“Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán cùng những hạn chế nội tại của thị trường bất động sản, chỉ 53% tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.
Khảo sát của VARS cũng cho thấy mặc dù nhu cầu hiện hữu là rất lớn nhưng thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu vắng nguồn cung, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân; hơn nữa, giá nhà đang neo cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân, nhưng vẫn liên tục tăng và chưa có tín hiệu dừng lại... tạo ra rào cản lớn đối với hoạt động giao dịch trên thị trường.
Hiện nay, khách hàng mua nhà chủ yếu là bằng “tiền tươi thóc thật”, ít sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhiều người nhận ra rằng thị trường đang có nhiều xung lực để phát triển tích cực như tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, sự đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng…; mua bất động sản trong giai đoạn “bản lề” này có thể tận dụng được nhiều lợi thế. Tuy nhiên, họ cho biết chỉ chọn mua sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín và được đầu tư một cách bài bản, chất lượng.
Bởi vậy, có thể nói đây là thời điểm cạnh tranh khốc liệt và cũng là giai đoạn thanh lọc các chủ đầu tư. Để thu hút được khách hàng, các chủ đầu tư cần chú trọng nâng cao uy tín thương hiệu, tạo dựng được những sản phẩm độc đáo, chất lượng, thực hiện đúng cam kết, đồng thời triển khai tốt các dịch vụ hậu mãi…”.
“Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với những người muốn chuyển đổi nhà máy sản xuất theo chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc + 1”.
Tại VSIP, với tầm nhìn của “Nhà phát triển khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ hoàn thiện, thân thiện với môi trường và xem con người là trọng điểm, nhằm xây dựng môi trường sống, học tập, làm việc và vui chơi tối ưu cho mọi người”, chúng tôi luôn coi trọng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và nâng cao nhận thức về tuân thủ các tiêu chí ESG. Đây là triết lý chủ đạo chúng tôi đang áp dụng tại các dự án hiện tại cũng như các kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
Chúng tôi tin rằng với những khu công nghiệp xanh mà VSIP đã xây dựng ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tin tưởng và lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong thời gian tới”.
“Việc kiến tạo và phát triển thương hiệu xanh là vô cùng cần thiết, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nền kinh tế - xã hội toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các tổ chức quốc tế, chính phủ các quốc gia cũng như Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Trong gần 15 năm hoạt động và phát triển trong ngành nhựa và hóa dầu, Tập đoàn Stavian luôn nỗ lực phát triển bền vững và đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, có trách nhiệm cao với xã hội. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nhận ra tiềm năng và tích cực đầu tư cải tiến, phát triển dòng sản phẩm bao bì sinh học tự hủy, thân thiện môi trường, tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Stavian cũng bước đầu triển khai xây dựng Nhà máy hoá dầu Stavian Quảng Yên, áp dụng công nghệ bản quyền và dây chuyền sản xuất hiện đại nhất thị trường đến từ các nước khối G7, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường và đưa phát thải khí nhà kính ròng về 0 vào năm 2050. Mục tiêu là góp phần xây dựng một nền công nghiệp nội địa tự chủ với sản phẩm sạch, chất lượng cao đồng thời phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bền vững”.
“Được thành lập tháng 4/2019 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 1/2021, HAAST là một doanh nghiệp sản xuất, gia công linh kiện có tuổi đời còn khá non trẻ.
Song với tầm nhìn rộng mở, ngay từ khi bắt đầu thành lập và đi vào hoạt động, Ban lãnh đạo HAAST Việt Nam đã xây dựng mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo linh phụ kiện và các sản phẩm máy móc công nghiệp chất lượng cao, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, đối tác nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất trên thị trường Việt Nam và quốc tế.
Nhờ kiên định với những chiến lược đề ra và những cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, HAAST đã từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình nhà máy thông minh và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất của Ford, Panasonic…
Nhờ đó, HAAST được vinh dự lựa chọn là 1 trong số 14 doanh nghiệp đợt đầu tiên tham gia vào dự án Samsung Smart Factory trong 10 tuần liên tục (từ tháng 5/2022) theo sáng kiến phối hợp của Tập đoàn Samsung và Bộ Công Thương.
Sau một thời gian tham gia khóa đào tạo dự án Samsung Smart Factory, HAAST Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao từ các chuyên gia Hàn Quốc và Bộ Công Thương thông qua việc cải tiến, nâng cấp, tối ưu hóa các quy trình sản xuất và quản lý sản xuất kinh doanh”.
VnEconomy 12/10/2022 10:00