Không chỉ dầu thô, khí đốt ở châu Âu cũng đang bị bán tháo
Có thể nói châu Âu đã tránh được một “cơn ác mộng” về nguồn cung khí đốt trong mùa đông này, thị trường vẫn đang lo ngại về mùa đông tới...
Giá năng lượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương cùng khởi đầu năm 2023 với mức giảm mạnh, khi thời tiết mùa đông ấm hơn bình thường và mối lo về sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu phủ bóng lên thị trường.
Sự sụt giảm của giá năng lượng trong những ngày gần đây trái ngược với những gì diễn ra vào đầu năm ngoái, khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2 thổi bùng mối lo về nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng chóng mặt. Suốt 1 năm qua, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới, trong bối cảnh Nga cắt gần như toàn bộ cung cấp khí đốt cho khu vực này qua các đường ống dẫn.
Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - giảm hơn 10% trong phiên giao dịch ngày 4/1, còn 64,2 Euro/megawatt giờ, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Mới tháng 8 năm ngoái, giá khí đốt ở TTF đạt mức 340 Euro/megawatt giờ, mức cao nhất mọi thời đại.
Khí đốt bị bán tháo trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đồng loạt đổ dốc. Giá dầu Brent giao sau ở London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - giảm 5,2% trong phiên ngày 4/1, còn 77,84 USD/thùng vì nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm nhu cầu ở Trung Quốc.
Việc giá khí đốt trên sàn TTF giảm mạnh trong những ngày gần đây “phản ánh niềm tin rằng dù thời tiết có chuyển lạnh hơn trong những tháng còn lại của mùa đông này, châu Âu vẫn có đủ khí đốt dự trữ và nguồn cung khí hoá lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu. Mối lo ở đây là khi mùa đông qua đi, châu Âu có thể quay trở lại tình trạng như vào tháng 8 năm ngoái, với mức dự trữ khí đốt còn lại rất ít ỏi”, nhà phân tích Tom Marzec-Manser của ICIS nhận định khi trao đổi với tờ Financial Times.
Giá khí đốt giảm trong bối cảnh dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát bắt đầu giảm nhanh tại các nền kinh tế lớn của châu Âu gồm Đức và Pháp từ cuối năm ngoái.
Giá khí đốt ở Mỹ - vốn dĩ vẫn thấp hơn nhiều so với giá khí đốt ở châu Âu nhờ nguồn cung khí đá phiến ở nước này tăng mạnh trong năm ngoái - cũng sụt giảm những ngày gần đây khi một đợt lạnh sâu trước đó nhường chỗ cho thời tiết ấp hơn dự báo, gây suy giảm nhu cầu sưởi ấm.
Giá khí đốt ở cảng Henry Hub, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt Mỹ, dao động quanh mức khoảng 4 USD/triệu BTU, gần mức thấp nhất 1 năm và giảm 40% so với ở thời điểm giữa tháng 12. Giá khí đốt ở Henry Hub đã hồi nhẹ trong phiên ngày 4/1 sau khi giảm 11% trong phiên ngày 3/1.
Xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh trong năm ngoái, khi các nước châu Âu đổ xô mua LNG từ Mỹ và một số nhà cung cấp khác như Qatar để thay thế cho nguồn cung khí đốt Nga bị cắt giảm. Do đó, giá LNG tại Henry Hub tăng lên mức 10 USD/triệu BTU hồi tháng 8, mức cao nhất 14 năm. Hiện tại, lượng LNG Mỹ bán cho châu Âu đã đạt gần mức tối đa và không có nhà máy LNG nào mới ở Mỹ dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.
Trong nỗ lực vượt khủng hoảng năng lượng, châu Âu đã đạt mức dự trữ khí đốt 95% công suất vào giữa tháng 11. Tháng 12 thường là tháng mà dự trữ khí đốt của châu Âu giảm đi nhiều do nhu cầu sưởi ấm, nhưng năm nay, từ sau Giáng sinh, dự trữ khí đốt của châu lục này thậm chí còn tăng thêm.
Ở thời điểm cuối tháng 12, dự trữ khí đốt của châu Âu ở mức 83,37% công suất - theo dữ liệu từ Cơ quan Hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE). Mức dự trữ này cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 10% so với mức bình quân cùng kỳ 5 năm.
Nếu châu Âu tiếp tục nhập khẩu LNG với tốc độ kỷ lục và nhu cầu khí đốt không tăng mạnh, mức dự trữ khí đốt của khu vực khi kết thúc mùa đông sẽ trên 35% công suất - không kém bình quân 5 năm từ 2016-2020, theo ông Marzec-Manser.
Có thể nói châu Âu đã tránh được một “cơn ác mộng” về nguồn cung khí đốt trong mùa đông này, thị trường vẫn đang lo ngại về mùa đông tới. Mối lo này thể hiện qua việc giá khí đốt trên sàn TTF giao quý 4 năm nay và quý 1/2024 cao hơn 10 Euro/megawatt giờ so với giá giao ngay.
Các nhà giao dịch lo châu Âu sẽ không thể mua được nhiều LNG như thời gian qua một khi nền kinh tế khởi sắc trở lại trong năm nay. Hiện tại, LNG đang là nguồn năng lượng chủ yếu để châu Âu thay thế khí đốt Nga - nguồn cung vốn đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
“Còn có rất nhiều bấp bênh có thể làm thay đổi nghiêm trọng cán cân cung cầu năng lượng châu Âu”, chuyên gia về giá khí đốt châu Âu Natasha Fielding của Argus Media phát biểu.