9 dự án giao thông quan trọng quốc gia giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng, nhiều dự án gặp khó
Trong quý đầu năm 2024, 09 dự án giao thông quan trọng quốc gia giải ngân 11.339,77 tỷ đồng, đạt 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao. Trong khi nhiều dự án bứt tốc giải ngân trên 50% vốn được giao, nhiều dự án giải ngân đuối sức hơn do gặp nhiều vướng mắc...
Thống kê của Bộ Tài chính đến ngày 31/3/2024 cho thấy tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 11.339,77 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao (92.152,86 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.160,08 tỷ đồng, đạt 15,4%; vốn ngân sách địa phương là 1.179,69 tỷ đồng, đạt 6,9%.
Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân chung 3 tháng của cả nước (12,16%).
NHIỀU DỰ ÁN BỨT TỐC, KHÔNG ÍT DỰ ÁN ĐUỐI SỨC
Về tình hình giải ngân dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), trong tổng số vốn gần 31.000 tỷ đồng được bố trí trong năm 2024, tính đến cuối tháng 3/2024, dự án đã giải ngân được gần 5.200 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch. Trong đó, nhiều dự án thành phần đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Bãi Vọt - Hàm Nghi (52,3%); Vũng Áng - Bùng (29,6%)...
Trong khi đó, một số dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân đuối hơn như: Chí Thạnh - Vân Phong (6%), vướng mắc do chậm di dời hạ tầng kỹ thuật, xử lý nền đất yếu và hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ vật liệu...
Trong khuôn khổ chương trình kiểm tra các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thị sát toàn tuyến cao tốc này và yêu cầu tất cả đường găng này phải sớm giải quyết, mặt bằng đến đâu phải dồn lực thi công đẩy tiến độ đến đó, phấn đấu hoàn thành cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong dịp 2/9/2025.
Với cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng vốn và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 đạt 9,9% do mặt bằng xôi đỗ gây vướng mắc khi thi công.
Với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án thành phần 3 giải ngân đạt 50% trong khi dự án thành phần 1,2 mới đạt vỏn vẹn 1,8% kế hoạch. Dự kiến dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch 3 tháng.
NHIỀU VƯỚNG MẮC CẢN TIẾN ĐỘ
Về vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính cho biết về giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, ngày 30/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 258/QĐ-TTg về giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương khoảng 6.458 tỷ đồng.
Số vốn này để thực hiện ba dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia , đó là: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải được giao thêm 2.571 tỷ đồng, Khánh Hoà được giao bổ sung 600 tỷ đồng; Đắk Lắk được giao thêm 300 tỷ đồng...
Tuy nhiên, đến ngày 23/4/2024, mới có Bộ Giao thông vận tải và 04 địa phương (Khánh Hoà, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang) giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án thành phần được giao quản lý, với tổng số vốn đã giao 4.021 tỷ đồng.
Còn lại 04 địa phương là An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa giao kế hoạch năm 2024 với tổng kế hoạch vốn chưa giao là 2.437 tỷ đồng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án quan trọng quốc gia đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Khánh Hòa Buôn - Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Cùng với đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Về vật liệu xây dựng cho thi công, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thì công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá... đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn trên địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài là 37,8 km, nhu cầu sử dụng cát để làm nền đường khoảng 5,3 triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới cân đối được 2,4 triệu m3, số còn lại chưa cân đối được.
Đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang với chiều dài gần 37km cũng đang gặp khó do thiếu cát. Qua thống kê, nhu cầu sử dụng cát đắp nền cho dự án thành phần 3 khoảng 7 triệu m3. Hậu Giang đang phối hợp cùng nhà thầu làm việc với các địa phương có mỏ cát xem xét, hỗ trợ 3,4 triệu m3 cát.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án giao thông, các đơn vị liên quan được cho phép thử nghiệm dùng cát biển đắp đường. Theo kế hoạch, nếu các thủ tục, quy trình hoàn tất thì đến tháng 5/2024, các nhà thầu sẽ bắt đầu khai thác cát biển tại Sóc Trăng cung cấp lượng cát san lấp cho các dự án cao tốc trong khu vực.
Nguồn cát làm nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực này không chỉ khan hiếm mà giá rất cao. Giá khi lập dự toán dao động chỉ khoảng 200 ngàn đồng/m3, song tới thời điểm này giá mua thương mại khoảng 300 ngàn đồng/m3.
KHẨN TRƯƠNG PHÂN BỔ VỐN, GỠ KHÓ DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cần khẩn trương phân bố kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 và tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương nắm bắt được tình hình giải ngân vốn của từng dự án làm cơ sở để triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các địa phương phải sớm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
Đối với nguồn vật liệu cho thi công, các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.