Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 1
Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 2

“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết để chống lạm dụng. Các quốc gia khác cũng đều khuyến cáo như thế, đặc biệt là thuế rượu thì lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì chưa chắc hành vi đã thay đổi. Quan trọng là việc dùng công cụ thuế này như là một chỉ báo, một cơ sở để truyền thông tới xã hội rằng tất cả các chính sách đều không khuyến khích sử dụng rượu, bia. Từ đó, truyền thông làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng theo đúng mục tiêu. 

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là cả một quá trình, chứ không thể ngay lập tức. Có hai cách để chính sách thuế tham gia vào quá trình thay đổi nhận thức này.

Thứ nhất, mưa dầm thấm lâu, tức là ngày nào cũng mưa, lúc nào cũng mưa, mỗi ngày tăng một ít. Đó chính là phương án đánh thuế dần đều theo năm, năm nào cũng tăng thuế lên một ít như Bộ Tài chính đề xuất. Thế nhưng, cũng giống như kháng sinh khi uống nhiều quá sẽ bị nhờn thuốc, do đó, nếu năm 2026 tăng ngay 10% thì sẽ tạo ra hiệu ứng sốc, tạo ra dấu ấn không thuận lợi cho truyền thông và dư luận xã hội. Sang năm sau tăng thêm 5% nữa thì không đáng kể gì, e rằng tăng thuế sẽ không có tác dụng gì, không thể thay đổi được nhận thức.

Thứ hai, tăng thuế năm đầu 10%, chờ vài ba năm tiếp lại tăng 10% nữa, cứ như vậy liên tục tạo ra những đợt sóng truyền thông, tạo ra sóng về thay đổi nhận thức người tiêu dùng, liên tục tạo ra những tác động để thay đổi hành vi. Chúng ta cần phải có những nghiên cứu xem cách nào có tác động tốt hơn đến thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Cần phải có lộ trình chứ không nên nóng vội nghĩ rằng trong vòng vài năm tăng thuế mà có thể thay đổi được hành vi người tiêu dùng”.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 3

“Tạp chí Kinh tế Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nơi hội tụ rất nhiều các nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, kết nối với các chuyên gia của nhiều tổ chức, hiệp hội chuyên ngành khác, cả trong nước và quốc tế.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn báo chí truyền thông, chúng tôi tổ chức các cuộc trao đổi, tọa đàm như hôm nay với mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia như vai trò và tiếng nói của các chuyên gia độc lập đã luôn đóng góp cho sự phát triển từ trước tới nay.

Đảm bảo lợi ích hay cân bằng lợi ích các bên liên quan khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, thực tế đã được trao đổi thảo luận trong thời gian qua.

Tuy nhiên, lần này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến lợi ích bền vững cần được đảm bảo của quá trình sửa đổi Luật thuế này, đảm bảo tính hiệu quả khi Luật đi vào cuộc sống. Theo đó, chúng tôi trông đợi và kỳ vọng vào những thông tin phân tích, đánh giá của các chuyên gia uy tín”.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 4

“Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là mức tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế suất tăng liên tục từ năm 2026 để có thể đạt tới 100% vào năm 2030. Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành chưa thể đánh giá hết được các tác động “khủng” của đề xuất này vì điều này đòi hỏi thời gian, số liệu thống kê chính thống đầy đủ, mô hình tính toán tác động thuế khoa học và các yếu tố về độ co giãn, phản ứng người tiêu dùng và hành vi chuyển đổi các sản phẩm thay thế…

Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ ba vấn đề sau:

Thứ nhất, chưa rõ cơ sở đề xuất. Bộ Tài chính chỉ đề cập tới việc thuế suất tăng như vậy để đảm bảo giá bán sẽ tăng ít nhất 10% trong năm đầu tiên và khoảng 2-3% trong năm tiếp theo theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của các doanh nghiệp bởi vì ngay cả vào mùa cao điểm, dịp lễ, Tết, các doanh nghiệp cũng chỉ dám tăng giá 0,5 đến 1,5%.

Thứ hai, chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện đối với đối tượng trực tiếp, gián tiếp, tính hiệu quả đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngân sách, an sinh xã hội, lao động.

Thứ ba, nguy cơ người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm trôi nổi, rẻ tiền hơn, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả. Khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan để chống hàng lậu, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 5

Chúng tôi rất mong cơ quan soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan trong việc thiết kế chính sách thuế để tránh các cú sốc cho doanh nghiệp.

Các “cú sốc thuế” (tax shock) là hiện tượng mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải đối mặt khi có sự thay đổi đột ngột trong chính sách thuế, gây ra tác động đáng kể đến tài chính từng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính sách công. Nguyên nhân của các “cú sốc thuế” có thể xuất hiện khi chính phủ thực hiện các thay đổi thuế bất ngờ như tăng thuế, giảm các khoản miễn thuế, hoặc thay đổi các quy định liên quan đến thuế. Malaysia đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 và 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia không hỗ trợ Chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ, mà tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường làm mất nguồn thu của Chính phủ, đóng cửa các nhà máy hợp pháp và mất việc làm của công nhân địa phương.

Đề xuất chính sách cần dựa trên cơ sở khoa học thuyết phục, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện, không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp, mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngân sách, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, đặc thù của Việt Nam.

Bên cạnh giải pháp tăng thuế, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 6

“Về lộ trình tăng thuế, từ trước đến nay tại Việt Nam cứ sau khoảng 3-4 năm tăng thuế một lần, để thị trường, nhà sản xuất và người tiêu dùng làm quen và dần chấp nhận. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt không tăng kịp so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), điều này không thật sự đúng khi hệ thống thuế của chúng ta là hệ thống thuế tương đối, nghĩa là đánh thuế trên giá sản phẩm, cho nên một phần nào đó hệ thống thuế hiện hành bám theo mức tăng giá của sản phẩm và CPI, bản thân mức tăng tương đối hàng năm là mức tăng tự nhiên cũng khá cao.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng khá cao, trước đây thu nhập rất thấp. Lượng tiêu thụ bia, rượu sẽ tăng đến một mức độ nào đó, đến khi tương đối bão hòa trên đầu người thì Việt Nam cũng sẽ gần tiệm cận đến với các nước phát triển. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia không phải cứ tăng mãi, cứ thu nhập tăng lại uống nhiều hơn.

Về thuế suất, xu hướng tăng thuế đối với đồ uống có cồn là có nhưng việc tăng dồn dập liên tục như dự thảo thì rất ít quốc gia như vậy, họ sẽ có lộ trình nhưng giãn ra, ví dụ như sau 2-3 năm lại tăng tiếp, với những lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, mục tiêu chủ yếu là hạn chế đồ uống có cồn làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các nghiên cứu, yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe là yếu tố cồn,  nên rất nhiều quốc gia đi theo hướng đánh thuế dựa trên nồng độ cồn để khuyến khích người dân giảm tiêu thụ bia, rượu. Ngoài ra, cũng có xu hướng giảm dần nồng độ cồn trong các sản phẩm bia, thậm chí bây giờ có cả bia 0 độ, trên 5 độ có thể đánh thuế suất khác, dưới 5 độ có thể sẽ đánh thuế ở một mức khác, đó cũng là một phương án”.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 7

“Tôi muốn nói về vấn đề chi phí và lợi ích khi thiết kế và ban hành chính sách thuế. Trong đó, chi phí là những gì doanh nghiệp, người tiêu dùng, cộng đồng phải trả so sánh với lợi ích xã hội được hưởng.

Nếu lợi ích lớn hơn chi phí thì điều chỉnh chính sách còn nếu chi phí lớn hơn lợi ích, chính sách ban hành khiến các doanh nghiệp phá sản nhiều hơn, thu ngân sách ít hơn, người dân vẫn uống rượu lậu thì không được. Như vậy, cả cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), hiệp hội ngành hàng và các bên liên quan đều cần phải đánh giá hết sức đầy đủ thì mới có thể thuyết phục các bên liên quan khi thảo luận về chính sách.

Khi đánh thuế cao lên thì chắc chắn sẽ xuất hiện những vấn nạn như trốn thuế, buôn lậu, hàng giả. Chính vì vậy, thuế suất làm sao để người tiêu dùng không chuyển sang dùng hàng lậu, hàng giả là một thách thức. Đồng thời, cách tính thuế như thế nào để tối ưu trong quản lý thuế cũng là vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo. Với cách tính thuế tương đối như hiện nay thì phải đảm bảo được tính chính xác của giá xuất xưởng mới không thất thu thuế. Vậy, Bộ Tài chính có đủ nhân sự và nguồn lực để kiểm tra hết các cơ sở sản xuất để kiểm tra xem họ có tính đúng giá hay không?

Ở chiều ngược lại, đối tượng bị tác động là các doanh nghiệp rượu, bia cũng cần thông qua hiệp hội ngành hàng đưa ra những bằng chứng thuyết phục, có thể định lượng về tác động khi tăng thuế.

Tôi từng chứng kiến ở Canada có một báo cáo dày hơn 300 trang về thiệt hại của ngành đánh bắt hải sản khi bị cấm biển do Hiệp hội đánh bắt hải sản của họ thực hiện. Còn Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam thì đến nay chưa có báo cáo số liệu nào về mức độ ảnh hưởng của dự thảo tới ngành hàng. Việt Nam có một thách thức đó là số liệu không đầy đủ. Bản thân các hiệp hội cũng không có số liệu để cung cấp cho các bên liên quan. Không có số liệu làm căn cứ thì làm sao có thể thuyết phục được các đại biểu Quốc hội cũng như các bên liên quan?

Còn Bộ Tài chính có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu của các cơ quan liên quan như Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia cao, hay mức độ ảnh hưởng của rượu, bia đến sức khỏe. Trong khi cá nhân tôi thấy, những bằng chứng để chứng minh ảnh hưởng của đánh thuế tác động đến kinh tế, việc làm, thu nhập người lao động... từ phía hiệp hội là rất yếu. Điều đó dẫn tới khi Bộ Tài chính yêu cầu chứng minh bằng con số cụ thể thì không có gì để chứng minh cả.

Tôi cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của việc đánh thuế lên doanh nghiệp như thế nào, có thể bù đắp được cho việc thay đổi hành vi tiêu dùng hay không thì hiện nay không có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá”.

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 8

VnEconomy 04/08/2024 10:57

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đảm bảo “tam giác lợi ích” khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn  - Ảnh 9