Với những biến động không thể đoán trước của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần ưu tiên những yếu tố gì để đảm bảo sự linh hoạt và tăng trưởng bền vững trong một môi trường kinh tế mở như hiện nay, thưa ông?
Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa nền kinh tế và các đối tác thương mại để giảm thiểu các cú sốc từ bên ngoài. Việc củng cố tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là thông qua việc tận dụng chủ động các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, là rất quan trọng. Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng các xu hướng toàn cầu như reshoring (chuyển sản xuất về chính quốc) và friendshoring (chuyển sản xuất sang nước bằng hữu), điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trong chiến lược “Trung Quốc+1”. Bằng cách cung cấp một lựa chọn ổn định và hấp dẫn cho các nhà sản xuất toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút đầu tư lâu dài và gia nhập vào các chuỗi cung ứng quan trọng.
Xây dựng khả năng chống chịu kinh tế cũng đòi hỏi việc thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển các ngành quan trọng như logistics, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến. Cần chú trọng phát triển các hệ sinh thái công nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ, vốn vẫn là nút thắt đối với các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và sản xuất ô tô. Giải quyết những thiếu sót này là điều kiện tiên quyết để tạo ra một môi trường thu hút và duy trì đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng này.
Ngoài ra, việc thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và đảm bảo ổn định vĩ mô cũng sẽ đóng vai trò then chốt. Hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Mỹ, có thể cung cấp chuyển giao tri thức, chuyên môn công nghệ và vốn để hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và linh hoạt.
Những ngành nào có tiềm năng nhất để thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Mỹ và làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng lực lượng lao động để thu hút đầu tư giá trị cao từ Mỹ?
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 100 tỷ USD, gấp đôi so với thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc. Điều này phản ánh mối quan hệ kinh tế quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ. Việc nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đánh dấu một cột mốc quan trọng, phản ánh sự sâu sắc và rộng lớn của mối quan hệ song phương, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các ngành chiến lược, bao gồm bán dẫn (một lĩnh vực mà Việt Nam đã trở thành một bên hưởng lợi quan trọng từ các xu hướng và chính sách toàn cầu như Đạo luật CHIPS của Mỹ), năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và sản xuất tiên tiến.
Các ngành tiềm năng khác bao gồm công nghệ y tế và nông nghiệp, nơi mà năng lực ngày càng tăng và tiềm năng thị trường của Việt Nam phù hợp với chuyên môn và ưu tiên đầu tư của Mỹ. Với vị trí chiến lược và cơ sở sản xuất mạnh mẽ, Việt Nam trở thành đối tác hấp dẫn cho các công ty Mỹ đang tìm kiếm sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Để thu hút đầu tư giá trị cao, Việt Nam cần đầu tư vào phát triển lực lượng lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục STEM, đào tạo nghề và nâng cao khả năng tiếng Anh. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam mới ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển lực lượng lao động trong việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ cao vững mạnh. Việc hợp tác với các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp Mỹ để thiết kế các chương trình đào tạo chuyên ngành phù hợp với các chiến lược này có thể giúp đồng bộ hóa kỹ năng của lực lượng lao động với nhu cầu của các doanh nghiệp Mỹ.
Các biến động chính trị ở Mỹ, như ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, có thể tác động như thế nào đến hợp tác kinh tế Việt - Mỹ và Việt Nam cần thận trọng điều gì?
Các thay đổi chính trị ở Mỹ có thể mang đến những bất ổn mới về chính sách thương mại, như điều chỉnh thuế quan hoặc thay đổi ưu tiên kinh tế. Mặc dù Việt Nam có thể đối mặt với một số thách thức mới, nhưng điều này cần được xem xét trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn. Trong bối cảnh này, vị trí của Việt Nam như một đối tác tin cậy và ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mang lại lợi thế tương đối.
Ngay cả khi đối mặt với các biện pháp bảo vệ thương mại, Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ các thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là khi các doanh nghiệp tìm kiếm các phương án thay thế Trung Quốc. Các mối quan hệ thương mại đa dạng của Việt Nam, việc tuân thủ các hiệp định chất lượng cao và danh tiếng về sản xuất xuất sắc là những yếu tố giảm thiểu rủi ro và tăng sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Để chuẩn bị, Việt Nam nên tập trung vào việc duy trì đối thoại song phương mạnh mẽ để thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ các mục tiêu kinh tế của Mỹ, bao gồm tính linh hoạt của chuỗi cung ứng và sự ổn định khu vực. Đồng thời, những nỗ lực chủ động của Việt Nam trong việc đồng bộ hóa với các tiêu chuẩn quốc tế và gia tăng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ càng củng cố tầm quan trọng của Việt Nam như một đối tác chiến lược, bất chấp các chuyển biến chính trị tại Mỹ.
Việt Nam cần cải thiện những yếu tố nào trong môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ?
Để thu hút các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam cần tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch, dự báo và hiệu quả trong khung pháp lý. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, củng cố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy các đối tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng là những bước quan trọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tạo ra ưu đãi cho các khoản đầu tư công nghệ cao và bền vững, chẳng hạn như ưu đãi về thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) và năng lượng xanh. Việc phát triển một hệ sinh thái các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như bán dẫn và điện tử, sẽ thu hút thêm các công ty Mỹ tìm kiếm các giải pháp toàn diện.
Việt Nam cần thay đổi hoặc triển khai những chính sách nào để đảm bảo hợp tác kinh tế bền vững với Mỹ và có lợi cho cả hai bên?
Việt Nam cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và áp dụng công nghệ. Việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghiệp tiên tiến như AI, IoT và công nghệ sinh học.
Mở rộng các chương trình thúc đẩy phát triển bền vững, chẳng hạn như các dự án năng lượng tái tạo và các khoản đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), sẽ đáp ứng đúng ưu tiên của Mỹ. Thêm vào đó, việc cải thiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ thương mại điện tử có thể mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Ông nhận định như thế nào về triển vọng của quan hệ kinh tế Việt - Mỹ trong tương lai, Việt Nam cần làm gì để khẳng định vai trò là đối tác quan trọng của Mỹ tại châu Á?
Tổng thể, triển vọng quan hệ kinh tế Việt - Mỹ sẽ tiếp tục tích cực khi hai quốc gia đồng thuận về các ưu tiên chung như tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, tăng trưởng xanh và đổi mới công nghệ. Vị trí chiến lược của Việt Nam và vai trò như một trung tâm quan trọng trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đảm bảo sự gia tăng tầm quan trọng của Việt Nam đối với các chiến lược kinh tế và địa chính trị của Mỹ.
Để củng cố vị thế với Mỹ, Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này bao gồm việc tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển lực lượng lao động, giải quyết các nút thắt trong cơ sở hạ tầng và khung pháp lý. Việc nâng cao năng lực sản xuất công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng xanh, sẽ giúp Việt Nam trở thành đối tác không thể thiếu trong khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam cần thể hiện sự lãnh đạo trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và quản trị số, trong khi duy trì sự tham gia tích cực vào các khuôn khổ thương mại khu vực như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Những nỗ lực này sẽ không chỉ làm sâu sắc thêm lòng tin và sự hợp tác với Mỹ, mà còn củng cố vị trí của Việt Nam như một nhân tố trung tâm trong cấu trúc kinh tế và an ninh đang phát triển tại châu Á.
VnEconomy 26/11/2024 11:25
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2024 phát hành ngày 25/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam