Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 1
Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 2

Nếu được chia sẻ ba từ khóa nổi bật nhất về MindX, chị sẽ nói về những từ khóa nào?

Tôi nghĩ rằng để nói về MindX thì có ba từ khóa chính: sáng tạo, lì lợm và sự chính trực.

Đầu tiên là sự sáng tạo. Thật ra từ một startup rất nhỏ, chúng tôi không có bất cứ một đồng vốn hay kinh nghiệm nào, chỉ vận dụng sự sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới đột phá để có thể đi tới được bây giờ.

Thứ hai là sự lì lợm. Cũng tương tự như vậy, đi từ những ngày đầu rất khó khăn, đội ngũ sáng lập cùng một số nhân sự ban đầu, đến nay công ty đã trải qua 8 năm gian nan, kết quả đó cần rất nhiều sự kiên trì và linh động.

Cuối cùng là sự chính trực. Với một người làm giáo dục, tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất giúp chúng tôi có thể phát triển và sống được với nghề là sự tận tâm với tất cả những người chúng tôi gặp gỡ và giảng dạy hàng ngày, từ các em học sinh, các vị phụ huynh, nhân sự, nhân viên và cả các quỹ đầu tư.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 3

MindX đã trải qua chặng đường 8 năm. Trong 8 năm đó, chị có thể chia sẻ những bước ngoặt nào đánh dấu sự trưởng thành cũng như việc MindX đã bứt phá thành công như ngày hôm nay?

Bước ngoặt đầu tiên là thành lập doanh nghiệp. Trước kia, khi bắt đầu sáng lập cùng các cộng sự, tiền thân của MindX là một tổ chức phi lợi nhuận, chúng tôi làm vì đam mê, muốn đóng góp cho giáo dục và thay đổi điều gì đó. Chúng tôi chung tay thành lập một tổ chức và gần như phi lợi nhuận. Hơn 1 năm ở mô hình phi lợi nhuận, chúng tôi nhận ra thật sự để giữ chân người giỏi và có thể phát triển xa hơn, chúng tôi buộc phải làm một mô hình chuyên nghiệp hơn, và đã chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

Thời điểm đó mọi thứ cũng rất ly kỳ. Tất cả mọi thứ, từ kế toán, sổ sách, rồi doanh thu, làm sao để nuôi sống công ty, trả tiền thuê nhà,... mọi thứ đến rất đột ngột. Với nhiều nhân sự, việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp cũng khiến áp lực tăng lên, họ phải cam kết nhiều hơn ở kết quả công việc, rồi có người rời đi. Đấy là bước ngoặt đầu tiên, bước ngoặt đánh dấu chúng tôi bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Bước ngoặt thứ hai có lẽ là vào cuối 2019 - đầu 2020. Thời điểm đấy, chúng tôi nhận được vòng vốn đầu tiên của quỹ đầu tư ESP Capital và một số các nhà đầu tư thiên thần. Ngay sau khi nhận vốn đầu tư, chúng tôi vừa mở rộng kinh doanh từ 1 cơ sở lên 5 cơ sở thì dịch Covid nổ ra. Lúc đó, chúng tôi đã rất hoang mang vì không biết tương lai sẽ thế nào, MindX vừa mở rộng kinh doanh và nhận vốn, và tất cả trường học đều đóng cửa.

Vừa nhận vốn của các nhà đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm với họ, rồi nhỡ công ty phá sản thì sao. Nhiều câu hỏi đặt ra. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, phải xoay sở để có thể thích ứng với tình hình.

Lúc đấy chúng tôi bắt đầu chuyển từ mô hình offline thuần túy lên mô hình hybrid. Tất cả các chương trình, trải nghiệm đều phải thay đổi. Rất may mắn là trong suốt hai năm đó chúng tôi đã làm được. Thật ra tôi nghĩ rằng, một phần cũng do xã hội và các vị phụ huynh nhận ra sự quan trọng của công nghệ nhờ Covid, học sinh cũng quen với học online.

Bước ngoặt thứ ba là đến cuối 2021. Thời điểm đó, chúng tôi nhận được vốn đầu tư từ một số quỹ đầu tư nước ngoài, khoảng 3,3 triệu USD trong series A. Chúng tôi đã sử dụng vốn rất dè chừng vì phải xem xét tình hình. Ngay sau khi hết Covid vào đầu 2022, chúng tôi đã có thể tận dụng được lợi thế tích lũy trước đấy và số vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 4

Có thể thấy trong chặng đường 8 năm “lửa thử vàng”, đã có rất nhiều thay đổi, nỗ lực của các nhà sáng lập. Vậy thì với bản thân Thu Hà, khởi nguồn từ khi còn là cô sinh viên năm 2 đại học, đâu là động lực cho Hà bắt đầu theo đuổi con đường khởi nghiệp với mô hình trường học công nghệ như vậy?

Thật ra khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng có hai câu chuyện quan trọng nhất dẫn đến sự lựa chọn lúc đấy của tôi. Tôi lớn lên trong một ngôi làng khá nghèo, bạn bè hầu hết chỉ làm nông, công nhân, thậm chí còn phải ly hương để kiếm sống. Đến khi học cấp ba, tôi nhận ra gần như bạn bè xung quanh đã bỏ học, thậm chí nhiều bạn còn phải chịu cảnh tù tội nữa. Anh em chúng tôi khi ấy rất may mắn vì có bố mẹ quan tâm đầu tư học hành và cho chúng tôi thấy được giá trị của việc học.

Trong cả ngôi làng đó, chỉ có hai anh em tôi có cơ hội đi học đại học. Khi ở đại học, tôi nhận thấy giáo dục có thể thay đổi con đường của một người, nên sau này nếu tôi có thể quay trở lại làm gì đó cho quê hương, chắc chắn đó phải là giáo dục.

Hồi đó tôi cũng may mắn được lựa chọn vào chương trình đại sứ Google Đông Nam Á, và đấy là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với công nghệ, đi lại giữa các nước ở Đông Nam Á để thăm văn phòng của Google, tham gia các chương trình và dự án của Google ở khu vực. Tôi nhận ra công nghệ có sức mạnh rất lớn, có thể giúp một quốc gia cũng như một thế hệ vươn ra quốc tế. Lúc đó, tôi đã mong muốn mình có thể làm một điều gì đấy với công nghệ.

Khi trở về Việt Nam, tôi chợt nhận ra rằng người Việt Nam có rất nhiều tố chất tốt trong việc học tập công nghệ và chăm chỉ, thông minh, so với các bạn trong khu vực hoàn toàn không thua kém. Ngày đó, tôi cũng mới là sinh viên thôi nên chỉ muốn làm một điều gì đấy, như các dự án của Google và chúng tôi thành lập một dự án giảng dạy phi lợi nhuận về công nghệ tên là TechKids. Và cuối cùng, tôi với các cộng sự đã thay đổi mô hình phi lợi nhuận sang mô hình doanh nghiệp từ 2016.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 5

Tôi thấy một trong những tôn chỉ của MindX là: “Sống và làm việc như Silicon Valley thu nhỏ”, và MindX cũng là một trong những mô hình trường học công nghệ đầu tiên ở Việt Nam có thể cam kết việc làm cho học viên. Vậy đâu là lý do để MindX đưa ra những tôn chỉ này và MindX thực hiện điều này như thế nào?

Thứ nhất môi trường “little Silicon Valley” chỉ là một phép ẩn dụ, ẩn dụ cho việc chúng tôi muốn tạo ra không chỉ là một lớp học mà các bạn phải thực sự đắm mình trong môi trường công nghệ với những người có cùng đam mê. Các bạn được tham gia các hoạt động, không chỉ học trên lớp, mà còn có thể có những dự án thực trong suốt cả quá trình học từ rất sớm, và tham gia các vườn ươm khởi nghiệp. MindX muốn xây dựng nền văn hóa “không sợ sai, không sợ thất bại”, học viên thật sự can đảm, dũng cảm, được va chạm trong một môi trường khác biệt để nuôi dưỡng tài năng, đam mê công nghệ. Đấy là môi trường mà chúng tôi gọi là “little Silicon Valley”.

Chúng tôi cũng có các chương trình quốc tế cho các bạn muốn ra nước ngoài làm việc, hoặc có các chương trình để các bạn được tiếp xúc với môi trường quốc tế ngay chính tại Việt Nam. Đấy là mong mỏi của chúng tôi khi xây dựng ra ngôi trường này.

Còn với cam kết việc làm, cam kết ở đây không chỉ dừng lại ở “ngọn”, tức là không đơn giản học xong sẽ được xin việc, được kết nối với doanh nghiệp, mà là cả quá trình đồng hành, để biết các bạn có định hướng, thế mạnh, sở thích, năng lực gì, từ đó giúp các bạn lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 6

Vừa rồi MindX đã đón nhận một thông tin rất tích cực, không chỉ tích cực với riêng MindX mà cả hệ sinh thái nữa. Đó là MindX đã thành công gọi vốn 15 triệu USD. Chúng ta đều biết thời gian gần đây được coi là “mùa đông gọi vốn”, vậy làm thế nào mà MindX có thể thuyết phục các nhà đầu tư rót một số vốn tương đối lớn như vậy và MindX mất bao lâu để hoàn thành vòng gọi vốn này?

Thật ra nhà đầu tư dẫn dắt chúng tôi là Kaizenvest, họ chuyên về giáo dục. Họ đã đi khắp Đông Nam Á để tìm kiếm mô hình đào tạo công nghệ. Họ cũng đã hoạt động rất sôi nổi ở thị trường Ấn Độ, nơi có những unicorn tỷ đô về giáo dục công nghệ. Vì thế, họ muốn tìm ở thị trường Đông Nam Á một hạt giống tương tự. Họ đi khắp Đông Nam Á, sang cả Indonesia, Thái Lan, Singapore nhưng hầu hết quy mô tương đối nhỏ và thị trường ở các quốc gia đấy không sôi động như ở Việt Nam.

Khi về Việt Nam, như đã chia sẻ, chúng tôi cũng chớp thời cơ ngay sau Covid, có một số vốn từ đợt series A và mở rộng nhanh chóng, chứng minh được mô hình có thể thành công trên diện rộng. Tới cuối 2022, quy mô của chúng tôi tạm có thể coi như số 1 Việt Nam, thậm chí họ còn chia sẻ với chúng tôi là “số 1 Đông Nam Á”, tức là so về quy mô, số lượng học sinh, cơ sở, quy mô vận hành thì hiện nay MindX đang là số 1 trong lĩnh vực liên quan tới giáo dục công nghệ ở Đông Nam Á. Và họ quyết định đầu tư.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 7

Vậy trong những yếu tố Hà vừa chia sẻ như thị trường, mô hình,... đâu là yếu tố mà chị coi là mang tính quyết định nhất để thu hút nhà đầu tư?

Đây là những chia sẻ rất thật về kinh nghiệm gọi vốn. Việc này có ba yếu tố quan trọng nhất. Một là thị trường, họ sẽ đánh giá xem thị trường có đủ lớn hay không. Thứ hai là về nhà sáng lập và đội ngũ, ví dụ như họ đến để đầu tư vào công ty chúng tôi, họ phỏng vấn toàn bộ những người sáng lập và đội ngũ quản lý. Thứ ba là về mô hình kinh doanh, mô hình đó có thật sự bền vững không, có đem lại lợi nhuận hay không. Với quỹ đầu tư dẫn dắt chúng tôi thì còn một yếu tố nữa đó là yếu tố xã hội. ESP có tám tiêu chí phát triển bền vững, trong đấy có bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em, bảo vệ hòa bình thế giới,... thì mình có đáp ứng được cái đó không. Thông thường các quỹ đầu tư sẽ có ba yếu tố đầu tiên là như vậy, và một số quỹ họ sẽ có thêm yếu tố cuối cùng nữa.

Qua giai đoạn 2020-2022, các nhà đầu tư rất dè chừng và mong muốn mô hình tăng trưởng bền vững hơn, chứng minh có lãi và đảm bảo chất lượng vận hành, chất lượng dịch vụ trong suốt quá trình tăng trưởng.

Trong thời gian tới, MindX sẽ sử dụng nguồn vốn mới như thế nào?

Với số vốn đầu tư hiện tại, MindX sẽ có 3 việc chính. Thứ nhất là củng cố mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm và phần liên quan đến đội ngũ giáo viên. Hiện tại, số lượng giáo viên cũng như chương trình học của chúng tôi rất lớn, cần quy hoạch và xây dựng hệ thống để có thể bền vững, như vậy khi phát triển rộng ra vẫn có thể giữ được chất lượng cũng như tăng cường chất lượng.

Về kinh doanh, hiện tại chúng tôi đang có khoảng 32 cơ sở và trước tháng 7 chúng tôi sẽ tăng lên khoảng 40 - 45 cơ sở, bắt đầu đi ra những thị trường xa hơn ở các tỉnh, ngoài Hà Nội và Sài Gòn.

Thứ ba là liên quan đến toàn bộ hệ thống quản trị. Từ một công ty non trẻ, khi bắt đầu phát triển sẽ có rất nhiều vấn đề về quản trị và MindX cần có một hệ thống quản trị vững hơn. Đó là ba phần hiện tại chúng tôi sẽ dự định làm trong năm nay và nửa đầu năm sau.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 8

MindX có kế hoạch mở rộng ra các thị trường nước ngoài bên cạnh thị trường Việt Nam hay không?

Việc một startup có thể đi ra nước ngoài thực ra là một điều rất hấp dẫn với nhà đầu tư. Thực ra chúng tôi cũng rất nghiêm túc nghĩ về việc này, tuy nhiên sẽ cần thời gian. Hiện tại tôi chưa thể nói trước là năm sau hay năm sau, bởi vì đó là một cái bài toán rất khác và thực sự thách thức, đòi hỏi năng lực triển khai và phát triển thị trường mới. Vì vậy, chúng tôi sẽ rất thận trọng trong quyết định có ra nước ngoài hay không và bao giờ.

Chúng ta đã nói rất nhiều những câu chuyện liên quan đến các dấu mốc phát triển của MindX, sự bùng nổ của rất nhiều chi nhánh. Vậy bên cạnh những cơ hội, MindX có những thách thức nào trong quá trình phát triển?

Tôi nghĩ là có hai thách thức lớn nhất đối với chúng tôi trong cái giai đoạn này và sắp tới.

Thứ nhất, đây là thị trường mới. Thực ra cũng có những thuận lợi khi chúng tôi là người dẫn đầu hiện tại trong thị trường và số lượng đối thủ cạnh tranh chưa nhiều. Tuy nhiên vì là thị trường mới nên mình phải thực sự đem lại giá trị đích thực cho khách hàng, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị của việc học công nghệ, phát triển tư duy giải quyết vấn đề, tư duy logic cho các bạn nhỏ. Sẽ phải mất nhiều công sức để thuyết phục thị trường, đào tạo nhân sự, đội ngũ để có khả năng giải thích cho khách hàng thấu hiểu và đưa những giá trị thực cho khách hàng và học sinh.

Thách thức thứ hai là sự bùng nổ. Nghĩa là, một doanh nghiệp tăng trưởng x2, x3 lần một năm, thì sẽ có rất nhiều vấn đề. Bởi vì khi tăng quy mô về số lượng cơ sở sẽ phải tăng quy mô số lượng học sinh, vận hành và nhân sự. Và như vậy, bài toán mới về mặt quản trị, quản lý cũng xuất hiện và chúng tôi phải học liên tục, để có khả năng giải quyết những vấn đề đấy.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 9

Có thể nói, MindX không chỉ trang bị kiến thức mà còn thay đổi cả mindset của các bạn. Hiện nay, công nghệ phát triển rất nhanh và với những làn sóng như công nghệ AI hay là ChatGPT đang rất nở rộ, một số nghề có thể sẽ bị đào thải trong tương lai. MindX đã chuẩn bị như thế nào cho sự chuyển đổi này ở thời điểm hiện tại?

Đấy là lý do vì sao tôi nói nhiều về vấn đề học tư duy. Thực ra trong thời đại VUCA, tức là mọi thứ thay đổi rất nhanh, không chỉ về vấn đề nghề nghiệp mà tất cả những diễn biến xung quanh cuộc sống, mình không thể biết trước, thậm chí những kiến thức hoặc những kinh nghiệm của mình trước kia, sau này sẽ không dùng được. Câu chuyện cốt lõi là đào tạo để các bạn có thể đối diện và nắm bắt, thích nghi với sự biến đổi trong tương lai.

Tôi nghĩ là có một số năng lực lõi mà ngay cả trong chương trình học về công nghệ, chúng tôi cũng phải đưa vào và làm sao để thông qua công nghệ, các bạn trẻ có thể rèn luyện những năng lực đó. Thứ nhất, đấy là năng lực giải quyết vấn đề. Khi gặp một bài toán khó, một sự thay đổi hay thách thức trong cuộc sống, các bạn có năng lực giải quyết. Học về công nghệ, những bài toán không phải là một cộng một bằng hai giống như ở trên trường, mà nó là những bài toán mở. Ví dụ, khi các bạn đối diện nhiệm vụ thu thập tất cả đề thi ở những năm trước, lọc ra những đề cương luyện thi, làm sao để các bạn có thể viết ra được những phần mềm như thế? Làm sao các bạn có thể thu thập tất cả data có thể phân tích và trả được về kết quả. Như vậy, các bạn phải biết cách phân tích vấn đề, tự tìm hiểu cách làm rồi trực tiếp làm ra những sản phẩm như thế. Đấy là năng lực giải quyết vấn đề.

Năng lực thứ hai là về sự sáng tạo. Sáng tạo cũng có chút gì hơi giống với năng lực giải quyết vấn đề. Trong chương trình học, chúng tôi không gò ép các bạn phải làm theo một khuôn mẫu mà các bạn được phép tạo ra những giải pháp và ý tưởng sáng tạo để giải quyết những vấn đề mà các bạn lựa chọn.

Thứ ba là sự dũng cảm. Khi đối diện với những biến động như vậy, các bạn ấy phải rất “lì lợm” và phải sẵn sàng đương đầu. Thầy cô, bố mẹ không thể giúp các bạn ấy trong mọi vấn đề, vì thế các bạn phải thực sự dũng cảm. Trong văn hóa học tập ở MindX, chúng tôi sẽ khuyến khích các bạn không sợ sai, không ngại sửa lại và không ngại làm lại từ đầu.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 10

Một câu hỏi cuối cùng, nếu được gửi gắm thông điệp dành cho các nhà sáng lập trong giai đoạn nhiều biến động và thử thách như hiện nay, chị Hà sẽ nói gì?

Tôi nghĩ rằng đội ngũ sáng lập của MindX ngay từ đầu không phải là những superstar, những người có profile khủng hoặc siêu giỏi. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi là những người rất lì và bản thân những người đi cùng chúng tôi cũng như vậy.

Có lẽ trong thời đại biến động như bây giờ, giới startup sẽ phải dũng cảm và lì lợm hơn nữa để có thể bước qua tất cả khó khăn, thử thách, thậm chí đôi khi phải đập công ty đi xây lại, đập mô hình kinh doanh này đi xây lại một mô hình kinh doanh mới, đập sản phẩm này đi xây lại một mô hình sản phẩm mới. Đó là việc mình sẽ phải đương đầu và vì chúng tôi đã lì nên chúng tôi đi được đến bây giờ. Nếu không lì, chúng tôi có lẽ đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước, khi ở vào những tình thế như hết tiền, nhân sự ra đi, thậm chí là dịch Covid…. Nếu chúng tôi bỏ cuộc đã không có chúng tôi ngày hôm nay đó. Đó là bài học quan trọng nhất mà tôi rút ra được.

Co-Founder MindX: “Nếu không lì lợm, chúng tôi đã bỏ cuộc từ 3-4 năm trước” - Ảnh 11

VnEconomy 16/05/2023 11:41