11:38 16/08/2016

Có nên mua nồi hầm điện?

PV

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 1
Nồi tiềm điện là gì?
Xét về hình thức, nồi tiềm điện có hình dáng không khác là bao so với những chiếc nồi cơm điện cơ (1 nút bấm) vốn rất quen thuộc với mọi người. Điểm khác nhau chính là nồi tiềm điện sử dụng lòng nồi dày, cấu tạo bằng sứ tráng men hoặc bằng gốm, giúp giữ nhiệt và truyền nhiệt tốt hơn mà không cần phải gia nhiệt nhiều. Chính vì thiết kế lòng nồi như vậy nên nồi tiềm điện thường nóng chậm hơn, thời gian nấu chín thực phẩm bao giờ cũng lâu hơn (trung bình là khoảng 3 - 4 tiếng), nhưng bù lại lại giúp bảo toàn dinh dưỡng trong thực phẩm tốt hơn và cũng đỡ hao điện hơn.
Thường thì nồi tiềm sẽ duy trì nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ khoảng từ 80 – 100 độ C, tuỳ theo mức độ nhiệt mà bạn chọn. Với mức tạo nhiệt thấp cộng thêm khả năng giữ nóng cao của lòng nồi nên cho dù có nấu trong thời gian dài thì tổng thể năng lượng điện tiêu thụ sau quá trình nấu bằng nồi tiềm điện cũng vẫn ở mức thấp, có khi chỉ tương đương với một chiếc quạt cây. Thực phẩm khi chín từ từ như vậy cũng sẽ không chuyển hoá để sinh ra các độc tố có hại cho sức khoẻ. Một ưu điểm của nồi tiềm điện đó là chúng có giá thành rất rẻ, chỉ từ 150.000đ là bạn đã có thể mua được cho mình một nồi tiềm điện dung tích 1,5L. Tuy nhiên, dòng giá rẻ như vậy thường có chất lượng dây dẫn điện, bộ phát nhiệt không tốt, dễ dẫn đến rủi ro chập cháy, hư hỏng hơn, đặc biệt là trong trường hợp bạn sử dụng nồi tiềm thường xuyên, liên tục, trong thời gian dài. Các sản phẩm chất lượng tốt thường có giá thành khoảng 400.000đ – 500.000đ trở lên cho loại nồi dung tích 1,5L… Không chỉ rẻ ở chi phí đầu tư lúc mua mà trong cả quá trình sử dụng, nồi tiềm điện cũng tiêu tốn điện rất ít. Thông thường, công suất tiêu thụ điện tối đa của nồi tiềm trong mỗi giờ sẽ là: 80W cho nồi 0,7L;120W cho nồi 1,5L và 200W cho nồi 3L, nhìn chung cũng chỉ tương tự như những chiếc quạt máy trong nhà. Trong khi đó, nồi cơm điện cơ loại nhỏ (khoảng 0,6L) thì công suất nấu thường cũng đã là khoảng 350W mỗi giờ. Một ưu điểm nổi trội khác của nồi tiềm điện đó là cách sử dụng và vệ sinh nồi hết sức dễ dàng. Nếu cho thực phẩm vừa định mức của nồi nấu và dùng quen thì bạn sẽ hoàn toàn không phải lo đứng canh bếp, không lo thức ăn bị trào hay cháy khét trong suất quá trình nấu, kể cả khi bạn để nồi nấu qua đêm. Bên cạnh đó, thiết kế lòng nồi bằng sứ hay gốm tráng men nhìn chung có khả năng chống dính khá tốt, khó bám bẩn và đặc biệt rất dễ vệ sinh khi lòng nồi hoàn toàn tách rời khỏi bộ phát nhiệt.

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 2

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 3

Nồi tiềm điện có giống nồi ủ?
Thoạt nghe thì cơ chế hoạt động của nồi tiềm có vẻ giống nồi ủ. Tuy nhiên, thực tế thì chúng lại thực sự rất khác biệt nhau. Nồi ủ thường chỉ thích hợp với những món nấu có nhiều nước, thực phẩm được làm chín bằng sức nóng của lượng nước có trong nồi và nhiệt độ “nấu” sẽ bị giảm dần theo thời gian ủ. Khi nấu, bạn bắt buộc phải chọn kích cỡ nồi phù hợp sao cho lượng thực phẩm (gồm cả nước) phải chiếm khoảng 2/3 lòng nồi để đạt hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất.  Một đặc điểm của việc chế biến thức ăn với nồi ủ đó là không làm món ăn bị mất nước sau khi nấu chín. Nghĩa là khi bạn nấu cháo, hầm xương, nấu chè… thì các nguyên liệu vẫn sẽ nhừ tơi mà lượng nước sau khi ủ vẫn còn nguyên như ban đầu. Như vậy thì những món kho cần cạn bớt nước để kết cấu món ăn sắt lại, trở nên chắc ngọt hơn như món ram, món cá kho, kho khô… chắc chắn sẽ là không phù hợp để dùng với nồi ủ.

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 4

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 5

Trong khi đó, khi dùng nồi tiềm điện để nấu các món cần nhiều nước để ninh nấu trong thời gian dài như nấu chè, nấu nước hầm xương, kho cá…, bạn sẽ cần phải cho nước vào nhiều hơn mức cần thiết để sau một thời gian đun, nước cạn bớt là vừa. Ngoài ra, không chỉ dùng để nấu các món nước như nồi ủ, bạn còn có thể dùng nồi tiềm điện cho nhiều loại món ăn khác nhau như hấp cách thuỷ, nướng thịt/cá, ủ yogurt và thậm chí là cả… nướng bánh. Một điểm khác biệt lớn nhất của nồi tiềm điện so với nồi ủ đó là bạn vẫn có thể dùng nồi tiềm để nấu những món ăn có dung tích nhỏ hơn kích cỡ lòng nồi nhiều lần (chỉ cần bạn biết canh thời gian khi nấu để món ăn không bị cháy khét). Bên cạnh đó, nhiệt độ nấu của nồi tiềm luôn được duy trì ổn định để giữ cho thực phẩm luôn sôi lăn tăn trong suốt quá trình nấu, chứ không giảm dần như ở nồi ủ (một yếu tố khiến nhiều người nghi ngại về khả năng diệt khuẩn thức ăn khi nấu bằng nồi ủ).

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 6

Có nên mua nồi hầm điện? - Ảnh 7

Những lưu ý khi mua & dùng
-    Nhìn chung, sự chênh lệnh về giá tành của nồi tiềm chủ yếu là ở chất lượng dây dẫn điện và bộ phát nhiệt. Các sản phẩm giá cao thường là do dùng dây dẫn chịu nhiệt tốt, chịu được sự biến đổi điện áp đột ngột nên bền, tuổi thọ cao hơn. Bên cạnh đó, sự chuẩn xác trong thiết kế bộ chỉnh nhiệt sẽ giúp nồi vận hành đúng công suất, đảm bảo mức điện năng tiêu thụ và tránh hao tổn gây lãng phí điện.
-    Thông thường, thức ăn cần nấu khoảng 2 - 3 giờ ở chế độ “High”, 4 - 6 giờ ở chế độ “Low” và 8 - 10 giờ với chế độ “Keep Warm” (1 giờ nấu ở chế độ “High” nhìn chung tương đương với 2 tiếng nấu ở chế độ “Low”). Tùy theo món ăn mà bạn có thể đặt chế độ nhiệt độ khác nhau khi nấu, nhưng với hầu hết các loại thịt thì cần phải được nấu ít nhất là khoảng 8 tiếng ở chế độ “Low”.

- Khi hầm canh, lượng nước và thức ăn cho vào nồi không được để vượt quá 80% dung tích lòng nồi. Khi nấu cháo, lượng nước, gạo và thức ăn không được để vượt quá 60% dung tích lòng nồi.
- Bạn tuyệt đối không nên dùng lòng nồi sứ/đất để đun trực tiếp trên bếp lửa, bếp gas hoặc lò nướng vì chúng có thể gây nứt, vỡ lòng nồi do nồi không được thiết kế để chịu mức nhiệt cao (trừ trường hợp nhà sản xuất cho phép). Bạn cũng không nên đặt lòng nồi mới nấu, còn đang nóng lên những bề mặt lạnh hay ướt vì sẽ làm lòng nồi bị sốc nhiệt, nứt vỡ.


Lan Hương