Đề nghị rà soát phương án đầu tư cao tốc Phủ Lý - TP. Nam Định do suất đầu tư cao 375 tỷ đồng/km
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Nam Định đề xuất đầu tư cao tốc Phủ Lý (Hà Nam) - TP. Nam Định quy mô 4 làn xe, nền đường rộng từ 24 - 48 m. Đồng thời, rà soát giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng dự án do sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.400 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 375 tỷ đồng/km quá cao...
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với phương án đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý (Hà Nam) - TP. Nam Định.
Theo Bộ Giao thông vận tải, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, tuyến Phủ Lý - TP. Nam Định có lưu lượng giao thông tăng cao vào khoảng 18.464 xe/ngày đêm nên việc nghiên cứu nâng cấp đoạn tuyến lên quy mô cao tốc theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nam Định dự kiến sử dụng ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Do dự án đi qua địa bàn hai tỉnh nên cần phải áp dụng cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định.
Theo khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư công, dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ có thể giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Phủ Lý - Nam Định dài 50 km, quy mô 4 làn xe, trong đó đoạn Phủ Lý - TP. Nam Định, dài 25 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Hiện nay, tuyến Phủ Lý - TP. Nam Định đang khai thác theo quy mô đường cấp II, 4 làn xe và UBND tỉnh Nam Định là cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT, BT.
"Để sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Phủ Lý - TP. Nam Định, việc giao UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) là có cơ sở, tương tự như một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình, qua TP. Hải Phòng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát tiến trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, khả năng huy động nguồn vốn và thời hạn thu phí theo hợp đồng BOT của dự án để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai.
Trường hợp UBND tỉnh Nam Định được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Nam Định đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng từ 24 - 48 m.
Đồng thời, rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc để xác định tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án bảo đảm quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch có liên quan, điều kiện địa hình, bảo đảm tính kinh tế - kỹ thuật.
"Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.400 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 375 tỷ đồng/km cao hơn nhiều so với suất đầu tư của tuyến đường cao tốc xây dựng mới được Bộ Xây dựng công bố", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Theo thống kê, bình quân suất đầu tư cho cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng mỗi km. Một số cao tốc có suất đầu tư cao hơn bình quân có thể kể đến như cao tốc đắt nhất Việt Nam Bến Lức - Long Thành 542 tỷ đồng/km; xếp ngay sau đó là TP. HCM - Mộc Bài (mức đầu tư 418 tỷ đồng/km), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (mức đầu tư 370 tỷ đồng/km), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (mức đầu tư 352 tỷ đồng/km)...
"Do dự án phải thực hiện các thủ tục lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở để bố trí kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm cho dự án, đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát tình hình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian thu phí của dự án BOT (hết năm 2028) để xác định cụ thể thời điểm thực hiện", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được Văn bản số 2511/VPCP-CN ngày 16/4/2024 của Văn phòng Chính phủ kèm theo Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 12/4/2024 của UBND tỉnh Nam Định lấy ý kiến đối với phương án đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý - TP. Nam Định.
Tại tờ trình này, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định, giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ đầu tuyến Km0+00 (đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hà Nam) đến giao với Quốc lộ 10, TP. Nam Định trước năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030) với chiều dài khoảng 25,1 km.
Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam khoảng 16,6 km, đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định khoảng 8,5 km.
Tuyến đường thuộc dự án sẽ xây dựng theo quy mô tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành, đường gom 2 bên, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 dự kiến khoảng 9.400 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 là từ năm 2024 đến năm 2028; toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nam Định, Hà Nam tự bố trí đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh.
Cũng tại Tờ trình số 34, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định.
Đối với đoạn BOT (từ trạm thu phí Mỹ Lộc tỉnh Nam Định đến Quốc lộ 10, TP. Nam Định dài khoảng 3,9 km) hết hạn thu phí năm 2028, UBND tỉnh Nam Định sẽ đàm phán để thanh lý hợp đồng vào năm 2025 (thời điểm khởi công dự án) bằng ngân sách tỉnh để đầu tư đồng bộ theo quy mô đường cao tốc trên toàn tuyến.