Thi công cầu vượt sông Đáy gần 1.500 tỷ đồng, kết nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình
Ngày 29/9, UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng...
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định với Ninh Bình thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, có tổng chiều dài 2km đi qua xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định với Ninh Bình thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có tổng chiều dài 2km, với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, gồm các hạng mục: cầu vượt sông dài khoảng 1,36km với mặt cắt ngang cầu rộng 19,5m; đường dẫn dài khoảng 0,64km, rộng 19m và các nhánh (đoạn từ Km17+300 đến Km17+495,5) trên tuyến đường cao tốc và 2 nhánh nút giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình; đoạn từ Km18+856 đến Km19+300/lý trình cao tốc và 2 nhánh nút giao, thuộc địa phận tỉnh Nam Định.
Hạng mục cầu vượt sông Đáy tại Km18+116/lý trình đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Cầu gồm 29 nhịp; trong đó, cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ (80+130+80)m; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (46+70+46)m, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực.
Phía tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với Quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 đường nhánh, quy mô nền đường rộng 8m.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định là chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thiết kế là liên danh các Công ty cổ phần: Tư vấn thiết kế đường bộ - Tư vấn đường cao tốc Việt Nam - Tư vấn đầu tư xây dựng chiếu sáng và cơ điện công trình và Trung tâm khoa học công nghệ giao thông vận tải. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Thăng Long; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương là nhà thầu thi công. Thời gian thực hiện hợp đồng 16 tháng, thi công hoàn thành công trình trong tháng 12/2024.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy kết nối các tuyến giao thông quan trọng của hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng (tuyến CT.08), tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển cho người tham gia giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ CAO TỐC NINH BINH - NAM ĐỊNH - THÁI BÌNH - HẢI PHÒNG ĐỂ KẾT NỐI ĐỒNG BỘ
Để dự án triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu UBND huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu rõ về lợi ích của dự án, qua đó ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, nhà thầu thi công tập trung huy động nguồn lực, có kế hoạch thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư chỉ đạo rà soát, thực hiện đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên theo dõi, giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai dự án, chỉ đạo đẩy nhanh công tác triển khai các thủ tục sớm đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình để kết nối đồng bộ với dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Cùng với các dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng gồm đoạn qua tỉnh Ninh Bình do UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì thực hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; dự án đoạn Nam Định - Thái Bình đầu tư theo hình thức PPP do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng sẽ mở ra không gian phát triển mới về đô thị, dịch vụ, công nghiệp, du lịch theo trục Đông - Tây...
Đồng thời, rút ngắn thời gian cũng như quãng đường di chuyển từ khu vực phía Nam ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại, tiết kiệm chi phí lưu thông và là động lực thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển cho kinh tế địa phương và khu vực.