12:47 27/03/2023

Rà soát lại dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, đề nghị hút thêm vốn nhà đầu tư

Anh Tú

Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình rà soát lại tổng thể phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, bảo đảm tính đúng, tính đủ sát thực tế và tăng vốn của nhà đầu tư, đảm bảo phần vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư...

Dự kiến trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình vào tháng 4.
Dự kiến trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình vào tháng 4.

Thông báo số 94/TB-VPCP về kết luận Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, nêu rõ hiện nay Chính phủ đang quyết tâm chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc, nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Trong đó, đến năm 2025 sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc.

TẠO ĐỘNG LỰC CHO CẢ VÙNG ĐÔNG BẮC BỘ

Cùng với đó, Bộ Chính trị đã ban hành 06 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 6 vùng chiến lược, trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc liên kết vùng theo quy hoạch.

 

"Đối với tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi hoàn thành sẽ kết nối Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng, tạo động lực phát triển cho cả vùng Đông Bắc bộ", thông báo nêu rõ.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, các địa phương có hạ tầng giao thông phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Ninh Thuận...; hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, thu hút các nhà đầu tư.

Với tầm quan trọng của các tuyến đường này, trên cơ sở có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn, việc sớm triển khai đầu tư tuyến đường nêu trên theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiết.

Thường trực Chính phủ cũng hoan nghênh UBND tỉnh Thái Bình, các địa phương liên quan và các nhà đầu tư đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, cần nghiên cứu phương án khả thi, hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện cân đối vốn từ nay đến năm 2025.

ĐẢM BẢO NHÀ NƯỚC KHÔNG GÓP QUÁ 50% TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Được biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TP. Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong đó, đoạn tuyến qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình là một phần của tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

Đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án tại văn bản số 657/TTg-CN ngày 22/7/2022 và chỉ đạo về phương án đầu tư tại Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 04/7/2022 và văn bản số 8188/VPCP-CN ngày 06/12/2022 của Văn phòng Chính phủ.

UBND tỉnh Thái Bình tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện phương án đầu tư, lưu ý rà soát lại tổng thể phương án đầu tư bảo đảm tính đúng, tính đủ sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy định; trong đó, lưu ý dự toán công trình (suất vốn đầu tư).

Còn đối với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tách đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công; cùng đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình về phương án nghiên cứu đầu tư đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Nam Định - Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan tính toán lại phương án bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023. 

 

"UBND tỉnh Thái Bình làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các nhà tư vấn tăng tỷ lệ thu xếp vốn của nhà đầu tư tham gia dự án, đảm bảo phần vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư (phân kỳ từ nay đến năm 2025", thông báo nêu rõ.

Để sớm tổ chức triển khai các dự án có hiệu quả thiết thực, Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ.

Cụ thể, về công tác chuẩn bị đầu tư cần tích cực hơn, kỹ lưỡng hơn và chất lượng hơn.

Các đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu dự án cần bám sát thực tiễn, dứt khoát không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bảo đảm cân bằng lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

"Quy mô đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng. Phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh", Thường trực Chính phủ lưu ý.

Việc triển khai các dự án nêu trên theo phương thức đối tác công tư (PPP) cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là tại khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Cùng với đó, cần đa dạng nguồn vốn đầu tư, kết hợp nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư, vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thường trực Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, ngành chức năng cần tích cực hướng dẫn và phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; chủ động xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các dự án theo quy định (phân kỳ hợp lý trong cả giai đoạn 2023 - 2025).

Các địa phương tích cực, chủ động hơn nữa rà soát các nội dung của dự án để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định, trong đó có việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa...; chuẩn bị mỏ vật liệu để giao trực tiếp cho các nhà đầu tư, nhà thầu phục vụ thi công dự án, xử lý nghiêm các trường hợp giao mỏ không đúng đối tượng, đầu cơ, nâng giá vật liệu.

"Hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2023, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Luật PPP", thông báo nêu.

Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo quyết liệt triển khai dự án nêu trên, thành phần Tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; đồng thời, đưa dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình vào Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

 

Đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài khoảng 88km, trong đó có 26km đi qua Ninh Bình, 62km qua Nam Định, Thái Bình do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Nhà đầu tư từng đề xuất đầu tư dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 23.000 tỷ đồng tính cả lãi vay.

Theo đề xuất của các tỉnh, đoạn cao tốc qua tỉnh Ninh Bình được lập thành 1 dự án độc lập, theo hình thức đầu tư công và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản. Ninh Bình từng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 6.450 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư khoảng 8.450 tỷ để thực hiện dự án. Còn Thái Bình đề nghị nhiên cứu đầu tư đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Nam Định - Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.