11:10 28/01/2019

Cuối năm đi chợ mua đồ cũ…

Phương Thảo

Mỗi dịp cuối năm, chợ đồ cũ Vạn Phúc lại thu hút rất đông những người đam mê và mua bán, trao đổi đồ cũ mới rất nhiều mẫu mã, chủng loại, niên đại khác nhau.


Hằng tháng, cứ vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 theo lịch âm, chợ đồ cổ Vạn Phúc tại quận Hà Đông, Hà Nội lại tổ chức họp. Nói là chợ nhưng đúng hơn là một khu vực bán đồ trên nhiều dãy phố. Tên chính thức của nơi này là "Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ đồ xưa Vạn Phúc", được mở ra nhằm giao lưu giữa những người có chung niềm đam mê.
Cuối năm đi chợ mua đồ cũ… - Ảnh 1.

Ảnh: Mạnh Thắng

Khu chợ nằm giữa các dãy nhà mới xây, vuông vắn như bàn cờ. Phần lớn các cửa hàng chuyên thu gom và bán các đồ đạc, vật dụng cũ. Đến "phiên chợ" có thêm những người không có gian hàng, tìm được mảnh vỉa hè nào còn trống thì trải bạt, dựng quầy bán. Những món đồ xưa cũ được rải bán trên các khay hàng, trên những tấm bạt bên lề đường với đủ chủng loại, chẳng mặt hàng nào giống nhau. Có những cửa hàng giống y như một… xưởng thu gom đồng nát, với hầm bà lằng những món đồ "trời ơi đất hỡi".
Cuối năm đi chợ mua đồ cũ… - Ảnh 2.

Ảnh: Mạnh Thắng

Nhưng càng gần đến cuối năm Âm lịch, thì chợp họp càng đặc biệt đông. Người ta kéo nhau tới đây để mua bán, trao đổi tất cả mọi thứ, bất kể là hàng còn có thể sử dụng hay đã... vô dụng. Từ những bức tượng phật, bình gốm sứ, những đôi loa bãi của Nhật cả chục triệu đồng tới những chiếc điện thoại đã vỡ tan nát, chiếc đầu máy băng chẳng rõ liệu còn có thể chạy hay không… Từ những món đồ gỗ cũ, hoành phi câu đối, cho đến đồng hồ đeo tay, giày dép, đồ chơi, sách báo… đều đã cũ. Giá cả thì vô cùng, trên trăm triệu cũng có, vài chục ngàn cũng có, đôi khi có những món qua mấy phiên không bán nổi thậm chí còn cho không hoặc vứt đi. Rất nhiều khách thích thú với điều này bởi đây là điều không phải có thể gặp ở các khu chợ khác.
Cuối năm đi chợ mua đồ cũ… - Ảnh 3.

Ảnh: Mạnh Thắng

Những món đồ ở đây không hoàn toàn là đồ cổ thật sự, mà có thể là đồ giả cổ hoặc là đồ cũ để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, ngày càng đông số lượng người có đam mê những món đồ cũ kỹ in dấu thời gian, nhưng do tầm hiểu biết và khả năng tài chính không cho phép nên mặc dù rất thích đồ cổ, họ cũng tạm hài lòng với những món đồ giả cổ. Bởi giữa một rừng bát đĩa ấm chén, lư hương, chân nến với mẫu mã màu mè bắt mắt, thì một chiếc bát, cái thìa hay chiếc đèn dầu mang vẻ cũ kỹ, thậm chí hơi sứt mẻ lại có giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần rất cao.
Cuối năm đi chợ mua đồ cũ… - Ảnh 4.

Ảnh: Mạnh Thắng

Một chủ gian đồ cổ người Hưng Yên cho biết: "Đồ cũ, đồ cổ như này hầu như là buôn bán theo kiểu hên xui, tùy hứng. Co những chiếc đồng hồ quả lắc cũ khoảng 30 năm, tôi bán 700.000 đồng, nhưng chỉ đi vài bước cũng có một cái y hệt được bán giá 2.000.000 đồng. Chủ yếu là khách có thích hay không, và người bán nhìn cách khách chọn mua, ngắm nghía rồi… có muốn bán hay không…"Khoảng thời gian sau Tết là lúc mọi người còn đang chơi xuân, ít mua bán đồ cổ nên thu nhập sẽ kém hơn các tháng khác, nên người bán thường đẩy cao giá hơn. Còn thời gian trước tết, khách qua lại đông, rất nhiều món đồ giá rẻ vô cùng. Một số loại chỉ chưa đến vài chục nghìn đồng như bát, chén, đĩa... Cũng có mặt hàng có giá trị từ 3 - 5 triệu đồng như máy giặt, tủ lạnh, máy cassette… tùy vào chất lượng và độ cũ, mới.
Cuối năm đi chợ mua đồ cũ… - Ảnh 5.

Ảnh: Mạnh Thắng

Gần Tết thường là lúc người ta hay nhớ về những kỷ niệm. Tới với chợ đồ cũ, đồ cổ Vạn Phúc để tìm lại một thời đã qua cũng là một thú vui. Nhất là khi một người lính già tóc đã pha sương, tình cờ tìm mua được một chiếc bi-đông đựng nước từ thời kháng chiến. Ông bảo, tí sẽ mua một cành đào nho nhỏ, về cắm vào bi-đông sắt xanh đã bạc màu, trưng trong nhà…