Thưa ông, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987, đến nay, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng gần 30 lần trong khi vốn giải ngân tăng hơn 38 lần so với năm 1991…
TS. Phan Hữu Thắng: Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau giai đoạn khởi động (1988-1990), từ năm 1991 đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng khá ổn định. Nếu năm 1991, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam mới đạt 1,28 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 428,5 triệu USD thì đến năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bất lợi của đại dịch Covid-19, số liệu tương ứng về FDI đăng ký và thực hiện là 31,15 tỷ USD và 19,74 tỷ USD.
Có 3 lý do chính dẫn đến sự tăng trưởng nhanh và ổn định của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Trước hết, là sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước.
Thứ hai, là sự nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế thông qua việc cải tiến thể chế, luật pháp, chính sách, ký kết các hiệp định song phương và đa phương liên quan đến thương mại và đầu tư.
Thứ ba, là sự tăng trưởng về quy mô nền kinh tế, đảm bảo khả năng hấp thụ ngày càng tăng lượng vốn FDI, trong đó phải kể đến sự lớn mạnh cũng như đóng góp của kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Sau chặng đường thu hút FDI được đánh giá thành công, theo ông, cơ hội thu hút FDI thời gian tới của Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh các diễn biến bất ổn trên thế giới gần đây như cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, giá cả nguyên nhiên liệu leo thang hay chiến dịch zero Covid của Trung Quốc...?
TS.Phan Hữu Thắng: Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không chỉ đơn thuần là một xung đột khu vực mà thể hiện sự rạn nứt trầm trọng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, có ảnh hưởng sâu sắc đến châu Âu và toàn thế giới, có khả năng dẫn tới làm thay đổi địa chính trị toàn cầu.
Một số nước lớn sẽ lợi dụng sự bất ổn do cuộc xung đột này gây ra để thực hiện các toan tính riêng có lợi cho họ, tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn giữa các nước lớn và nhỏ tiếp tục căng thẳng. Kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm và dòng vốn FDI toàn cầu sẽ bị suy giảm theo.
Trong đó, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nền kinh tế thế giới là làm cho giá hàng hóa tăng cao. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng trung bình 3,9% ở các nền kinh tế phát triển, 5,9% ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Để kiềm chế lạm phát, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc tăng lãi suất. Điều này sẽ dẫn tới giảm đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp và giảm tiêu dùng trên toàn cầu.
Chiến dịch zero Covid của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa và kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên, tác động của các yếu tố trên chỉ trong ngắn hạn và các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó khi trải qua đại dịch Covid vừa qua nên khả năng thu hút FDI năm 2022 không bị ảnh hưởng nhiều.
Việc biến nguy cơ thành cơ hội đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng xác định được những “điểm nghẽn” của đất nước hiện nay; tiếp tục tư duy đột phá, táo bạo để theo kịp xu thế và thích ứng với sự thay đổi của thế giới.
Như ông vừa chia sẻ, tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại, vốn FDI toàn cầu có thể suy giảm. Thêm vào đó, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, do đó Việt Nam khó đạt được mục tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội nếu không sàng lọc các dự án FDI chất lượng cao?
TS.Phan Hữu Thắng: Đúng là hiện đang có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng chuyển dịch FDI trên toàn cầu gây cản trở dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định, tạo cơ hội thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng.
Đó là sự ổn định và vững chắc của chính trị -xã hội đất nước; kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và kết nối quốc tế sâu rộng sẽ tạo cơ hội thu hút FDI với quy mô ngày càng tăng.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để nhận chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp nhận dòng vốn FDI dịch chuyển theo xu hướng “Trung Quốc +1”.
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn FDI chất lượng cao. Tháng 6/2020 Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tháng 7/2021, Tổ công tác này được tổ chức lại và nâng cấp thành Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Sự vào cuộc sát sao của Chính phủ sẽ tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án đang hoạt động tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tác hại nhưng cũng tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Đây là động lực tạo nên bước nhảy vọt trong tương lai về năng suất lao động, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia (TNCs).
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội trong thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI.
Cùng với việc sàng lọc dự án, Việt Nam cũng đặt mục tiêu số lượng thu hút FDI giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để vừa đạt chất lượng, vừa đạt số lượng?
TS.Phan Hữu Thắng: Cùng với việc sàng lọc dự án, để đạt được mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 như Nghị quyết 50-NQ/TW đã đặt ra, trước hết, cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài để định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương.
Chiến lược thu hút FDI thời kỳ 2021-2030 cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Hiện tại trình độ phát triển giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau, nên cần thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng miền phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới, do vậy cần có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn FDI.
Những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng thì tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại. Những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn vẫn tiếp tục thu hút các dự án FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công nghệ, môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Danh mục các dự án quốc gia gọi vốn FDI sẽ xác định rõ từng loại dự án quy mô lớn theo ngành trên từng địa bàn cụ thể, vừa rõ ràng minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài, vừa tránh được sự cạnh tranh chạy dự án giữa các địa phương, giữa các nhà đầu tư... làm xấu và giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Về đối tác, cần định hướng ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, khuyến khích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Duy trì sức hút đối với các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng hợp tác với các thị trường, đối tác giàu tiềm năng khác như Anh, Ấn Độ…
Việc xác định được đúng đối tác đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì liên quan đến xây dựng nền kinh tế tự cường, an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng về lâu dài, không thể nhìn vào lợi ích trước mắt nên cần có Bộ tiêu chí chọn lọc phù hợp với định hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa’” đối tác đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và địa chính trị của đất nước.
Nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao vào nhiều lĩnh vực khác nhau thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19, theo ông, chúng ta cần triển khai những giải pháp nào?
TS.Ngô Công Thành: Trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế liên quan đến FDI. Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 50 – NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW. Trước mắt cần xây dựng quy hoạch thu hút các dự án quy mô lớn theo ngành và địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó cần xác định rõ danh mục dự án quốc gia gọi vốn FDI giai đoạn tới theo đúng quy hoạch thu hút FDI này. Đồng thời tiến hành thực hiện các nội dung sau:
Các bộ, ngành, địa phương cần thực sự vào cuộc một cách chủ động, đồng bộ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và công bằng.
Để thu hút được các dự án công nghệ cao, hệ thống pháp luật cần minh bạch, nhất quán, có tính dự báo, đặc biệt cần xây dựng cơ chế áp dụng thủ tục đầu tư kinh doanh một cách linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh tình trạng phục hồi “giấy phép con”; hoàn thiện quy định pháp luật về phòng ngừa tranh chấp đầu tư, cảnh báo sớm về nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển các tổ chức trung gian: sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thực hiện ngay các biện pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có cơ sở giám sát và đánh giá hiệu quả dự án FDI và thúc đẩy thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, kết nối công nghiệp hỗ trợ của các địa phương với FDI toàn cầu.
Cần thay đổi một cách triệt để cách thức tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng xúc tiến đầu tư có mục tiêu và chủ động, gắn với tiêu chí hợp tác đầu tư mới. Để đảm bảo cho hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực phải xác định rõ định hướng và mục tiêu phát triển từng thời kỳ; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh phải xác định rõ các dự án ưu tiên đầu tư trong từng giai đoạn; chuẩn bị đầy đủ điều kiện về đất đai, nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư chất lượng cao.
Bên cạnh các giải pháp chủ yếu nêu trên, cần chú trọng đến việc đổi mới và phát triển một cách hiệu quả hệ thống các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực công chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp FDI; tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả nguồn kiều hối của người Việt Nam vào những dự án đầu tư của Chính phủ và những dự án nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới; xây dựng chiến lược hợp tác thương mại – đầu tư với Trung Quốc bình đẳng và hiệu quả cũng như đổi mới mô hình tổ chức quản lý FDI.
Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành, khu vực FDI dường như đang được coi trọng hơn nội lực. Vậy, theo ông, làm thế nào để chúng ta kéo doanh nghiệp trong nước đi lên cùng FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao nhất là khi vấn đề này đã được nêu ra từ lâu mà chưa có nhiều chuyển biến?
TS.Ngô Công Thành: Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm khu vực kinh tế FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Trong thực tế, qua khảo sát của chúng tôi đã được nêu rõ tại “Báo cáo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021” vừa được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật công bố ngày 12/5/2022 vừa rồi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm Việt Nam. Do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, khó tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn buộc phải lôi kéo các doanh nghiệp phụ trợ, đối tác bên nước họ sang Việt Nam đầu tư sản xuất.
Nhu cầu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đã có, chúng ta cần có cơ chế, chính sách để nâng tầm các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về trình độ công nghệ và kỹ năng quản lý để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Muốn vậy, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” đối với các doanh nghiệp trong nước thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển một số lĩnh vực ưu tiên thuộc công nghiệp hỗ trợ để tập trung đầu tư, tránh dàn trải không hiệu quả; Xây dựng cổng thông tin kỹ thuật số, tạo dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trên toàn cầu; tổ chức các triển lãm công nghiệp quốc tế tại Việt Nam để kết nối người cung cấp với người có nhu cầu; ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp FDI tự nguyện chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động tiếp cận công nghệ mới của thế giới, tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng của mình, nâng cao trình độ quản trị và kỹ năng quản lý đáp ứng điều kiện hợp tác với doanh nghiệp FDI.
VnEconomy 01/06/2022 06:00