Vaccine Covid-19 AstraZeneca gây cục máu đông: Không cần đổ xô đi làm xét nghiệm
Ngày 5/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp…
Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, “hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành, các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch”; đồng thời cũng đã khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vaccine và nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, nhất là giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Từ lúc bắt đầu tiêm vaccine AstraZeneca (tháng 3/2021) đến hết tháng 6/2023, toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.
“Như vậy, tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Covid-19, phần lớn xảy ra trong 42 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày (theo Bộ Y tế Australia). Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó, việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine Covid-19 là không có cơ sở”, Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) mới đây khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng. Nói về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo.
"Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm. Sau đó, chúng ta cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai rộng hơn", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói. Chuyên gia cũng cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 đã được tổ chức vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng, do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Thực tế, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số quảng cáo kêu gọi người dân đi xét nghiệm máu D-dimer để phát hiện xem có bị hình thành cục máu đông không. Tuy nhiên, theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để xác định yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Nói cách khác, kết quả này chỉ nói lên bạn có nguy cơ cao có cục máu đông chứ không có ý nghĩa chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D-dimer cũng không có khả năng chỉ ra vị trí của cục máu đông.
Liên quan đến vấn đề này PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho hay người dân cần hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Thái, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng hơn 20 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên. Đến nay, hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 cách đây 2 - 3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn thoả. Chính bởi vậy, việc tự ý làm các xét nghiệm đông máu là không cần thiết.
Cùng quan điểm này, các bác sỹ cho rằng trong giai đoạn nhạy cảm về thông tin, chỉ cần xuất hiện chỉ dẫn về cách phòng ngừa, phát hiện cục máu đông nào đó thì tất yếu sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng và làm theo, bất kể điều đó là đúng hay sai, được kiểm chứng hay chưa. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, cần xem xét lại đạo đức của bác sỹ nào đưa ra khuyến cáo người dân nên đi xét nghiệm. Bởi đây là việc làm hoàn toàn không cần thiết.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: “Nếu có huyết khối thì nó cũng tan từ lâu rồi, chứ nếu không người đó làm sao còn sống để mà làm xét nghiệm”. Theo ông, biến chứng huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu chỉ xảy ra trong những ngày đầu sau tiêm, tối đa là trong 21 ngày, cá biệt có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Vì vậy, người dân yên tâm, không lo lắng thái quá và biến mình thành "con mồi" của những thông tin sai lệch.
Trên trang cá nhân, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga cũng đã có bài viết để trấn an và chỉ ra lý do vì sao người dân không cần xét nghiệm D-dimer hay bất xứ xét nghiệm đông máu nào. “Mũi tiêm vaccine của bạn gần nhất cách đây có lẽ cũng 2 năm rồi. Nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nào nữa”, bác sỹ Hoàng nói. “Xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vaccine. Việc đổ xô đi xét nghiệm D-dimer hay các chỉ số đông máu khác, là vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích”.
Vaccine AstraZeneca do trường Đại học Oxford của Anh nghiên cứu và phát triển từ tháng 4/2020 với các thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Brazil, Nam Phi trên người tình nguyện khỏe mạnh và sau đó mở rộng trên nhân viên y tế là những người có nguy cơ phơi nhiễm với CoV trên 18 tuổi. Vaccine AstraZeneca sử dụng vector virus (hay còn gọi là virus trung gian) để tạo ra miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Khác với vaccine của Pfizer hay Moderna, đây là những phân tử nhờ công nghệ nano mà có khả năng mang trực tiếp mRNA mã hóa cho protein gai của SARS-CoV-2. Khi vào cơ thể sẽ kích thích tạo protein gai từ đó tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, mRNA dễ biến tính, do đó cần được bảo quản nhiệt độ âm -20 độ C trong khi vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản 2 - 8 độ C.