Coi chừng “gãy” hệ thống siêu thị, bán lẻ vì Covid-19
Đợt bùng phát Covid -19 lần 4 với biến thể Delta là phép thử cực đại với sức chống đỡ nền kinh tế Việt Nam. Hàng loạt những mắt xích trọng yếu đang gồng hết sức để chống chịu với sức ép nghẹt thở từ dịch bệnh...
Ngành du lịch coi như bị đánh gục, các doanh nghiệp vận tải, logistics lao đao, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa “mất sức”, nhà hàng, quán xá, chuỗi cửa hàng của người dân bị loại khỏi vòng chiến đấu, các chợ truyền thống cũng tan tác khi phải đóng cửa dài ngày…
Trong bối cảnh đó, tưởng như chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ sẽ đắc lợi vì mọi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân phải trông cả vào đây. Tuy nhiên trong thực tế, Covid không để cho bất cứ ngành nghề nào được yên. Đợt dịch lần này cũng đã khiến hàng loạt hệ thống siêu thị lâm vào cảnh "sống dở, chết dở".
NHỮNG “ÔNG LỚN” ĐÓNG CỬA VÌ F0
Tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, những tên tuổi lớn như: TopS Market, GO, LotteMart, Big C… đã nhiều lần phải đóng cửa các siêu thị của mình dài ngày vì có khách hàng là F0 ghé thăm. Việc bị đột ngột đóng cửa để các cơ quan chức năng khử trùng, truy vết, xét nghiệm gây ra những hệ lụy rất lớn về doanh số, chỉ tiêu kinh doanh trong tháng, quý. Trong khi đó, quỹ lương cho nhân viên, các khoản chi khác như điện, nước chi phí thuê mặt bằng vẫn phải duy trì…
Ngày 17/6, sau khi siêu thị bị phong tỏa, ông Lê Văn Hồng- Giám đốc Công ty TNHH TMDV quốc tế Big C Đồng Nai (siêu thị Big C, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) đã phải gửi đơn kêu cứu tới Sở Công thương, Sở Y tế, UBND TP Biên Hòa cùng các ban ngành liên quan. Trong đơn kiến nghị, ông Hồng cho biết trong siêu thị có nhiều mặt hàng tươi sống có hạn sử dụng ngắn. Vì vậy, công ty mong muốn các cơ quan chức năng cho phép nhân viên và xe giao hàng thu gom các mặt hàng tươi sống chuyển giao đến các siêu thị Big C khác cùng hệ thống để giảm thiểu hư hỏng và thiệt hại.
Đối với các mặt hàng tươi sống mà siêu thị ký hợp đồng và cam kết giao cho các công ty đối tác, đơn vị mong được ưu tiên thực hiện giao hàng cho những khách hàng này. Đồng thời, mong toàn bộ cán bộ, nhân viên của siêu thị được sắp xếp thực hiện xét nghiệm và khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trong thời gian sớm nhất, vừa bảo vệ sức khỏe nhân viên vừa ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan.
Không dám nói thẳng với cơ quan chức năng, thời hạn phong tỏa, cách ly 21 ngày là quá dài, vị giám đốc này chỉ khẩn khoản đề nghị, nếu các kết quả xét nghiệm không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, công ty mong được sớm mở cửa hoạt động trở lại. Siêu thị Big C Đồng Nai cũng cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Thực tế thì với cách truy vết F0, F1 như hiện nay, thì mọi siêu thị có thể "chết lâm sàng" bất cứ lúc nào. Chỉ cần 1 ca F0 ghé thăm, dù nhân viên bán hàng lễ tân có trang bị bảo hộ đến tận răng, cơ sở vẫn bị đóng cửa, thì không chuỗi siêu thị nào có đủ nguồn lực để trụ lại khi dịch bệnh đang kéo dài chưa biết điểm dừng.
Do bị buộc đóng cửa, nhân viên bị đưa đi cách ly khá nhiều nên tại quận 12, TP.HCM, siêu thị Co.opMart đóng trên địa bàn quận này đã buộc phải đóng cửa vì không còn người phục vụ, bán hàng. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến của các hệ thống bán lẻ có siêu thị đang tạm ngưng hoạt động hoặc đang hoạt động do nhân viên liên quan những ca nhiễm Covid -19 buộc đi cách ly hoặc nhân viên sống trong khu vực bị phong tỏa.
NHỮNG NGÀY KHÓ KHĂN CHƯA DỪNG LẠI
Trên địa bàn TP.HCM, ước tính có khoảng 40.000 điểm cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Những điểm bán này đang là nguồn cung cấp mặt hàng nhu yếu phẩm và bảo đảm đời sống sinh hoạt hàng ngày của hơn 9 triệu người dân.
Để giữ cho hoạt động được diễn ra bình thường và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm xáo trộn đời sống người dân, hàng nghìn nhân viên bán hàng của các công ty đang cung ứng hàng hóa, bán lẻ đã hoạt động hết công suất, duy trì đủ nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Sự cố gắng này cũng đang khiến họ phải đối mặt thường xuyên, liên tục với nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhân viên truyền thông một Công ty vận hành chuỗi siêu thị thuộc loại lớn nhất Việt Nam chia sẻ: "Từ khi dịch bùng phát thì nhân viên chuỗi siêu thị gặp quá nhiều khó khăn. Chúng tôi rất muốn đưa hàng đến những địa phương bị phong tỏa, cách ly, thực tế tại đây sức mua, nhu cầu của người dân là rất lớn, nếu siêu thị đóng cửa, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng giữa việc muốn đưa hàng đến và có đưa đến được không lại là câu chuyện khác".
Có địa phương đã cấm luôn cả tài xế, xe hàng vào địa phương mình dù rằng tài xế có giấy xét nghiệm âm tính với Covid, hàng hóa được dán nhãn hàng thiết yếu theo đúng quy định. Ở nhiều điểm phong tỏa, xe chở hàng ko được vào đến tận cửa hàng, các phương tiện này phải đỗ rất xa và đợi nhân viên siêu thị đưa xe đẩy, kéo ra đưa hàng vào. Không ít ngày ngày các nhân viên phải đẩy mấy trăm chuyến xe hàng từ điểm trung chuyển vào nơi bán.
Họ không phải người hùng hay siêu nhân gì cả, chỉ là người làm công ăn lương thôi nhưng cũng đã làm kiểu bất chấp sức khỏe để gánh việc cho những người đang đi cách ly, mỗi ngày làm 12, 13 tiếng, ăn ngủ tại cửa hàng để phục vụ người dân. Nhưng sức người có hạn, sợ rằng nếu dịch kéo dài, chuỗi siêu thị cũng sẽ không thể trụ vững, vì thiếu nhân viên. Nhiều nhân viên hoang mang xin nghỉ việc vì lo con nhỏ, cha mẹ già, nếu chẳng may nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm cho cả gia đình.
Sau khi càn quét, làm khổ các hệ thống siêu thị tại phía Nam, Covid bắt đầu “chuyển địa bàn” ra phía Bắc. Và chuỗi những ngày khó khăn của siêu thị chắc chắn chưa dừng lại, dù rằng hàng loạt địa phương đã và đang thực hiện phong tỏa, tìm mọi biện pháp để hạn chế sự lây lan của biến chủng Delta.
Ngày 1/8, người dân Hà Nội rúng động với thông tin Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều lao động dương tính với Covid-19. Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có các cửa hàng VinMart, VinMart+ tại Hà Nội. Cũng ngay trong đêm 1/8, một tin đồn thất thiệt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều trang facebook đã đồng loạt chia sẻ thông tin hàng trăm cửa hàng của siêu thị VinMart được nhân viên F0 của công ty Thanh Nga giao hàng khiến cho nhiều khách hàng của chuỗi siêu thị này rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng.
Để trấn an khách hàng của mình, Vinmart đã phải nhanh chóng phát đi thông báo “Thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị, cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và nguy cơ lây nhiễm không phải là thông tin chính thống từ VinCommerce cũng như các cơ quan chức năng công bố. Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”.
CẦN LẮM “TẤM LÁ CHẮN” VACCINE
Thực ra, việc hệ thống phân phối Vinmart, Vinmart+ của Masan bị Covid tấn công cũng đã là một “kịch bản xấu nhất” mà tập đoàn này hình dung và dự liệu từ cách đây khá lâu. Tuy nhìn thấy được nguy cơ nhưng bản thân họ cũng không thể chủ động được giải pháp phòng vệ.
Từ tháng 6/2021, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce - đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Vinmart (thành viên của Tập đoàn Masan) đã gửi văn bản khẩn thiết đề xuất được Bộ Y tế và Bộ Công Thương tạo điều kiện, phối hợp với các cơ quan chức năng để hơn 22.000 cán bộ nhân viên của họ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Theo người đại diện công ty này, trong số hơn 22.000 nhân viên thì mới có khoảng gần 7.000 người được chích ngừa.
Họ không phải người hùng hay siêu nhân, chỉ là người làm công ăn lương thôi nhưng cũng đã làm kiểu bất chấp sức khỏe để gánh việc cho những người đang đi cách ly, mỗi ngày làm 12, 13 tiếng, ăn ngủ tại cửa hàng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trước đó, cũng là một văn bản khẩn thiết, ngày 25/5 Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã gửi công văn đề xuất đến Bộ Y tế và Bộ Công thương. Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, hiệp hội nêu ý kiến: “Với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm phơi nhiễm Covid-19 là rất cao. AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng”.
Thực tế, việc các tập đoàn, công ty cung ứng hàng hóa, bán lẻ mong muốn được sớm tiêm vaccine cho nhân viên của mình không xuất phát từ mục đích chăm lo, vun vén đơn thuần cho doanh nghiệp, điều mà họ hướng tới chính là cùng với nhiều chuỗi siêu thị khác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, không để giá cả leo thang, người dân gặp khó.
Hy vọng, trong những tháng cuối năm, tấm lá chắn vaccine sẽ sớm được "cấp" cho nhân viên các doanh nghiệp bán lẻ. Trong bối cảnh hiện tại, chỉ có vaccine mới là cánh cửa thần kỳ để giữ sức cho những đơn vị này, đảm bảo “mạch máu” hàng hóa được thông suốt từ đó giúp cho người dân yên tâm “cố thủ”, chờ đợi tới khi phổ cập vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng.