16:11 03/04/2023

Cách tính trợ cấp thất nghiệp khi đóng nối bảo hiểm xã hội

Như Nguyệt

Người lao động thường mong muốn gắn bó với doanh nghiệp lâu dài nhưng vì nhiều lý do mà họ có thể nhảy việc hoặc bị cắt giảm lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để tránh quyền lợi bị ảnh hưởng, pháp luật đã dự liệu để quy định về việc đóng nối bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, người lao động vẫn duy trì được quyền lợi trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 9/2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng.

Từ đó, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.

Có lao động phải chuyển việc, xin sang làm công ty mới. Khi đó, nảy sinh câu chuyện đóng nối bảo hiểm xã hội.

ĐÓNG NỐI BẢO HIỂM XÃ HỘI THÌ TÍNH TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP NHƯ NÀO?

Tòa soạn đã nhận được câu hỏi thắc mắc từ lao động tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Theo đó, họ đã đóng bảo hiểm xã hội ở công ty cũ là 3 năm 5 tháng. Sau đó xin vào công ty khác và đóng bảo hiểm xã hội được 4 tháng, rồi lại nghỉ. Vậy sau khi nghỉ ở công ty mới thì có được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời câu hỏi này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 - Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: (a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; (b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết.

Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

-  Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

Khi đó, anh Thái cần liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương để được hỗ trợ. 

CÁCH TÍNH MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, vấn đề lao động thường quan tâm nhất là mức hưởng trở cấp hàng tháng.

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội, tại Khoản 1, khoản  2 Điều 50 Luật Việc làm quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60 mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Giả dụ, lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp 5 năm thì được hưởng thất nghiệp 05 tháng, mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.