“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 1
“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 2

Thưa ông, những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng được cảm nhận rõ trên toàn cầu, với nhiệt độ môi trường và mực nước biển gia tăng, dẫn tới những rủi ro đáng kể. Ông thấy những xu hướng toàn cầu này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, một quốc gia có bờ biển rộng lớn và các khu vực ven biển đông dân cư?

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Mực nước biển dâng cao gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với các cộng đồng ven biển, cơ sở hạ tầng quan trọng và đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ - một khu vực nông nghiệp quan trọng được nêu bật trong Báo cáo: “Tình trạng khẩn cấp Đồng bằng sông Cửu Long Chiến lược Thích ứng với khí hậu và môi trường đến năm 2050”, Dự án GEMMES Việt Nam (Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Bộ Tài nguyên và Môi trường  của Việt Nam thực hiện).

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất và về người. Tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến nông nghiệp, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Đây là những mối đe dọa hữu hình với những hậu quả sâu rộng đối với sự phát triển kinh tế và an sinh của người dân Việt Nam.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 3

Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi phải có sự phối hợp quốc tế. Làm thế nào để hợp tác quốc tế có hiệu quả nhất trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam? Hiện có những sáng kiến hoặc quan hệ đối tác cụ thể nào hiện có mà đã thể hiện giá trị của cách thức  hợp tác này không?

Pháp tin tưởng mạnh mẽ rằng hợp tác là chìa khóa để giải quyết hiệu quả biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris năm 2015 là một minh chứng cho sức mạnh của việc các quốc gia đến với nhau vì một sứ mệnh chung. Có rất nhiều ví dụ về hợp tác chuyên biệt để giải quyết các thách thức của Việt Nam.

Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng là một sáng kiến lớn liên quan đến Pháp và các đối tác G7 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam. Ngoài ra, AFD tài trợ cho các dự án tập trung vào khả năng chống chịu với khí hậu, chẳng hạn như các sáng kiến bảo vệ bờ biển ở Quảng Nam, là những minh chứng hữu hình cho sự hợp tác mang lại kết quả tích cực.

Dựa trên niềm tin như vậy về sự hợp tác, theo ông, ngoại giao đóng vai trò gì trong việc tạo ra các khuôn khổ quốc tế và thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu?

Ngoại giao là vô cùng quan trọng, công tác ngoại giao tạo ra không gian đối thoại và xây dựng những nhịp cầu hiểu biết cần thiết cho các quốc gia để tìm ra điểm chung. Ngoại giao khí hậu là xác định các lĩnh vực cùng quan tâm, đảm bảo phân phối nỗ lực công bằng hướng tới các mục tiêu giảm thiểu và tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và công nghệ; Tạo ra một cách tiếp cận toàn cầu tôn trọng các nhu cầu cụ thể và thách thức phát triển của các quốc gia như Việt Nam trong thúc đẩy thế giới khẩn trương hướng tới một tương lai carbon thấp hơn.

Được thông qua vào năm 2023 bởi hơn 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam, “Hiệp ước Paris vì con người và hành tinh” nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể phản đối cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống đói nghèo.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 4

Thưa ông, Pháp và Việt Nam có truyền thống hợp tác khoa học phong phú, đặc biệt là về các vấn đề môi trường. Ông có thể nói rõ hơn về công việc hiện tại đang được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) ở Việt Nam, những thách thức môi trường cụ thể mà các tổ chức này đang hợp tác giải quyết?

Bạn nhận định hoàn toàn đúng về mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Pháp và Việt Nam trong nghiên cứu khoa học. Các tổ chức của chúng tôi như: IRD, CIRAD và CNRS đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hiểu và giải quyết một loạt các vấn đề môi trường.

Ví dụ, IRD tiến hành nghiên cứu quan trọng về hải dương học, quản lý tài nguyên nước và tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học. Chuyên môn của CIRAD lại tập trung vào việc phát triển các hoạt động nông nghiệp sinh thái để cải thiện tính bền vững nông nghiệp, an toàn thực phẩm và chống lại các bệnh động vật mới nổi. Ngoài ra, các tổ chức của Pháp tham gia sâu vào nghiên cứu về năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm và quy hoạch đô thị nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu.

Ông nhấn mạnh sự tham gia của Pháp trong quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam. Vậy, ông có thể chia sẻ một số thông tin sâu hơn về cấu trúc quan hệ đối tác này, các mục tiêu chính và thời gian dự kiến để đạt được các mục tiêu liên quan đến phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam?

JETP là một quan hệ đối tác thực sự sáng tạo và đầy tham vọng. Đây là mối quan hệ tập hợp Pháp, các quốc gia G7 khác và các tổ chức tài chính quốc tế để huy động 15,5 tỷ USD đầu tư công và tư nhân để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Các mục tiêu chính là tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng mặt trời và gió, cải thiện cơ sở hạ tầng lưới điện và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng cho người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển khỏi nguồn năng lượng than đá. Mốc thời gian này đầy tham vọng, nhằm đạt được tiến bộ đáng kể trong vòng 5-10 năm tới và đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch ở Đông Nam Á.

Pháp thông qua AFD đóng góp vào sáng kiến này với 525 triệu USD, có thể triển khai nhanh chóng để hỗ trợ chương trình đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VIII, đặc biệt là tăng cường lưới điện và phát triển lưu trữ năng lượng, cả hai điều kiện vốn rất cần thiết để triển khai năng lực tái tạo mới. Các công ty Pháp cũng đang làm việc với các đối tác Việt Nam để cung cấp các giải pháp và đầu tư vào năng lực tái tạo mới tại Việt Nam.

Ngoài các dự án cụ thể, sự hợp tác khoa học sâu sắc này thúc đẩy tầm nhìn chung rộng lớn hơn giữa Pháp và Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như thế nào, và ông thấy mối quan hệ hợp tác này sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

Sự hợp tác như thế này tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, tin tưởng lẫn nhau và đổi mới công nghệ rất cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững. Pháp và Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng phát triển kinh tế phải được tách bạch khỏi suy thoái môi trường. Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể xác định các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho công dân của chúng ta. Trong tương lai, mức độ hợp tác sẽ còn có quy mô lớn hơn nữa, đặc biệt là trong việc phát triển các công nghệ xanh, trao đổi chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 5

Thỏa thuận gần đây giữa Cơ quan Phát triển Pháp và Việt Nam nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho các dự án thích ứng với khí hậu ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Ông có thể cho biết thêm về mục tiêu cụ thể của các sáng kiến bảo vệ bờ biển và phát triển đô thị này?

Các dự án này được thiết kế để xây dựng khả năng phục hồi ở hai tỉnh ven biển dễ bị thiệt hại lớn. Tại Quảng Nam, trọng tâm là bảo vệ Hội An (di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận) khỏi xói mòn và tác động của mực nước biển dâng. Điều này sẽ liên quan đến việc củng cố bờ biển, phát triển các giải pháp dựa trên tự nhiên, lấp đầy cát của bãi biển, xem xét quy hoạch thành phố dọc theo bờ biển và tăng cường sự sẵn sàng của cộng đồng đối với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tại Quảng Trị, cụ thể là tại thành phố Đông Hà, dự án hướng đến thúc đẩy phát triển đô thị xanh. Điều này bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng để quản lý lũ lụt, thiết lập không gian xanh và các chiến lược quy hoạch đô thị bền vững có tính đến khả năng chống chịu với khí hậu.

Ông dự đoán những lợi ích hữu hình nào mà các dự án này sẽ mang lại cho những người sống trong các cộng đồng ven biển này?

Các tác động sẽ có nhiều mặt, trong đó các dự án này sẽ: (i) bảo vệ nhà cửa, sinh kế, hoạt động du lịch và cơ sở hạ tầng khỏi sự tàn phá của xói mòn và lũ lụt, việc tăng cường bảo vệ này sẽ cho phép các cộng đồng tập trung vào phát triển và tăng trưởng kinh tế; (ii) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân Quảng Nam và Quảng Trị, đảm bảo họ có thể phát triển mạnh khi đối mặt với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 6

Có kế hoạch mở rộng hình thức hợp tác này với AFD hoặc các cơ quan khác của Pháp để hỗ trợ các dự án hành động khí hậu ở các khu vực khác của Việt Nam không, thưa ông?

Dứt khoát là có chứ! Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình ứng phó với thực tế biến đổi khí hậu. Chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu thích ứng mở rộng trên toàn quốc.

Chúng tôi đang tích cực hoạt động trong Nhóm châu Âu tiếp cận với khoản tài trợ của Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên (WARM) của Liên minh châu Âu. WARM châu Âu phát triển các dự án có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền tỉnh để hỗ trợ các sáng kiến ở các khu vực dễ bị thiệt hại khác, chẳng hạn như ở Cà Mau, Hậu Giang và Vĩnh Long ở đồng bằng sông Cửu Long. Thành công của các dự án ban đầu này ở Quảng Nam và Quảng Trị bên cạnh các công việc đang diễn ra ở Điện Biên và tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ rất quan trọng trong việc chứng minh hiệu quả của quan hệ đối tác của chúng ta, mở đường cho sự hợp tác tiềm năng trong tương lai mang lại lợi ích cho cả nước.

Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ trong giáo dục đại học, với các tổ chức như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và nhiều chương trình trao đổi. Ông thấy những sự hợp tác này trang bị cho các bạn sinh viên trẻ Việt Nam như thế nào trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và trở thành nhà vô địch về tính bền vững?

Những quan hệ đối tác giáo dục này là một khoản đầu tư cho tương lai. Bằng cách tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với các chương trình đào tạo khoa học đẳng cấp thế giới, chúng tôi giúp họ trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực. Các chương trình tập trung vào khoa học môi trường, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và các ngành liên quan trực tiếp trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng để tạo ra một thế giới bền vững hơn.

Ngoài ra, trao đổi văn hóa được tăng cường bởi các quan hệ đối tác này thúc đẩy quan điểm toàn cầu, sự hiểu biết về sự kết nối và tinh thần hợp tác - tất cả đều cần thiết để giải quyết thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 7

Thưa ông, những thách thức của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đôi khi có thể khiến chúng ta cảm thấy ngợp. Điều gì khiến ông hy vọng vào tương lai? Theo ông yếu tố quan trọng nhất trong việc vượt qua những thách thức này và tạo ra một thế giới bền vững là gì?

Sự vững vàng, kiên định trong cam kết và đổi mới  của những bạn trẻ trên khắp thế giới mang lại cho tôi niềm hy vọng to lớn. Năng lượng, niềm đam mê và sự từ chối chấp nhận hiện trạng của họ đang thúc đẩy sự tiến bộ đáng kinh ngạc và đòi hỏi sự thay đổi từ các cấp chính quyền. Các bạn trẻ cũng sẵn sàng áp dụng các hành vi có trách nhiệm hơn đối với hành tinh và môi trường của chúng ta, hiểu rằng thế hệ của họ có thể đang phải trả giá cho những sai lầm của chúng ta.

Đồng thời, nghiên cứu khoa học tiếp tục mở rộng ranh giới hiểu biết và cung cấp các công cụ, giải pháp quan trọng cho chúng ta. Quan trọng nhất, tôi tin rằng sự hợp tác là tài sản lớn nhất của chúng ta. Khi các quốc gia, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cộng đồng đến với nhau với một mục đích chung, chúng ta sẽ có sức mạnh để biến đổi thế giới.

Với thông điệp cuối cùng gửi đến độc giả của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, theo ông điều gì là chìa khóa để xây dựng một tương lai bền vững? Vì sao sự hợp tác giữa Pháp, Việt Nam và cộng đồng toàn cầu lại quan trọng như vậy?

Giải quyết các vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và hành động cả ở cấp độ địa phương và trên phạm vi toàn cầu. Mỗi quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân đều có vai trò trong việc giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường tự nhiên và áp dụng thực hành bền vững. Pháp và Việt Nam đồng quan điểm với nhau về tầm nhìn này, quan hệ đối tác của chúng ta đang diễn ra thể hiện sức mạnh của việc hợp tác xuyên biên giới.

Bằng cách chia sẻ kiến thức, công nghệ và tài nguyên, chúng ta đẩy nhanh tiến độ và xây dựng một thế giới kiên cường hơn. Hợp tác quốc tế không chỉ là một lựa chọn, mà đó là một điều cần thiết để giải quyết khủng hoảng của thời đại và đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 8

VnEconomy 11/04/2024 19:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Chúng ta phải tư duy toàn cầu và hành động theo địa phương” - Ảnh 9