Đào mất mùa, giá tăng vọt
Theo nhiều tiểu thương, do ảnh hưởng của bão Yagi nên số lượng đào bị thiệt hại tương đối cao, đến 40 – 50%, khiến mặt bằng giá năm nay cao hơn năm trước. Khác với đào, thị trường quất Tết năm nay không có nhiều biến động, đặc biệt là về giá cả…
Đến một vườn trồng đào ở Hà Nội, gặp ông Đoàn Văn Hoạt đang chặt đào thuê cho một thương lái buôn đào, tôi được ông kể cho nghe cảnh nhiều người trồng đào năm nay “mất cả chì lẫn chài”.
TRỒNG ĐÀO “MẤT TẾT”, ĐI LÀM THUÊ KIẾM SỐNG QUA NGÀY
Vợ chồng ông Đoàn Văn Hoạt quê từ Nam Định lên Hà Nội thuê đất trồng đào đã được 6 năm. Hiện gia đình đang thuê 2 mẫu đất (7.200 mét vuông) đất bãi ven sông Hồng thuộc xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). “Năm đầu tiên, cách đây 6 năm thuê 3 sào đất, các năm sau cứ có lợi nhuận bán đào tích cóp được bao nhiêu đều đem thuê đất để mở rộng diện tích: năm thứ hai thuê thêm 3 sào, năm thứ ba thuê thêm 5 sào, đến năm ngoái thì diện tích đã mở rộng lên 20 sào đất bãi”, ông Hoạt cho hay.
Theo ông Hoạt, để có diện tích trồng đào đó, ông đã phải thuê từ nhiều hộ gia đình của xã Vĩnh Ngọc, do đàm phán thuê đất ở những thời điểm khác nhau, vị trí đất cũng khác nhau, nên có chỗ giá thuê 2,5 triệu đồng/sào/năm, có chỗ 3 triệu đồng, có chỗ giá thuê 4 triệu đồng/sào/năm. Mỗi hợp đồng thuê đất ký với thời gian 5-6 năm, nhưng tiền phải trả mỗi năm một lần ngay từ đầu năm, trước 15 tháng giêng hàng năm.
Năm đầu tiên trồng đào phải chịu lỗ, do đầu tư chi phí ban đầu lớn, gồm tiền thuê máy múc để đào mương, đánh luống; tiền mua cây đào giống…. chi phí bình quân khoảng 15 triệu đồng/sào. Từ năm thứ hai trở đi, chỉ còn phải chi tiền mua phân bón, tiền điện, tiền mua cây giống dặm bổ sung (cho những cây bị chết), cùng tiền công thuê lao động chăm sóc.
Về lao động chăm sóc đào, hai vợ chồng ông Hoạt làm việc quanh năm. Riêng khâu làm cỏ phải nhổ thủ công bằng tay, suốt từ tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch hàng năm, vì đây là thời kỳ mưa phùn nên cỏ mọc nhiều và nhanh. Nửa cuối năm, hai vợ chồng tập trung cho việc tưới nước cho đào, bởi thời kỳ này đào đã thành tán, nhu cầu nước rất lớn. Gia đình ông hoạt thuê nhân công tập trung nhiều vào sau Tết Nguyên đán và thời kỳ tuốt lá đào. Đầu năm, phải thuê những thanh niên trẻ khoẻ cuốc đất phơi ải và đào rãnh. Mùa tuốt lá đào vào tháng 11 âm lịch để đào trổ nụ, với 2 mẫu đất, cần hơn 100 công tuốt lá đào.
Về đầu ra, ông Hoạt cho hay cứ đến tháng 12 dương lịch hàng năm, thương lái đến vườn xem đào và sẽ đặt mua theo luống. Mật độ trồng đào tuỳ thuộc vào kích thước của cây, với loại đào nhỏ, mỗi sào trồng được 250 cây. Tuy nhiên, đào nhỏ này khi thu hoạch cắt cành, chỉ phục vụ nhu cầu khách mua đặt lên bàn thờ, nên thường được gọi là đào thắp hương, giá bán cho thương lái từ 50-70 nghìn đồng/cành (tuỳ kích cỡ).
“Tiền của theo cây đào trôi ra sông theo hà bá hết. Bây giờ cuộc sống của vợ trồng tôi rất cơ cực, vợ tôi phải đi rửa bát thuê cho một quán phở, còn tôi đi chặt đào thuê để cố qua cái Tết này”.
Ông Đoàn Văn Hoạt.
"Đối với đào lớn lâu năm, kích thước cao 1,6 m trở lên, mỗi sào trồng được 80 -82 cây. Tuy nhiên khi thu hoạch, tỷ lệ thu hoạch thường chỉ đạt 75%, phần còn lại do chết, hoặc thương lái bỏ lại không mua. Năm ngoái, giá bán bình quân của loại đào cỡ lớn này từ 400 nghìn-450 nghìn đồng/cành. Trừ mọi chi phí, những năm suôn sẻ, lợi nhuận bình quân dược 12 triệu đồng/sào/năm”, ông Hoạt chia sẻ.
Bán cành cắt, còn lại gốc đào, năm sau sẽ đầm cành, nảy chánh, nên không mất tiền mua cây giống cho những năm tiếp theo.
Thế nhưng cơn bão số 3 (bão Yagi) vào đầu tháng 9/2024, nước sông Hồng dâng lên, toàn bộ vườn đào nhà ông Hoạt, cũng như các nhà xung quanh bị ngập úng dài ngày, đào chết sạch.
“Bãi sông ở Vĩnh Ngọc, các đợt mưa lớn hàng năm vẫn ngập, nhưng mỗi lần chỉ ngập 2 ngày rồi nước rút, nên cây đào không bị chết. Đợt bão Yagi ngập suốt 1 tuần, sâu 3 mét. Cây đào cao nhất cũng bị chìm nghỉm trong nước. Nhà tôi tính cả đào to đào nhỏ, từ đào thông, đào thắp hương, đào mi ni… tổng số 2.000 cây chết hết. Nhìn rộng ra khắp bãi sông, rất nhiều người ở bên Phú Thượng sang Vĩnh Ngọc thuê đất trồng đào, cũng bị chết sạch do ngập”, ông Hoạt nói.
Để vực dậy vườn đào, vợ chồng ông Hoạt phải về quê “cắm” sổ đỏ nhà đất vào Ngân hàng để vay vốn, cùng với vay mượn thêm những người họ hàng để lấy tiền cải tạo trồng lại vườn đào.
“Tôi vay được 200 triệu đồng, thuê máy múc để cải tạo đất, mua 2.000 cây đào giống loại mới chiết cành ghép mắt bé tí, giá 27.000 đồng/cây. Tiếc nhất là trong vườn của tôi trước đây có hàng trăm cây đã trồng được hơn 10 năm, nếu bán Tết cả gốc thì cũng 3-4 triệu đồng/gốc, nhưng nay chết hết. Giờ nếu đi mua gốc đào lâu năm, sẽ mất 2,5-3,5 triệu đồng tiền cây phôi. Nhưng giờ hết vốn rồi, nên tôi chỉ đầu tư mua loại cây nhỏ”, ông Hoạt chi sẻ.
Theo ông Hoạt giải thích, loại đào nhỏ mà ông vừa trồng, chăm sóc đến Tết sang năm cắt cành bán sẽ chỉ có giá 70-100 nghìn đồng/cánh. Nếu muốn có loại đào to bán giá trên 400 nghìn đồng/cành thì sẽ phải chờ chăm sóc 3-4 năm nữa.
Toàn bộ số tiền vay mượn được, vợ trồng ông Hoạt đã đầu tư hết vào tái canh đào, nên bây giờ không còn đồng nào để sinh sống qua Tết. Nhà ông Hoạt ở quê, vợ chồng ở Hà Nội chăm sóc đào, phải thuê nhà để ở. Gia đình có 3 con, cô con gái cả đã lấy chồng, một con trai đang đi bộ đội nghĩa vụ quân sự, còn một cô con gái út đang học đại học.
THỊ TRƯỜNG ĐÀO, QUẤT TẾT ẤT TỴ NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Chủ cơ sở chuyên kinh doanh đào tết, nơi anh Hoạt hiện đang làm thuê, là chị Nguyễn Thị Phượng cho biết thấy nhiều người trồng đào ở Vĩnh Ngọc lâm vào cảnh khốn đốn do bão, chị đã thuê họ đi chặt đào, vận chuyển đào và trả công 300 nghìn đồng/ngày.
Cơ sở của chị Phượng ở ngay sát chân cầu Thăng Long phía bên quận Bắc Từ Liêm, chuyên thu mua đào cành từ các vườn đào, sau đó đem đến phân phối cho các cơ sở bán đào bên đường ở khắp các đường phố của Hà Nội. Bình quân mỗi ngày, cơ sở này thu mua từ 500-1000 cành đào.
Chị Phượng cho biết Tết năm nay số lượng đào tại các vườn đào rất ít, khiến giá đào thu mua cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Loại cành đào mi ni chuyên để thắp hương trên bàn thờ, năm ngoái mua vào chỉ 50 – 70 nghìn đồng, thì năm nay phải nhập vào với giá 100-120 nghìn đồng.
Thời điểm này, nhiều tuyến phố của Thủ đô, các loại hoa và hoa cây cảnh bắt đầu được chủ nhà vườn đồng loạt bày bán. Theo nhiều tiểu thương, do ảnh hưởng của bão Yagi nên số lượng đào bị thiệt hại tương đối cao, đến 40 – 50%, khiến mặt bằng giá cao hơn năm trước.
Riêng với đào chậu (nguyên cả gốc trồng trong chậu) được chào bán tại thị trường Hà Nội hiện nay phần lớn nằm trong ngưỡng giá từ trên dưới 1 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng/cây. Số ít chủ cũng có cây đào dáng "độc", gốc cổ được chào bán lên đến vài chục triệu đồng/cây.
Khác với đào, quất cảnh đã thấy bày bán rất nhiều trên các hè phố. Thị trường quất Tết năm nay cũng có nhiều biến động, đặc biệt là về giá cả. Đáng chú ý, năm nay tỷ lệ lớn quất được bày bán là những chậu quất mi ni nhỏ gọn. Những cây quất này trồng sẵn trong chậu sứ tráng men, cây có kích thước cao chỉ chừng 30 -50 cm, giá bán dao động từ 90.000 đồng đến 180.000 đồng. Cùng với đó là những chậu quất bonsai cỡ nhỏ, trồng trong chậu đất nung, kích thước cao từ 70 cm đến 100 cm (cả chậu), có giá bán dao động 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Theo anh Hà, một tiểu thương bán quất trên đường Hoàng Tùng, những loại quất trồng sẵn trong chậu thì không bị ảnh hưởng do ngập lụt, nên số lượng năm nay vẫn rất dồi dào. “Giá quất chậu nhìn chung chỉ tăng 20% so với năm ngoái, nhưng có rất nhiều chi phí khác tăng như vận chuyển, trả nhân công, thuê mặt bằng...".
Thỉnh thưởng trên hè phố cũng thấy xuất hiện những cây quất thế với những kiểu dáng độc đáo, kích thước rất lớn được bày bán. Theo các thương lái, loại quất này trồng trong ruộng, gần đến Tết thì mới đưa vào trong chậu. Do trồng dưới ruộng vườn, nên ở những nơi bị ngập úng do bão, cũng bị thiệt hại, một tỷ lệ khá lớn bị chết. Do đó, loại quất này số lượng ít hơn mọi năm, và giá bán cũng cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Những cây quất thế, kích thước cao hơn 2 mét, có giá bán từ 5 – 10 triệu đồng/cây. Đặc biệt, có những cây quất tạo thế hình chiếc bình khổng lồ, cao 2,5 mét, giá bán lên tới 20 triệu đồng.