Country music: Dòng nhạc đặc trưng xứ cờ hoa
Nhạc country thuở sơ khai là “hậu duệ” của các nhạc khúc dân ca (folk) và ballad, do làn sóng nhập cư người Anh du nhập vào Nam Mỹ từ thế kỉ 18 - 19. Là dòng nhạc khá đặc biệt nên bên cạnh những nhạc cụ thông thường như trống, guitar, piano, bass, violin, country còn cần thêm một số thứ “kì lạ” khác như arcodion, autoharp (tương tự đàn thụ cầm nhưng kích thước nhỏ hơn), banjo (đàn 3 - 4 dây, có nguồn gốc từ châu Phi, hình dáng tương tự đàn nguyệt), dobro (tiền thân của đàn guitar Hawaii), dulcimer (bao gồm 2 loại: Appalachian dulcimer, 3 dây, gẩy bằng móng tay giả và hammered dulcimer, có nguồn gốc từ Trung Đông, gồm nhiều dây chăng ngang một hộp rỗng hình thang, dùng búa gõ vào dây tạo ra âm thanh), harmonica, đàn mandolin, guitar Hawaii, washboard (còn được gọi là “bàn cạo”, dùng miếng kim loại chà xát lên một tấm ván xù xì để tạo ra âm thanh gay gắt, chói tai) và zither (tương tự đàn tam thập lục, bắt nguồn từ Trung Đông). Chính những nhạc cụ “đặc biệt” này và giai điệu khoáng đạt đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa country và các dòng nhạc khác.
Lady Antebellum, nhóm nhạc country đã giành 5 giải Grammy 2011 với album Need You Now Sự phát triển của radio và công nghệ ghi âm đã dọn đường cho một thể loại âm nhạc mới tiến lên chinh phục thị trường nước Mỹ. Để cạnh tranh, Các công ty đĩa hát đã bắt đầu đưa người xuống miền Nam lùng sục những khuôn mặt mới. Mồng 1/8/1927, khi Ralph Peer, chuyên viên tìm kiếm tài năng của Victor’s Record đặt bút kí hợp đồng ghi âm với Jimmie Rodgers và Carter Family ở Briston, bang Tennessee, đó chính là thời điểm ra đời chính thức của dòng nhạc country. Jimmie Rodger cũng được mệnh danh là “cha đẻ của nhạc country”, một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng Mỹ. Nhạc của Jimmie Rodgers là sự phối hợp các giai điệu blues, yodels và folk, còn gia đình Carter lại trung thành với phong cách truyền thống. Vernon Dalhart là người có công lớn nhất trong việc phổ biến loại nhạc này. Họ là những người đã phác thảo ra những đường nét chính của loại nhạc Country gần giống ngày nay, để chúng trở thành sự sáng tạo riêng biệt của nền văn hoá Mỹ.
Dixie Chicks là một trong vài nhóm country nổi tiếng có thể giữ nguyên vẹn bản sắc của dòng nhạc này Trên nền tảng vững chắc từ thập niên 20, country lại một lần nữa chắp cánh ở miền Tây, nhờ vào những chàng “cowboy” ưa ca hát, mà tiêu biểu là Gene Autry. Đại diện cho phong cách mới, Autry chinh phục người nghe bằng chất giọng cao vút qua những bài hát có giai điệu và ca từ khoáng đạt, tượng trưng cho sự mênh mông bát ngát của những thảo nguyên miền Tây. Cùng thời gian này, Bob Wills và ban Texas Playboys của ông đã tạo ra một trường phái mới: ông mang ảnh hưởng của jazz vào country, sưu tầm tất cả các âm thanh của trống, violin, guitar khuếch đại để viết lại giai điệu. Nhờ ý tưởng này mà trống và guitar Hawaii được góp mặt trong dòng chảy chung của country, còn Bob trở thành “ông vua của phong cách western-swing”. Phong cách này trở nên phổ biến trong thập niên 40. Năm 1934, Decard Record ra đời và gặt hái nhiều thành công chói lọi trong nền công nghiệp ghi âm, trở thành nhãn hiệu country quan trọng và vĩ đại đầu tiên trên thế giới. Năm 1935, Pasty Montana trở thành nữ ca sĩ nhạc đồng quê đầu tiên với ca khúc I Want To Be A Cowboy’s Sweetheart.
Johnny Cash, ông hoàng của dòng black country Thập niên 40 là giai đoạn huy hoàng của bluegrass, một thể loại nhạc coutry mới do Bill Monroe sáng lập. Nó là sự lặp lại hình ảnh các ban nhóm đàn dây sơ khai hồi thập niên 20 một cách toàn diện hơn. Bluegrass hấp dẫn người nghe nhờ phong cách trình tấu khá đặc biệt: hoà âm cao, nhịp điệu dồn dập, tiếng đàn violin khó hiểu xen lẫn tiếng mandolin hối hả. Ngày nay, Alison Krauss đuợc coi là nghệ sĩ coutry mang phong cách bluegrass đậm đà nhất. Đây cũng là những ngày tháng hoàng kim của Roy Acuff, người được tôn vinh là “Ông hoàng của nhạc country”. Ông thường xuyên có những buổi biểu diễn trước đám đông lên tới vài chục nghìn người. Roy Acuff nổi tiếng tới mức binh lính Nhật trong Thế chiến 2 đã lôi tên ông ra chửi rủa cùng tên tổng thống Mỹ đương thời Roosevelt khi phải đối đầu với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Cũng trong giai đoạn này, chương trình radio country của Grand Ole Porgy được phát đi từ Nashville và chính thức biến nơi này thành thủ phủ của nhạc country, cho tới tận ngày nay. Hiếm có phong cách nào ảnh hưởng tới các nghệ sĩ hiện đại như Honky Tonk, mà đại diện tiêu biểu là Hank Williams. Đây là sự kết hợp hài hoà giữa kiểu hát của Jimmie Rodgers và nhịp trống phóng túng của điệu western swing. Honky Tonk tượng trưng cho hơi men đắm đuối, những vũ điệu quay cuồng, tình yêu và sự đau khổ. Nối gót Hank Williams là Jim Reeves, người đi theo phong cách Nashville – pha trộn giữa country và pop, rất thịnh hành ở nửa cuối thập niên 50. Năm 1959, Jim đã tung ra ca khúc bất hủ He’ll Have To Go, đưa tên tuổi ông lên hàng ngũ các siêu sao. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời của một thể loại country mới: Rockabilly, với chất R&B của người da đen thấm đẫm trong từng nét giai điệu. Các đại diện tiêu biểu là Jerry Lee Lewis, Carl Perkins và Johnny Cash – người đã được Hollywood dựng hẳn một bộ phim xuất sắc về cuộc đời và sự nghiệp mang tên Walk The Line, cũng là tên ca khúc nổi tiếng nhất của ông.
Âm nhạc của nàng công chúa country mang nhiều màu sắc điện tử và pha trộn với các dòng nhạc đương đại khác Đến đầu những năm 80, vai trò của country truyền thống đã hoàn toàn biến mất và các nghệ sĩ chơi một thứ country mới, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các dòng nhạc đương thời. Nhưng người ta đã không còn mặn mà với country. Dù sao, đây cũng là những viên gạch đầu tiên đánh dấu sự trở lại huy hoàng trong thập niên 90. Các nhà phê bình đã ghi nhận tầm quan trọng của trống và guitar điện trong country hiện đại, nó làm cho giai điệu nguyên thuỷ trở nên giống pop/rock hơn. Cũng nhờ thế mà country tìm lại được chỗ đứng trong thị trường âm nhạc đang ngày một cạnh tranh khốc liệt hơn. Hãy tìm nghe Taylor Swift, Carrie Underwood hay Lady Antebellum, thật khó mà gọi âm nhạc của họ là đồng quê thứ thiệt. Tuy nhiên, đây là điều buộc phải chấp nhận, và đôi khi, một album country chỉ với các nhạc cụ acoustic như của Alison Krauss bỗng nhiên trở thành của hiếm. Biết làm sao bây giờ…
Phi Tuyết