15:50 21/01/2019

Đầu năm mới, ăn sủi cảo

Băng Hảo

Nếu có dịp đi du lịch tới Trung Quốc trong những ngày đầu năm mới này, bạn đừng quên ăn một tô sủi cảo. Đây là một phong tục truyền thống nhằm đem lại may mắn.


Sủi cảo là món ăn truyền thống, một phần của nền văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Món sủi cảo tượng trưng cho sự đoàn tụ, mời khách ăn là tỏ ra quý trọng và nhiệt tình. Người nước ngoài sẽ bị coi là chưa từng đến Trung Quốc, nếu chưa thưởng thức món này.Là một phần văn hóa Trung Quốc nhưng sủi cảo cũng rất phổ biến ở nhiều khu vực khác của châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy đều thuộc dòng bánh chẻo nhưng sủi cảo có những điểm khác biệt so với há cảo. Nhân sủi cảo gồm thịt nghiền và rau, được gói trong miếng bột mỏng, sau đó áp chặt lại bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp. Khác với há cảo thường được chiên, sủi cảo thường được hấp hoặc luộc, và khi phục vụ đi kèm với nước dùng trong vắt, nóng hổi, ngọt ngào.
Đầu năm mới, ăn sủi cảo - Ảnh 1.
Quá trình làm sủi cảo thì làm nhân là cầu kỳ và bỏ nhiều công sức nhất. Cần chuẩn bị đầy đủ thịt, rau và các loại gia vị khác, cho lên thớt băm. Nhân được băm đều tay, dao thớt chạm vào vang vang lên những tiếng rắn chắc. Người Trung Quốc khi băm nhân cho sủi cảo thường thay đổi dao to nhỏ khác nhau khiến âm thanh vang lên cũng lúc to, lúc nhỏ, lúc mạnh, lúc nhẹ như khúc nhạc truyền thống. Nhiều nhà còn ngầm so sánh với nhau xem tiếng băm của nhà nào vang vọng hơn, giòn giã hơn, lâu hơn. Băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài, có nghĩa là "lâu dài và dư thừa". Băm nhân thời gian càng dài tức là gói sủi cảo càng nhiều, tức là cuộc sống đầm ấm, khá giả.
Đầu năm mới, ăn sủi cảo - Ảnh 2.
Món sủi cảo mang nhiều ý nghĩa, từ trong cái tên đến cách gói, cách ăn, từ nhân cho đến vỏ. Nhân của sủi cảo được làm từ rau với thịt, trong tiếng Trung Quốc đồng âm với từ "có của". Người ta thường gói sủi cảo hình bán nguyệt, kiểu dáng truyền thống của sủi cảo. Khi gói gập đôi miếng bột lại, dùng ngón tay cái và tay trỏ viền theo diềm bán nguyệt, phải viền cho đều tay gọi là "viền phúc". Có gia đình còn kéo dài 2 đầu của hình bán nguyệt nối liền nhau trông như nén bạc, tượng trưng cho tiền của để khắp mọi nơi, vàng bạc đầy nhà.Sau khi gói, bắt một nồi nước cho sôi, cho sủi cảo vào. Sau đó lấy vợt quấy đến đáy nồi để cho sủi cảo không bị dính nồi. Nấu sủi cảo khoảng 10 – 20 phút là xong. Khi ăn, người ta thường xếp rau xanh dưới đáy tô như một đài hoa nâng đỡ, sau đó là những miếng sủi cảo trắng hồng như cánh hoa, cuối cùng là chan nước dùng nóng hổi được ninh nhiều giờ từ xương heo đến mức trong vắt, thơm ngon.
Đầu năm mới, ăn sủi cảo - Ảnh 3.
Như một truyền thống tốt đẹp, sủi cảo được dùng trong đêm giao thừa, cả nhà cùng quay quần bên nhau. Ăn sủi cảo cũng cần phải ăn đúng cách để cầu mong may mắn, tài lộc, bình an cho gia đình. Bát thứ nhất là để thờ cũng tổ tiên, tỏ lòng tôn kính cha ông quá cố. Bát thứ hai là để cúng thần thánh trong dân gian (như ông táo). Bát thứ 3 cả nhà mới bắt đầu ăn…
Đầu năm mới, ăn sủi cảo - Ảnh 4.
Nếu không có điều kiện đi du lịch Trung Quốc, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức sủi cảo ngay tại Việt Nam, Theo chân người Hoa di cư, tại TP.HCM có phố Hà Tôn Quyền – nơi đã trở nên quá ấn tượng với hàng loạt các quán bán sủi cảo truyền thống nức tiếng thơm ngon. Đường Hà Tôn Quyền sáng đèn từ tối cho đến tận khuya, khách ra vào không ngớt. Những quán lâu năm như Hùng Ký, Ngọc Ý, Hằng Phát, 193, Thiên Thiên… không lúc nào ngơi khách. Vẫn là sủi cảo Trung Hoa nhưng được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người Việt một cách tinh tế, với cá viên, da heo, mực… Vì thế, ngay cả những người kén ăn cũng có thể tìm cho mình một hương vị phù hợp.
Đầu năm mới, ăn sủi cảo - Ảnh 5.
Một bát sủi cảo không ít, chừng 5 -7 viên sủi cảo đầy đặn nhân, thơm ngon, nóng hổi. Thêm rau, thêm tôm, thêm thịt, thêm mực, thêm mọc… là ăn đủ cho một bữa. Ấy thế mà, người đi ăn sủi cảo lắm lúc không cưỡng lại được sự hấp dẫn mà gọi thêm; càng ăn lại càng nghiền. Một món ăn không thuần Việt, nhưng trải qua bao nhiêu năm, đi vào cuộc sống người Việt Nam và trở nên thân quen trong đời sống. Cùng những con phố ẩm thực khác của Sài Gòn như Vĩnh Khánh, Nguyễn Cảnh Chân, Thành Thái… sủi cảo khiến người Sài Gòn nhớ đến mỗi lúc đói lòng, nhỡ bữa – cũng tựa như cách người Hà Nội ăn phở vậy.