08:46 26/08/2023

Công ty con của Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 1.500 tỷ, khó trả nợ, bị ba ngân hàng kiện ra tòa

Kiều Trang

Nợ ngắn hạn của Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung vượt quá tài sản ngắn hạn 1.459 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 1.496 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, tại ngày 20/6 Lọc hóa dầu Bình Sơn có hai công ty con gồm Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung và Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí. Trong đó, Dầu khí miền Trung đang thua lỗ, bị một số ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Cụ thể, Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản cố định của dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học BIO-Ethanol Dung Quất trong năm 2014 và hiện nay đang tạm ngừng sản xuất.

Tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất 30/6, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn 1.459 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 1.496 tỷ đồng. BSR-BF đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30/6 chủ yếu bao gồm số dư nợ phải trả chi phí lãi vay khoảng 399,2 tỷ đồng; số dư gốc vay khoảng 1.097,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021, các ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khởi kiện Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung lên Tòa án Nhân dân TP Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất.

Tổng giá trị nợ gốc và lãi vay khoảng 1.502 tỷ đồng; giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho khoản vay trên khoảng 1.110,4 tỷ đồng. Tòa án Nhân dân Thành phố Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện trên. Trong thời gian vụ kiện chưa xử lý xong, Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung vẫn duy trì hoạt động.

Theo Lọc hóa dầu Bình Sơn, khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, hỗ trợ tài chính từ cổ đông cũng như lợi nhuận trong tương lai.

Công ty con của Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 1.500 tỷ, khó trả nợ, bị ba ngân hàng kiện ra tòa  - Ảnh 1

Đối với Lọc hóa Dầu Bình Sơn, trong 6 tháng đầu năm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 20.000 tỷ đồng còn 67.734 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23.500 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 3.250 tỷ đồng năm nay.

Doanh thu hoạt động tăng gấp đôi đạt 1.278 tỷ đồng chủ yếu do tăng tiền lãi gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá tuy nhiên do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BSR chỉ còn 3.317 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thuế phát sinh, BSR báo lãi sau thuế 2.949 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 12.444 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải lợi nhuận giảm mạnh, theo BSR, năm 2022 là năm có giá dầu thô (giá Dated Brent) biến động nhiều và tăng cao nhất trong những năm gần đây. Giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 tăng lên 87,22 USD/thùng tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 123,70 USD/thùng vào tháng 6/2022. Trong khi đó, năm 2023 giá dầu thô từ mức 82,77 USD/thùng vào tháng 1/2023 giảm xuống còn 74,7 USD/thùng vào tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô 6 tháng đầu năm 2022 tốt hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023. Với diễn biến giá dầu thô và giá sản phẩm như vậy đã làm cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 kém thuận lợi hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. 

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu giảm sâu so với thực hiện năm trước doanh thu giảm 43%, lợi nhuận giảm 89%.

Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương cho biết mục tiêu giảm lãi là điều tất yếu vì năm 2022 đã đạt kết quả kỷ lục, trong khi năm nay được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kế hoạch này có khả năng được điều chỉnh, sau khi kế hoạch bảo dưỡng toàn bộ (TA5) đối với NMLD Dung Quất được dời lại sang đầu năm 2024.

Tổng tài sản của BSR đạt 75 ngàn tỷ đồng, giảm 3.400 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 4%. BSR đang giữ gần 19.900 ngàn tỷ đồng tiền mặt, cùng gần 9.400 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, tổng cộng hơn 29.200 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho giảm 16%, còn hơn 14.100 tỷ đồng.

Ở bảng cân đối, nợ ngắn hạn giảm 15%, còn 22.100 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm mạnh còn 3.400 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc trả hết khoản vay từ HSBC, và trả một phần khoản vay từ BIDV và Vietinbank. Doanh nghiệp không có vay nợ dài hạn cuối kỳ.