Hà Nội coi phố cổ là một trong 3 khu vực trọng điểm về du lịch
Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc kích cầu du lịch năm 2025 bằng cách kết hợp đồng bộ giữa chính sách ưu đãi, phát triển sản phẩm mới, liên kết vùng, liên kết quốc tế và chuyển đổi số toàn diện…

Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia (2004 - 2024). Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, các giá trị của phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô.
Thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho thấy, hiện trên địa bàn có gần 200 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, riêng trong khu vực phố cổ có tới 121 di tích. Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã; phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược...
Với những tiềm năng thế mạnh từ hệ thống di sản văn hóa, khu phố cổ Hà Nội được ví là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam.
TĂNG SỨC HÚT DU LỊCH
Nhằm tăng sức hút cho du lịch, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật buổi tối tại khu vực phố cổ Hà Nội như: Không gian nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm; Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ)…
Để phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách, quận Hoàn Kiếm đã cho phục hồi nhiều lễ hội truyền thống, tổ chức giới thiệu các nghề thủ công của các làng nghề phố cổ và Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa, khoa học và thông tin Quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Hiện phố cổ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Thủ đô của du khách. Trung bình mỗi ngày cuối tuần tại không gian phố đi bộ khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 20.000 lượt khách đến vui chơi giải trí. Riêng năm 2024, số khách du lịch quốc tế lưu trú qua đêm tại quận Hoàn kiếm đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng 48,5%”.
Tuy nhiên, tại Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch quận Hoàn Kiếm với các đơn vị lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội” mới đây, các doanh nghiệp du lịch có chung phản ánh, hiện việc khai thác tour, tuyến thăm quan phổ cổ chủ yếu là do các công ty lữ hành tự tổ chức, nên sản phẩm còn đơn điệu, chưa giới thiệu được những nét văn hóa tinh hoa của phố cổ Hà Nội đến với du khách quốc tế.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam, kiến nghị: “Cần có một tour, tuyến trọng điểm, được cơ quan nhà nước khảo sát, chọn lọc, chuẩn hóa, kiểm định, đưa vào thử nghiệm, rồi khai thác để tạo độ tin cậy cao đối với du khách, đồng thời quảng bá được những nét tinh hoa của văn hóa phố cổ Hà Nội”.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Hanoi Tourism JSC Nhữ Thị Ngần phản ánh khu vực phố cổ Hà Nội còn thiếu các cơ sở dịch vụ đăng ký hệ thống đạt tiêu chuẩn phục vụ để giới thiệu với du khách. “Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô và quận Hoàn Kiếm cần tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch theo chuyên đề. Qua đó, doanh nghiệp du lịch có thể xây dựng tour đặc trưng phố cổ vào những thời điểm nhất định trong năm,” bà Ngần đề xuất.

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, công trình có giá trị, thành phố Hà Nội vừa công bố danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa.
Theo đó, với danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, liệt kê các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I (21 tuyến phố); các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II (40 tuyến phố); các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt (16 đoạn tuyến phố)…
KÍCH CẦU DU LỊCH NĂM 2025
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về Kích cầu du lịch thành phố Hà Nội năm 2025, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng 3 khu vực trọng điểm gồm: Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, khu du lịch Ba Vì và di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao Sở Du lịch Hà Nội tập trung xây dựng các chương trình, gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn 4 - 5 sao”. Trọng tâm truyền thông của Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng các kênh mạng xã hội chính thức của Sở Du lịch trên nền tảng Facebook và TikTok.

Sở Du lịch sẽ sản xuất các video, phim ngắn và tư liệu hình ảnh phục vụ công tác quảng bá, truyền thông đa nền tảng, bao gồm báo chí, truyền hình và mạng xã hội. Các khách sạn 4 - 5 sao song hành bằng việc triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp như: Lễ hội Quà tặng du lịch, Lễ hội Áo dài du lịch, Lễ hội du lịch, Festival Thu... TP. Hà Nội cũng sẽ lắp đặt quầy thông tin hỗ trợ khách tại khu phố cổ Hoàn Kiếm và các điểm du lịch trọng điểm.
Đối với thị trường quốc tế, TP. Hà Nội sẽ tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp, Italy, Thụy Sỹ; tham gia các hội chợ du lịch lớn như ITB ASIA 2025 tại Singapore, IMEX Frankfurt 2025 tại Đức, Tourism Expo Japan 2025 tại Nhật Bản, FTM Top Resa 2025 tại Pháp…; phối hợp với các hãng hàng không để thu hút khách quốc tế, đón các đoàn Famtrip, Presstrip quốc tế...
Đáng chú ý, Thành phố giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình cải tạo hệ thống các khu công viên, vườn hoa theo định hướng không gian mở, phát triển theo các chủ đề chuyên biệt, đặc biệt là các dự án cải tạo 3 công viên: Thống Nhất, Bách Thảo và Thủ Lệ.

Cùng với đó là tham mưu UBND thành phố triển khai kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống bến cảng đường thủy hỗn hợp và cảng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Du lịch Hà Nội cũng sẽ xây dựng hệ thống thuyết minh thông minh, nền tảng địa chỉ số; ứng dụng AI trong quảng bá; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như 3D, thực tế ảo…
Theo báo cáo từ Chi cục Thống kê Hà Nội, 4 tháng đầu của năm 2025, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,5 triệu người. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,85 triệu lượt; khách nội địa đạt 687.000 lượt.
Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2025 đón 31 triệu lượt du khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Phấn đấu đạt tổng thu từ du lịch khoảng 130.000 tỷ đồng.