“Bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năm 2024, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) của Liên minh châu Âu (EU); Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Đ̛ơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh,… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Tuy nhiên với tinh thần vượt khó, May 10 vẫn quyết tâm đạt thành tích cao trong năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng vượt 5,7 % so với năm 2023; thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng tăng 2,7% so với năm 2023.
Để đạt được kết quả này, May 10 sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng: mở rộng thị trường nội địa... để duy trì và gia tăng thị phần, quảng bá hình ảnh thương hiệu May 10 trên thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử. Tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội, tăng năng lực tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Quyết liệt rà soát, kiểm soát chặt các chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, coi chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”.
“Với những khó khăn được dự báo vẫn kéo dài sang năm 2024, Vinasamex định hướng kinh doanh tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp, xuất khẩu vào những thị trường khó tính, có đòi hỏi rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng lại là một con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Giai đoạn sắp tới chúng tôi sẽ làm sâu hơn, mang được những sản phẩm dưới thương hiệu trực tiếp của công ty mình vào tất cả các siêu thị quốc tế.
Để thành công với thương hiệu riêng, Vinasamex xây dựng chuỗi giá trị, đào tạo cho nông dân và đăng ký chứng nhận quốc tế. Đây là giấy thông hành giúp cho Vinasamex có thể bán được những sản phẩm vào thị trường cao cấp, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bán được sản phẩm với giá trị cao hơn và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế hồi và gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc có chứng nhận về mặt chất lượng, chúng tôi cũng cần phải có chiến lược. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào máy móc, công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Trong thời gian tới, Vinasamex đẩy mạnh mở rộng thị trường với những sản phẩm thương hiệu riêng và đa dạng hóa sản phẩm hơn. Tuy nhiên chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ từ những đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang đầu tư xây dựng thêm nhà máy và nhà máy đó sẽ áp dụng những công nghệ mới nhập khẩu từ Nhật và châu Âu để có thể lấy được ra những tinh chất ở bên trong những sản phẩm tinh dầu của chúng tôi. Những tinh chất này hiện đang được sử dụng làm các loại dược phẩm, ví dụ như acid shikimic từ hoa hồi chế biến Tameflu là một loại thuốc chống cúm.
Bước tiếp theo nữa, kỳ vọng của chúng tôi và cũng là một mục tiêu lớn, đó là Vinasamex sẽ chuyển mình có một nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất được trực tiếp dược phẩm đó, thuốc đó với thương hiệu của Vinasamex”.
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn tiếp tục khó khăn, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ vẫn phải đối diện với các thách thức mới khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hướng đến.
Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Trước những biến động này, chiến lược kinh doanh của Hanel Plastics là vẫn nỗ lực cố gắng vượt khó, sẵn sàng chờ đón qua giai đoạn suy thoái tiếp tục đón đầu cơ hội, chấp nhận lợi nhuận mỏng nhưng làm sao dòng tiền vẫn phải ổn định.
Chúng tôi phải xác định trước và chấp nhận những thách thức, tìm giải pháp nâng tầm doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm khó hơn, tránh phụ thuộc vào các đối tác. Hơn nữa, giờ là thời điểm chúng tôi tập trung huấn luyện công nhân, người lao động, đào tạo và nghiên cứu những phương án để đổi mới công nghệ, chuyển đổi trong nội bộ để sẵn sàng chờ qua giai đoạn suy thoái, đón đầu cơ hội.
Đồng thời luôn duy trì mục tiêu kinh doanh cốt lõi là đảm bảo chất lượng đạt chuẩn toàn cầu, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng chuẩn, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt hiện nay các khách hàng châu Âu, Hoa Kỳ rất quan tâm về vấn đề phát triển bền vững trong quá trình sản xuất ra sản phẩm nhất là đối với ngành nhựa, nên Hanel Plastics đã dần chuyển đổi sang sản xuất xanh, thân thiện môi trường, sử dụng xốp có thể tái chế được.
Trong thời gian tới, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương cần thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều hơn, tổ chức nhiều hơn các cơ hội kết nối, hội chợ xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp trong nước có sự kết nối với các tập đoàn FDI. Giải pháp, quan trọng nhất là phải có sự liên kết trong nước, ở đây vai trò của Hiệp hội, Bộ Công Thương rất quan trọng”.
“Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, do đó Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đưa ra dự báo ngành gỗ có tăng trưởng nhưng không cao, chỉ khoảng 10 - 12% so với những quý cuối năm 2023.
Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải. Thực thi các giải pháp thúc đẩy quảng bá cho ngành gỗ, chứng minh sản phẩm gỗ Việt được sản xuất từ gỗ hợp pháp, gỗ rừng trồng có chứng chỉ và giảm phát thải.
Từ ngày 23/12/2023 đến ngày 4/2/2024, Công ty Tavico Home phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cùng các hiệp hội gỗ thành viên tổ chức Lễ hội đồ gỗ Tết Giáp Thìn. Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi Hội chợ TavicoHome Viefurn 365 Fair.
Để triển khai lễ hội này, chúng tôi đã quảng bá, mời chào, đưa được nhiều đơn vị hàng đầu chuyên nhập khẩu và phân phối đồ gỗ nội ngoại thất ở châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới đến tham gia; đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nội, ngoại thất gỗ trên cả nước. Tavico và các đối tác thực hiện nhiều chương trình mua sắm thông minh với những ưu đãi đặc biệt, đánh dấu là sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm. Đây là cơ hội để nhà phân phối, nhà sản xuất và đối tác quốc tế kết nối để tạo ra lợi ích chung cho ngành nội ngoại thất gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Đến nay, nhiều đơn vị hàng đầu về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, máy móc chế biến gỗ, nguyên phụ liệu, linh kiện cho nội thất và xây dựng đã tham gia sự kiện này. Hiện đang có hơn 150 doanh nghiệp tham gia và hơn 1.000 gian hàng mang đến hơn 20.000 sản phẩm trưng bày trong lễ hội này”.
“Bội thu” là từ mà nhiều người nhắc tới khi nói về ngành lúa gạo Việt trong năm 2023, bởi không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Ngành lúa gạo không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dự trữ nội địa mà còn xuất khẩu 8,2 triệu tấn gạo và thu về 4,78 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2022.
Triển vọng năm 2024 đối với ngành hàng lúa gạo được đánh giá là rất sáng sủa, dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2023. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi Việt Nam đang tiên phong trong phát triển ngành hàng lúa gạo phát thải thấp và được các nước ngưỡng mộ do khối lượng xuất khẩu cao, chất lượng gạo tốt, trong bối cảnh các nước bị sức ép thiếu lương thực.
Hơn nữa, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây là sáng kiến mới của Việt Nam và đang nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Theo đánh giá của chúng tôi, đây là đề án khả thi. Thứ nhất, Việt Nam có thế mạnh về khoa học công nghệ, cùng bộ giống lúa tốt, cụ thể là bộ giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho xuất khẩu tốt. Thứ hai, trình độ sản xuất lúa của Việt Nam cũng tiên tiến, vào được cả những thị trường khó tính nhất. Thứ ba, hạ tầng thủy lợi cũng rất tốt so với mặt bằng chung, rất ít quốc gia làm được thủy lợi tốt như Việt Nam. Thứ tư, chính sách của Nhà nước cũng có rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo.
Để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết nông dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Đề án cần sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các cơ quan liên quan”.
“Năm 2023, lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất trong nước khiến kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 9,1 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2022.
Về triển vọng thị trường thủy sản năm 2024, VASEP đưa ra 10 nhận định xu hướng thị trường.
Một, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới có thể tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu.
Hai, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024.
Ba, tại thị trường Mỹ, nhu cầu hồi phục chậm.
Bốn, với thị trường Trung Quốc: nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp, khó cạnh tranh.
Năm, chi phí thức ăn tiếp tục là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra.
Sáu, tôm sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024.
Bảy, giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, các thị trường trên thế giới sẽ có xu hướng tăng nhập khẩu cá tra chế biến sâu và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra).
Tám, với hải sản, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chín, sẽ có xu hướng gia công tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ) và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang Việt Nam tìm đối tác gia công. Ngoài ra doanh nghiệp có thể sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Mười, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 – 10 tỷ USD năm 2024.
Thách thức lớn nhất hiện nay của thủy sản Việt Nam là châu Âu siết chặt an toàn thực phẩm, trên nguyên tắc các thành phần theo chuỗi khai thác, nuôi trồng – chế biến cũng phải được đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu. Thách thức khác, là các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… sẽ là những quốc gia đi tiên phong về phát triển xanh, bảo vệ môi trường và tín chỉ carbon.
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, VASEP đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án hỗ trợ linh hoạt đối với xúc tiến thương mại lĩnh vực thủy sản, nhất là quá trình tháo gỡ các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… Đặc biệt, sớm tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Đông, kết nối hỗ trợ cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phát triển thị trường tại khu vực này”.
VnEconomy 11/01/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam