11:46 12/06/2015

“Hết chịu nổi” Hy Lạp, IMF bỏ đàm phán

Diệp Vũ

Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nên dừng “đánh bạc” với tương lai của đất nước

Thủ tướng Hy Lạp Alexi Tsipras (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ở Brussels, Bỉ ngày 11/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Thủ tướng Hy Lạp Alexi Tsipras (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ở Brussels, Bỉ ngày 11/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Đoàn đàm phán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 11/6 đã bỏ về giữa chừng trong cuộc đàm phán với Hy Lạp tại Brussels, Bỉ, do bất đồng lớn.

Theo hãng tin Reuters, động thái bất ngờ này của IMF diễn ra sau khi Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nên dừng “đánh bạc” với tương lai của đất nước và đưa ra những quyết định quan trọng để ngăn chặn nguy cơ phá sản cấp quốc gia.

Một nguồn tin từ Hy Lạp cho biết, toàn bộ đoàn đàm phán của Hy Lạp tới Brussels để bàn về một thỏa thuận “đổi cải cách lấy tiền” với các chủ nợ quốc tế cũng đã bỏ về nước ngày 11/6 vì bất đồng với các nhà tài trợ.

“Có sự khác biệt lớn giữa chúng tôi trong những vấn đề quan trọng nhất”, phát ngôn viên Gerry Rice của IMF nói tại Washington. “Chưa có tiến triển gì trong việc thu hẹp những khác biệt này trong thời gian gần đây, nên chúng tôi vẫn còn cách thỏa thuận một quãng đường dài”.

Theo ông Rice, vướng mắc trong cuộc đàm phán với Athens vẫn tập trung ở các vấn đề như lương hưu và thuế.

Hy Lạp đang cần một thỏa thuận để được giải ngân vốn cứu trợ trước khi tháng 6 kết thúc, nếu không sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ số tiền 1,6 tỷ Euro, tương đương 1,8 tỷ USD, phải thanh toán cho IMF.

Nếu vỡ nợ, Hy Lạp có thể phải tung các biện pháp kiểm soát vốn và đối mặt nguy cơ bị loại ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone. Trong trường hợp đó, hậu quả mà thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế châu Âu phải hứng chịu là rất khó lường.

Một nguồn tin thân cận nói rằng không nên quá bi quan về việc đoàn IMF bỏ về giữa chừng trong cuộc đàm phán với Hy Lạp, bởi đây có thể chỉ là việc “nghỉ giải lao” thay vì đổ vỡ trong đàm phán.

Tuy vậy, trước khi các nhà đàm phán IMF bỏ về, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đưa ra một thông điệp thẳng thắn chưa từng có tiền lệ đối với Chính phủ có chủ trương chống “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp rằng: “Không còn thời gian để đánh bạc đâu. Tôi e là ngày đó đang đến. Cuộc chơi sắp kết thúc”.

“Rõ ràng là chúng ta đang cần tới những quyết định chứ không phải là đàm phán nữa”, ông Tusk phát biểu và nói thêm rằng Athens cần “thực tế hơn”.

Cũng trong ngày 11/6, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã có cuộc đàm phán kéo dài 2 giờ đồng hồ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, nhưng không đạt được bước đột phá nào. Giới chức EU nói rằng cuộc đàm phán này là “nỗ lực cuối cùng” của ông Juncker để đạt thỏa thuận với Athens.

Ngoài ra, cuộc đàm phán vào đêm muộn giữa ông Tsipras và hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng không mang lại kết quả.

Theo các quan chức châu Âu, Hy Lạp cần đưa ra được biện pháp thay thế cho các chính sách cắt giảm lương hưu và thuế mà EU đưa ra những Athens từ chối. Đây là các biện pháp nhằm Athens đạt được thặng dư tài khóa khiêm tốn trước khi trả tiền lãi cho các chủ nợ.

“Quyết tâm để giúp Hy Lạp đang rất lớn. Nhưng thời gian đang cạn dần, và nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ đang tăng lên từng ngày”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann nói. Theo ông Weidman, trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone, thì thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về Hy Lạp và người dân nước này.