhỏ.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp game phát triển không bền vững. Nhìn lại những doanh nghiệp đời đầu chỉ còn VTC và VNG; còn lại hầu hết là các doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp game “chết đi sống lại”, thành lập, rồi phá sản... thống kê hiện nay còn khoảng 20- 30 doanh nghiệp hoạt động.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp mua game nên cạnh tranh về nguồn nội dung, trong đó có chuyện “chộp giật”, làm được cái nào hay cái đó, tranh nhau mua game để đẩy giá lên. Đây là điều không tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Trong khi đó, game xuyên biên giới chưa được kiểm soát tốt, chiếm tỷ lệ doanh thu lớn mà Nhà nước không thu được thuế. Đây là những đối tượng cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp game trong nước.

Việt Nam cũng chưa có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, ưu tiên cho các doanh nghiệp game trong nước. Đối với ngành game, thay vì đưa ra các chính sách hạn chế, chúng ta nên có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy phát triển.

Game online là một trong những cấu phần của kinh tế số Internet, được ưu tiên thúc đẩy phát triển. Các nước như Trung Quốc, mặc dù đã hình thành ngành công nghiệp game rất phát triển, nhưng vẫn có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp game và cũng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với người chơi”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 3

“Giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung. Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hóa ra thế giới. Vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Cũng như những ngành sáng tạo và công nghệ, rủi ro đầu tư trong lĩnh vực game rất lớn. Khi nhìn thấy những sản phẩm có doanh thu lớn, nhiều người nghĩ rằng đây là một ngành dễ thành công. Thực tế không phải vậy, có rất nhiều sản phẩm, nhiều dự án được đầu tư lớn nhưng không đi được tới việc phát hành thương mại. Nói một cách hình ảnh, những thứ xuất hiện trên thị trường chỉ là phần nổi, phần  còn ẩn bên dưới có thể là những khoản thua lỗ khổng lồ, kéo theo sự biến mất của nhiều doanh nghiệp.

Gần đây, một số quốc gia như Singapore, UAE, Jordan... đã đưa ra nhiều sáng kiến, chính sách nhằm thu hút các tập đoàn, công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD vào năm 2024 - 2025  và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Ở Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể là Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 4

“Thời gian qua, doanh nghiệp làm game cảm nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước nên cũng đặt mình trong trạng thái “làm hết sức”. Với tôi, thay đổi những doanh nghiệp hiện tại là khó, nhưng trang bị tư duy đúng cho những doanh nghiệp mới và sắp hình thành là một trong những hướng cần hỗ trợ vì một ngành công nghiệp game phát triển, bền vững.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo tôi, cần hiểu rõ bản chất của ngành này hơn để có thể ra những quy định phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm phát triển, cùng đó là tạo ra nguồn thu cho Nước nhà.

Tương lai ngành game sẽ có nhiều xu hướng phát triển. Đối với game blockchain, đây vẫn là một nhánh phát triển quan trọng cho những startup game có tư duy đúng và tiên tiến xoay quanh lĩnh vực tài sản số. Nhưng cơ hội dành cho những doanh nghiệp nhỏ, đơn lẻ và có tư duy ngắn hạn trong nhánh này là rất thấp.

Đối với xu hướng gọi vốn cho các doanh nghiệp startup, ngành game vốn là ngành hấp dẫn nhưng không dễ, cơ hội chỉ đến khi có sản phẩm tốt. Doanh nghiệp Việt Nam cần trau dồi thêm kỹ năng hoàn thiện sản phẩm trước khi trang bị kỹ năng kinh doanh sản phẩm đó để có thể tiếp cận được những nguồn vốn đầu tư. Tóm lại, gọi vốn không khó, nhưng nếu không có sản phẩm chất lượng thì gọi vốn là điều không thể.

Xu hướng là phát triển trong nước nhưng phát hành ở nước ngoài. Điều này vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo, biên giới của game dần dần được xóa bỏ và các nhà phát triển phát hành game ở quy mô nhỏ thường nhắm vào thị trường lớn. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm tới.

Xu hướng phát triển riêng cho thị trường trong nước có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần, năm nay hoặc vài năm nữa. Thị trường toàn cầu là một sân chơi cực kỳ khốc liệt, khi ngành game phát triển đủ cứng cáp, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy rõ ràng hơn cơ hội ở thị trường trong nước. Tại những thị trường lớn ở châu Á, người chơi game local nhiều hơn game global. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những chính sách đúng để hỗ trợ thúc đẩy nội dung Việt, đón đầu xu thế này”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 5

“Trên thế giới, lĩnh vực trò chơi là một ngành công nghiệp lớn, đóng góp vào nền kinh tế của đất nước. Việc sản xuất và phát triển game tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho các nhà phát triển game, giúp nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Ngoài ra, ngành game còn có thể giúp cho sự phát triển của trí tuệ và kỹ năng của con người. Các trò chơi trực tuyến có thể giúp cho người chơi phát triển các kỹ năng tư duy, toán học, ngôn ngữ và giải quyết vấn đề. Đồng thời, trò chơi trực tuyến giúp kết nối nhiều người, tổ chức và làm việc phấn đấu theo cùng một mục đích chung. Việc này có thể giúp cho mọi người nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng, đồng thời giúp cho đất nước có được một lực lượng lao động có nhiều kỹ năng. Hiện nay, có rất nhiều hình thức thể thao, giáo dục, y tế thông qua các trò chơi trên máy tính và điện thoại.

Ngành game còn có thể giúp cho quảng bá hình ảnh của đất nước. Khi các trò chơi video được phát hành trên toàn cầu, chúng có thể giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về văn hóa và đất nước của Việt Nam. 

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước đạt được những bước tiến quan trọng. Theo thống kê từ Data.ai, cứ 25 game mobile tải về trên 2 kho ứng dụng này thì có 1 game được sản xuất bởi nhà phát hành game Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 70% nhà phát triển game Việt Nam đều nhắm đến thị trường game di động toàn cầu.

Như vậy, theo tôi, cần coi ngành game như một lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ (tương tự như phim ảnh, hội họa...), thậm chí cần được khuyến khích, ưu đãi phát triển hơn nữa. Đối với các ngành sản xuất nội dung số, để kiểm soát tốt nhất thì chúng ta nên tập trung vào việc khuyến khích các nội dung tốt, đẩy lùi các nội dung gây hại, không phép.

Những năm trước đây, các nội dung gây hại, nhằm mục đích câu like, đạt lợi nhuận bất chấp tất cả đã làm xấu đi hình ảnh của ngành game. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự nỗ lực rất lớn của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cùng với sự ra đời của Liên minh game Việt Nam, vấn đề này đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, việc phân loại nội dung còn rất dài và còn nhiều phức tạp ở phía trước, do vậy, theo tôi cần sự ủng hộ nhiều hơn đối với ngành game Việt Nam, để trong tương lai Việt Nam sẽ là một quốc gia mạnh về xuất khẩu nội dung, văn hóa lành mạnh thông qua các trò chơi”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 6

“Trong quá trình đồng hành cùng với các đơn vị làm game tại Việt Nam, tôi nhận thấy đơn vị sản xuất game gặp nhiều khó khăn. Các khó khăn này đặc thù theo từng đơn vị, thể loại game và nền tảng game sử dụng. Để khắc phục, Amazon Web Service (AWS) mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ toàn bộ quy trình phát triển game từ xây dựng nội dung, sản xuất, phát hành.

Các nhà phát triển nên tận dụng lợi thế của tự động hóa và AI để tiết kiệm thời gian và tài nguyên khi sáng tạo game. Việc tự động hóa phát triển trò chơi để giảm thời gian thử nghiệm, từ đó, giúp sản phẩm có thể xuất xưởng trò chơi sớm hơn. Đây chỉ là một trong những ví dụ. Thực tế, việc áp dụng AI mang lại hiệu quả ở nhiều khía cạnh hơn.

Ngoài ra, các nhà phát triển cũng cần quan tâm đến việc tăng doanh thu và tạo ra giá trị lâu dài của người dùng. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần tận dụng các giải pháp phân tích AWS như quy trình phân tích game hoặc phân tích tỷ lệ rời bỏ của người dùng để hiểu rõ hơn, phát triển và giữ chân những người chơi.

Ngành game Việt hấp dẫn vì có rất nhiều khía cạnh cần được đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam cũng tập hợp một cộng đồng chơi game khá lớn và tích cực, nhiều lập trình viên tài năng, sáng tạo, cùng với nhiều doanh nghiệp năng động. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thế giới hiểu đúng.

Điều đáng mừng là các rào cản dần thay đổi. Hiện đã có rất nhiều sự chú ý đến Việt Nam nói riêng; hệ sinh thái trong nước đang bắt đầu được công nhận và tôn vinh bên ngoài Đông Nam Á. Khi một nhà phát triển game nghĩ đến việc thâm nhập thị trường mới, điều quan trọng là họ phải hiểu những đặc điểm độc đáo của thị trường (về hành vi người dùng, thói quen chi tiêu, văn hóa, ngôn ngữ, chiến thuật kinh doanh…). Những kiến thức về những đặc điểm này sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế khi thâm nhập vào những thị trường mới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên xác định những điểm khác biệt phải thích ứng. Chẳng hạn, game cần bám sát văn hóa bản địa, ngôn ngữ và phương thức thanh toán, các kênh cần sử dụng để tiếp cận người dùng và xây dựng cộng đồng…

Trong hai năm qua, Việt Nam đã được biết đến nhiều trên toàn cầu nhờ sự đổi mới trong các game blockchain. Các nhà phát triển game ở Việt Nam nên tận dụng vị trí dẫn đầu này, chia sẻ và tiếp tục học hỏi từ những bài học trong vài năm tới để xây dựng làn sóng game tiếp theo”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 7

“Các doanh nghiệp game Việt Nam hiện đã xin giấy phép hoạt động và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, từ quản lý nội dung đến chính sách thuế. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp game không có doanh thu cao và lợi nhuận lớn như nhiều người nghĩ. Theo thống kê, tỷ suất lợi nhuận trung bình của các game phát hành tại Việt Nam chỉ khoảng từ 3-5%, chưa kể các dự án thua lỗ.

Đa số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong ngành có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt từ năm 2021 đến nay. Các doanh nghiệp có mức doanh thu tạm gọi cao rất ít.

Tuy nhiên, mức doanh thu cao hoặc tương đối đó đều tỷ lệ thuận với chi phí bỏ ra. Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các doanh nghiệp trong nước nhận li-xăng từ các nhà phát triển trò chơi nước ngoài để phát hành. Theo đó, doanh nghiệp trong nước cần chi trả các chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 - 35% doanh thu. Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành tự mình chi trả các khoản liên quan đến phát hành và duy trì dịch vụ tại Việt Nam, như: chi phí xúc tiến thương mại, quảng cáo, phí dịch vụ cho các kênh thanh toán, duy trì cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự vận hành trò chơi và chăm sóc khách hàng, thuê máy chủ, thuế, chi phí tuân thủ…

Phần lớn các dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm (hoặc vài năm nếu là dự án đầu tư lớn) để hòa vốn trước khi có lãi. Trên thực tế, lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh các dự án kinh doanh tốt có lãi, các doanh nghiệp trong ngành đều gặp nhiều rủi ro dẫn đến lỗ, như nhà phát triển không giao trò chơi sau khi đã thanh toán, trò chơi được cung cấp không đạt tiêu chuẩn, hack, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Lợi nhuận từ các dự án có lãi được tiếp tục bù đắp vào các dự án gặp rủi ro để doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ nói chung và phát triển trò chơi nói riêng trong và ngoài nước đang đối mặt với các thách thức do diễn biến tình hình kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong chuỗi sản xuất, phát hành, phân phối. Những doanh nghiệp còn tồn tại trong ngành đều đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cân đối thu chi nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 8

VnEconomy 12/04/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chiến lược phát triển ngành game Việt: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 9