07:53 06/01/2023

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau dữ liệu việc làm, giá dầu hồi phục sau 2 phiên lao dốc

Bình Minh

Dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt bất chấp những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/1), sau khi dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt bất chấp những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm 2022. Giá dầu thô tăng nhờ dữ liệu cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ giảm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 33,9,69 điểm, tương đương giảm 1,02%, còn 32.930,08 điểm. Gây áp lực nhiều nhất lên Dow Jones phiên này là cổ phiếu hãng kinh doanh dược phẩm Walgreens với mức giảm hơn 6,1% sau khi công ty công bố thua lỗ trong quý 4/2022 vì mất 5,2 tỷ USD vào những tranh chấp pháp lý liên quan đến thuốc giảm đau nhóm opioid.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,16%, còn 3.808,1 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,47%, còn 10.305,24 điểm.

Trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này có Bed, Bath & Beyond với mức giảm gần 30%, sau khi công ty chuyên bán lẻ hàng nội địa tuyên bố cạn tiền mặt và đang cân nhắc phương án phá sản. Công ty tiền ảo Silvergate Capital chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc 42,73% sau khi tiết lộ khách hàng lớn đã rút vốn mạnh khỏi công ty trong thời gian gần đây.

Các chỉ số đã hồi phục từ mức đáy của phiên nhưng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ. Nhà đầu tư khấp khởi mừng thầm sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis, ông James Bullard nói rằng năm 2023 có thể là một năm thiểu phát (disinflationary) ở Mỹ. Ông Bullard cũng nói rằng dù chính sách tiền tệ hiện nay chưa “đủ thắt chặt”, tình hình lạm phát sẽ đi theo hướng như vậy trong năm nay.

Trước đó, thị trường lo ngại khi báo cáo việc làm từ công ty nghiên cứu thị trường lao động ADP cho biết giới chủ sử dụng lao động ở Mỹ thuê thêm 235.000 nhân công trong tháng 12 vừa qua, một con số lớn hơn dự báo. Tiền lương cũng tăng mạnh hơn dự báo - một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường việc làm vẫn đang nóng. Tiếp đó, dữ liệu hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ít hơn dự báo.

Báo cáo việc làm tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu sẽ là một bức tranh toàn diện hơn về thị trường việc làm của nước này.

“Ngày mai, chúng ta sẽ đón nhận một bức tranh tổng thể hơn về thị trường lao động. Tuy nhiên, những số liệu công bố ngày hôm nay đều là dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm vẫn vững vàng”, chuyên gia Mike Loewengart của Morgan Stanley Global Investments Office nhận định với hãng tin CNBC.

Theo dự báo của giới phân tích, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 200.000 công việc mới trong tháng 12, giảm nhẹ so với số công việc mới của tháng 11. Nếu con số thực tế cao hơn dự báo, đó sẽ là tin xấu đối với nhà đầu tư, bởi củng cố khả năng Fed duy trì sự cứng rắn lâu hơn - một nhân tố bất lợi cho giá cổ phiếu và cả nền kinh tế.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 79,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,29 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đạt 74,13 USD/thùng.

Phiên phục hồi này của giá dầu diễn ra sau hai phiên lao dốc liên tiếp khiến giá dầu Brent giảm 9,4%. Động lực cho phiên tăng này của giá dầu là số liệu cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ giảm. Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang chịu áp lực giảm từ mối lo suy thoái toàn cầu, đặc biệt là triển vọng ảm đạm của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho xăng giảm 346.000 thùng; tồn kho dầu diesel và dầu sưởi giảm 1,4 triệu thùng. Dù vậy, tồn kho dầu thô tăng 1,7 triệu thùng, nhiều hơn dự báo tăng 1,2 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Giới phân tích vẫn đưa ra quan điểm bi quan về giá dầu. “Chắc chắn, xu hướng chính của giá dầu vẫn là giảm. Dầu vẫn đang ở trong thị trường đầu cơ giá xuống”, chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil nhận định.

Số liệu công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy ngành sản xuất của Mỹ tiếp tục suy giảm trong tháng 12. Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đang bị gián đoạn vì số ca nhiễm mới Covid tăng mạnh sau khi nước này bất ngờ nới lỏng chính sách Zero Covid vào tháng 12 vừa rồi.

“Những thách thức mà Trung Quốc đang phải đương đầu khi mở cửa trở lại đang gây áp lực lên tâm lý thị trường, đặt ra hoài nghi về khả năng hồi phục của nhu cầu tiêu thụ năng lượng”, nhà phân tích Nobert Rucker của ngân hàng Thuỵ Sỹ Julius Baer nói với hãng tin Reuters.