10:42 19/06/2015

Dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng

Diệp Vũ

Đất nước cận kề “miệng vực” phá sản, người gửi tiền Hy Lạp đã rút khoảng 2 tỷ Euro ra khỏi ngân hàng chỉ trong vòng 3 ngày

Dân Hy Lạp tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở Athens ngày 18/6 để kêu gọi Chính phủ đạt thỏa thuận với các chủ nợ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Dân Hy Lạp tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở Athens ngày 18/6 để kêu gọi Chính phủ đạt thỏa thuận với các chủ nợ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Đất nước cận kề “miệng vực” phá sản, người gửi tiền Hy Lạp đã rút khoảng 2 tỷ Euro ra khỏi ngân hàng chỉ trong vòng 3 ngày, nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters. Tốc độ rút tiền khỏi các nhà băng Hy Lạp đang được đẩy nhanh trong bối cảnh Athens chưa thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ.

Việc người dân ồ ạt rút tiền đang gây sức ép lớn đối với các ngân hàng vốn dĩ đã tơi tả của Hy Lạp, đồng thời cho thấy thêm bằng chứng về ảnh hưởng nặng nề đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế nước này từ sự bế tắc trong cuộc đàm phán giữa Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras với các chủ nợ.

Số tiền 2 tỷ Euro mà người gửi tiết kiệm Hy Lạp rút khỏi các ngân hàng nước này từ ngày thứ Hai tới thứ Tư vừa qua chiếm khoảng 1,5% tổng tiền gửi 133,6 tỷ Euro của các hộ gia đình và doanh nghiệp Hy Lạp tại các nhà băng trong nước.

Hoạt động rút tiền của người Hy Lạp khỏi ngân hàng đã diễn ra liên tục từ tháng 10 năm ngoái. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, từ tháng 10/2014-4/2015, người Hy Lạp đã rút tổng cộng 30 tỷ Euro, tương đương 33,84 tỷ USD khỏi ngân hàng.

Trước tuần này, việc rút tiền diễn ra với tốc độ khoảng 200-300 triệu Euro mỗi ngày.

Thực tế này khiến nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ vào cuối tháng và phải rời khỏi khối Euronoze càng rõ nét. Không loại trừ khả năng Athens sẽ phải tung các biện pháp kiểm soát vốn, dù đến nay vẫn phủ nhận điều khả năng phải sử dụng tới chính sách như vậy.

Cuối tháng 6 này là hạn chót để Hy Lạp trả cho IMF khoản nợ 1,6 tỷ Euro. Tuy nhiên, Athens sẽ không “đào” đâu ra tiền để trả nợ nếu không được các chủ nợ quốc tế giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo. Mà số tiền cứu trợ sẽ chỉ được giải ngân nếu Hy Lạp nhất trí được với các chủ nợ về các biện pháp cải cách nền kinh tế.

Các nhà tài trợ của Hy Lạp gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày thứ Hai tới về vấn đề Hy Lạp.

Với bất đồng quá lớn với các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp cho rằng đang có âm mưu thông đồng khiến các cuộc đàm phán liên tiếp đổ vỡ.

Trong khi đó, ngày 18/6, hàng nghìn người Hy Lạp đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội nước này đề nghị Chính phủ đạt thỏa thuận với các chủ nợ để ngăn nguy cơ phá sản và giữ địa vị thành viên Eurozone.

Giới phân tích cảnh báo rằng, nếu Hy Lạp phải ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung thì tác động đối với nước này và thị trường tài chính toàn cầu sẽ là rất khó lường.