15:48 03/01/2023

Những nhân tố có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trong 2023

An Huy

Liệu thế giới có rơi vào suy thoái trong năm nay hay không sẽ tuỳ thuộc nhiều vào 3 yếu tố gồm: chính sách của các ngân hàng trung ương; tiến trình mở cửa trở lại của Trung Quốc; và diễn biến giá năng lượng...

Việc Trung Quốc từ bỏ Zero Covid được xem là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 - Ảnh: Bloomberg.
Việc Trung Quốc từ bỏ Zero Covid được xem là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 - Ảnh: Bloomberg.

Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, với lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có tiền lệ để kiểm soát đà leo thang của giá cả.

Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể đang phát huy tác dụng, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những tổn thất không nhỏ cho kinh tế thế giới trong năm 2023.

“Có vẻ như nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với suy thoái trong năm 2023 như một hệ quả của lãi suất tăng để chống lạm phát”, ông Kay Daniel Neufeld - Giám đốc dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở ở London, Anh - nói với trang CNN Business.

Dự báo cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái không nhận được sự đồng tình của tất cả các chuyên gia kinh tế. Nhưng với tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn sau khi đã giảm mạnh trong năm 2022, kịch bản suy thoái có khả năng cao sẽ trở thành hiện thực.

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,7% trong năm 2023. Ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19, đó là mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất của thế giới kể từ năm 2001. Tháng 11, IMF cảnh báo rằng triển vọng kinh tế giới thậm chí còn trở nên xấu hơn kể từ khi dự báo đó được đưa ra.

Theo CNN Business, liệu thế giới có rơi vào suy thoái trong năm nay hay không sẽ tuỳ thuộc nhiều vào 3 yếu tố gồm: chính sách của các ngân hàng trung ương; tiến trình mở cửa trở lại của Trung Quốc; và diễn biến giá năng lượng.

CHÍNH SÁCH CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

IMF đã gọi lạm phát là “mối đe doạ trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng ở hiện tại và trong tương lai”. Và dù lạm phát đã bắt đầu giảm ở Mỹ và châu Âu khi giá năng lượng lùi bước và hiệu ứng của lãi suất tăng ngấm vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương đã thể hiện rõ quan điểm rằng họ không có ý định sớm dừng tăng lãi suất, cho dù họ đã thoải mái hơn với việc áp dụng bước nhảy lãi suất ngắn hơn.

“Chúng tôi chưa xoay trục. Chúng tôi chưa hề dao động”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu hồi tháng 12.

Các quyết định chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ECB, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)… đưa ra theo từng cuộc họp và dựa trên các số liệu kinh tế cập nhật. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhấn mạnh rằng họ không thể biết chắc cần phải nâng lãi suất lên mức cực đại là bao nhiêu và duy trì mức đó trong thời gian bao lâu để kéo lạm phát về mức 2% một cách bền vững. Nếu giá cả tiếp tục tăng mạnh hơn mong muốn, các ngân hàng trung ương có thể phải hành động quyết liệt hơn những gì họ dự kiến, từ đó gia tăng sức ép đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi cho rằng mình cần phải giữ vững lập trường chính sách cứng rắn trong một thời gian nữa”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp tháng 12 của Fed.

TRUNG QUỐC MỞ CỬA TRỞ LẠI

Trong suốt gần 3 năm, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế số ca nhiễm Covid-19 ở nước này thông qua các biện pháp nghiêm ngặt gồm cách ly tập trung, xét nghiệm diện rộng và truy vết ca nhiễm. Giờ đây, Trung Quốc đang nới lỏng chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid nhằm tiến tới sống chung với căn bệnh này như các quốc gia khác trên thế giới.

Việc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiến tới mở cửa trở lại có thể mang lại một “cú huých” quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, việc này cũng đi kèm không ít rủi ro.

“Tình trạng ảm đạm hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc nói lên một điều rằng tiềm năng cho một ‘cú huých’ là lớn. Tuy nhiên, kinh nghiệm gần đây cũng cho thấy những trở ngại lớn có thể xuất hiện nếu việc mở cửa trở lại diễn ra quá sớm và nếu hệ thống y tế bị quá tải”, trưởng nghiên cứu kinh tế và chính sách của JPMorgan Chase, ông Bruce Kasman, phát biểu.

GIÁ NĂNG LƯỢNG

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến cho công tác dự báo càng trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với những nước ở châu Âu - nơi đang cố gắng “cai” năng lượng Nga và có thể đối mặt với tình trạng khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn trong năm 2023.

Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy châu Âu có thể không có đủ khí đốt để dùng trong năm 2023 nếu bị Nga “khoá van” khí đốt hoàn toàn và thời tiết lạnh hơn.

Một nhân tố khó lường khác là nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể tăng mạnh khi nền kinh tế nước này phục hồi sau giai đoạn chật vật ban đầu khi mới nới lỏng Zero Covid.

“Tất cả đều có mối quan hệ ràng buộc qua lại. Một lý do khiến giá năng lượng xuống thấp thời gian qua là nhu cầu suy yếu của Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG phát biểu.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự kiến sẽ phải điều chỉnh các dự báo kinh tế mới nhất nếu tình trạng khan hiếm năng lượng ở châu Âu đẩy giá năng lượng lên cao hơn, hoặc nếu các chính phủ ở châu Âu buộc phải chia khẩu phần năng lượng theo định mức để kiểm soát nhu cầu khí đốt và điện trong mùa đông này và mùa đông tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong năm 2021 và dự báo cho năm 2022 và 2023 của kinh tế thế giới, Mỹ, khu vực Eurozone và Trung Quốc - Nguồn: IMF/CNN Business.
Tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong năm 2021 và dự báo cho năm 2022 và 2023 của kinh tế thế giới, Mỹ, khu vực Eurozone và Trung Quốc - Nguồn: IMF/CNN Business.

Cho dù thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hay không, năm nay cũng nhiều khả năng sẽ là một năm khó khăn. “Bức nền đầy thách thức của kinh tế toàn cầu vẫn không hề thay đổi”, ông Guillaume Menuet, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và kinh tế học về châu Âu của Citi Private Bank, nhận định.

Nhóm của ông Menuet dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm nay sẽ chậm nhất 40 năm ngoại trừ năm 2020 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Ngay cả khi một cuộc suy thoái toàn cầu được ngăn chặn, nhiều quốc gia vẫn có thể phải trải qua suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế học không đưa ra được dự báo nhất quán về việc suy thoái ở từng nền kinh tế sẽ nghiêm trọng tới mức độ như thế nào và kéo dài trong bao lâu.

“Điều tồi tệ nhất còn chưa đến. Đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái kinh tế”, IMF nhận định hồi tháng 10, cho rằng sự giảm tốc tăng trưởng sẽ diễn ra trên diện rộng và có thể “khơi lại những vết thương kinh tế mới chỉ lành một phần sau đại dịch”.