Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 1
Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 2

Ông đánh giá thế nào về xu hướng và yêu cầu đòi hỏi của thị trường về các tiêu chí xanh, thương hiệu xanh trong sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp?

Phát triển xanh, phát thải thấp là yêu cầu của các thị trường, nhất là khi các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Bản chất của cam kết Net Zero chính là phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Trong quá trình thực hiện cam kết, các quốc gia đã bắt đầu đưa ra các quy định nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính với các lộ trình thực hiện khác nhau. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với một số sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.

CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với một số hàng hóa nhập khẩu vào EU dựa trên phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Theo đó, từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2025, một số sản phẩm như xi măng, phân bón, sắt thép… của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM. Trong giai đoạn tiếp theo, có thể EU sẽ xem xét thêm một số mặt hàng khác.

Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu khác cũng có thể sẽ có các quy định, doanh nghiệp cần tìm hiểu yêu cầu của từng quốc gia. Các yêu cầu này sẽ đặt ra bài toán cho doanh nghiệp trong việc đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính, nâng cấp công nghệ để thực hiện lộ trình giảm phát thải.

Như đã nêu trên, CBAM chỉ là một trong các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trong chuyển dịch xanh. Áp lực còn đến từ sự thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng khi họ ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Như vậy trong việc tiếp cận vốn, yêu cầu xanh cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng các quy định xanh của các quốc gia, thực tế yêu cầu của thị trường hàng hóa, thị trường vốn và các đối tác sẽ tạo ra sức kéo, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai thực hiện các tiêu chí xanh, xây dựng thương hiệu xanh. Đây là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp chậm chân có thể sẽ lỡ mất cơ hội.

Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 3

Qua quá trình tư vấn về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, ông nhận xét thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam trong hướng đến xây dựng thương hiệu xanh, áp dụng tiêu chuẩn ESG để cạnh tranh trong nước cũng như khi tham gia thị trường toàn cầu? Việc xây dựng thương hiệu xanh sẽ mang lại những giá trị gì cho doanh nghiệp, thưa ông?

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hợp tác kinh doanh trực tiếp, xuất khẩu với các thị trường có yêu cầu xanh (như thị trường châu Âu) đã nhận thức rất tốt về xây dựng thương hiệu xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp FDI sẽ cần phải chuyển đổi thực sự để đáp ứng. Xu hướng này sẽ tiếp tục mở rộng do yêu cầu của thị trường, bao gồm cả thị trường vốn, thị trường tiêu dùng.

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu xanh sẽ tạo ra giá trị trong dài hạn, trong đó có cơ hội tiếp cận, cung cấp sản phẩm hàng hóa cho các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn xanh, tham gia chuỗi giá trị cung cấp cho các doanh nghiệp toàn cầu, thu hút nguồn vốn xanh...

Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 4

Vậy các thương hiệu xanh sẽ có lợi thế, cơ hội nào để tiếp cận các nguồn vốn, tài chính xanh, thưa ông?

Khung TCFD (Task Force on Climate-related Financial Disclosures) được coi là khung phân loại xanh thường được áp dụng bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế. Các doanh nghiệp của các ngành kinh tế khác khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, tài chính xanh hoặc kêu gọi vốn đầu tư từ các tổ chức này sẽ cần phải có thêm tiêu chí, tiêu chuẩn xanh tương ứng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7/2022, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD tín dụng xanh cho giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trong số 368 tỷ USD này, khoảng 184 tỷ USD, tương đương khoảng gần 4,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, sẽ huy động từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức tín dụng xanh từ các ngân hàng và phát hành các công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Theo thông tin chúng tôi có được, đến hết tháng 3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%) .

Con số về dư nợ so với nhu cầu về nguồn vốn ước tính để thực hiện lộ trình Net Zero của Việt Nam cho thấy còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh bằng cách chủ động chuyển đổi.

Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 5

Theo ông, đâu là khó khăn, thách thức lớn nhất khi các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn ESG cũng như xây dựng thương hiệu xanh?

Trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn xanh, ESG, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, các doanh nghiệp thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xanh và hướng dẫn về ESG. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, mới đây EY Việt Nam cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đại sứ quán Anh, Quỹ châu Á Việt Nam đã soạn thảo và công bố “Sổ tay ESG” đầu tiên tại Việt Nam.

Với ấn phẩm này, mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho các doanh nghiệp các hướng dẫn và tài liệu tham chiếu nhằm tích hợp ESG vào chiến lược quản trị và vận hành, qua đó giúp doanh nghiệp ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu để kiến tạo giá trị dài hạn, mở rộng thị trường, tối ưu hóa chi phí.

Thứ hai, các doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi xanh.

Thứ ba, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả nguồn lực về tài chính, công nghệ, con người…

Thực ra đây không phải là vấn đề của riêng các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Với tư cách là tổ chức tư vấn về các dịch vụ bền vững hàng đầu thế giới, với hơn 20 năm kinh nghiệm và đội ngũ hơn 3.600 chuyên gia trên toàn cầu, chúng tôi đã làm việc với nhiều khách hàng lớn và nhận thấy giai đoạn khởi đầu bao giờ cũng khó khăn.

Đơn cử, việc đo lường, báo cáo phát thải khí nhà kính có ba phạm vi, trong đó Phạm vi 3 – đo lường phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng, vận tải, và hoạt động của đối tác - là rất phức tạp, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia trong lĩnh vực.

Một ví dụ so sánh là đối với các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư và mất một thời nhất định để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phầm trên toàn chuỗi cung ứng từ đầu vào (giống, nước, ruộng lúa, trang trại) đến đầu ra (bàn ăn). Nếu doanh nghiệp muốn thực hiện triệt để thì cần phải xanh toàn bộ chuỗi sản xuất. Tính phức tạp của chuỗi sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi áp dụng. Để chuyển đổi, nếu doanh nghiệp không có bước đi thích hợp, có thể dẫn tới tăng chi phí đầu vào.

Vì vậy, các doanh nghiệp phải tính toán cụ thể và có lộ trình chuyển đổi từng bước để chuẩn bị nguồn lực, có chiến lược phù hợp. Tất nhiên, trong từng ngành sẽ có lộ trình chuyển đổi khác nhau. Về phía cơ quan quản lý, chính phủ các quốc gia trên thế giới sẽ có lộ trình ban hành các quy định để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Ngay cả EU khi ra quy định về CBAM cũng có lộ trình để doanh nghiệp thích ứng.

Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 6

Vậy theo ông, trong nền kinh tế mới, các doanh nghiệp khi muốn xây dựng thương hiệu xanh, áp dụng tiêu chuẩn xanh ESG phải làm thế nào và nên bắt đầu từ đâu? Ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp khi tiếp cận, xây dựng thương hiệu xanh, phát triển kinh tế xanh?

Trong một nền kinh tế, các thành phần chính gồm nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Người tiêu dùng đã và đang ý thức hơn về yếu tố xanh, bền vững, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nhiều bạn trẻ sẽ chỉ đến các cửa hàng café sử dụng cốc giấy, ống hút giấy thay cho đồ nhựa, hoặc chỉ mua sắm ở các cửa hàng không dùng túi nilon.

Phía Nhà nước cũng cần có lộ trình chuyển đổi, xây dựng các quy định để thực hiện cam kết Net Zero, phát triển kinh tế xanh.

Các doanh nghiệp, đứng trước các áp lực từ quy định của Nhà nước, đòi hỏi từ thị trường, từ nhà đầu tư và sức ép từ người tiêu dùng cũng buộc phải có lộ trình chuyển đổi. Theo tôi, đây là những yếu tố quan trọng nhất, là tiền đề để hình thành và phát triển một nền kinh tế xanh.

Trong bối cảnh này, nếu các doanh nghiệp thụ động, chờ có quy định rồi mới tuân thủ kiểu đối phó sẽ lỡ nhịp. Sự chủ động của doanh nghiệp là rất cần thiết để lộ trình chuyển đổi xanh được chuẩn bị một cách bài bản. Việc dự báo được xu hướng, có lộ trình chuyển đổi phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính chủ động, tăng lợi thế cạnh tranh, thậm chí còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

Nhiều người bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp Việt Nam mà phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sẽ bị hạn chế trong nguồn lực để chuyển đổi. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, trong nền kinh tế xanh có người tiêu dùng xanh. Khi thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng dùng sản phẩm xanh, sạch, thì một doanh nghiệp nhỏ như cơ sở kinh doanh cà phê cũng có thể chuyển đổi sớm bằng các hành động phù hợp. Chuyển đổi xanh không nhất thiết phải luôn là các hoạt động tốn kém.

Chủ động và có lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi xanh - Ảnh 7