Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 1
Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 2

“Để có chế tài liên quan đến xử lý phân bón giả, hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, gồm: Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cả ba Nghị định này đã bao trùm đầy đủ hành vi, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm.

Mặc dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn trên thị trường vì bản chất các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, từ thanh tra thường xuyên đến thanh tra đột xuất... nhưng vẫn còn một số hiện tượng sản xuất phân bón giả ở một số nơi vì các doanh nghiệp thường chọn vùng sâu, vùng xa, tổ chức sản xuất vào các thời điểm khác nhau như sản xuất vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, họ sản xuất ở tỉnh này nhưng đi bán ở nhiều tỉnh khác, bán với số lượng rất nhỏ ở các đại lý để trốn tránh hành vi vi phạm. Với các đại lý, vì lợi nhuận, họ còn cam kết với nhau như “khế ước ngầm” nhằm tạo niềm tin cho người dân. Nguồn lực thanh tra ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định hiện nay tình trạng sản xuất phân bón giả được kiểm soát tương đối, còn xảy ra ở một vài nơi.

Để giải quyết vấn đề, cần các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp… để đưa ra các biện pháp đúng, xử lý triệt để các vấn đề này. Cần nâng cao năng lực, trình độ nguồn lực thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương để triển khai đồng loạt trên diện rộng nhằm kiểm soát tốt, dẹp được mầm mống của các đối tượng.

Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng các phương pháp như đưa video, clip… Xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm giả, nhái thương hiệu để người dân dễ dàng tiếp nhận. Nâng cao nhận thức người dân về nhận diện hàng giả, hàng nhái và minh bạch hóa các sản phẩm trên thị trường.

Phối hợp với công ty công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp nhận diện được sản phẩm, có thể tra cứu trên điện thoại di động, các phương tiện thông tin đại chúng.

Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa vào đề án chuyển đổi số của Bộ. Đây là một trong những giải pháp chúng tôi cho rằng rất hữu ích, giúp xã hội, người dân nhận biết sản phẩm, giảm thiểu việc sử dụng, giảm động cơ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng”.

Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 3

“Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh 2.824 sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2021, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy 135 mẫu phân bón và 81 mẫu thuốc bảo vệ thực vật tại 102 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh để thanh kiểm tra. Kết quả, 42/135 mẫu phân bón vi phạm chất lượng bao gồm các lỗi: phân bón giả (29 mẫu), phân bón không đạt chất lượng (13 mẫu). 5/81 mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi phạm chất lượng gồm thuốc giả (2 mẫu); thuốc kém chất lượng (3 mẫu).

Trong quý 1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 2 cuộc thanh, kiểm tra tại 37 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh và phát hiện 5 cơ sở kinh doanh phân bón và 3 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm.

Phân bón giả, kém chất lượng như là một vấn nạn đang tồn tại trên cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng. Chấm dứt vấn nạn này xem ra rất khó khăn khi mà các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá chưa được một số doanh nghiệp coi trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần xây dựng cho mình về chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất, bắt tay với các cơ quan nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả.

Về phía nông dân, cần lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu tốt, có uy tín, đại lý có uy tín, không ham rẻ, không mua thiếu. Khi nông dân mua phân bón, nên lưu mẫu, lấy hóa đơn khi mua. Nông dân mua phân bón với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh để xử lý.

Với các đại lý kinh doanh phân bón, tôi cho rằng, đại lý bán phân bón giả, kém chất lượng phải chịu trách nhiệm. Bởi họ là người biết rõ nhất về sản phẩm phân bón mà họ đang kinh doanh là thật hay giả. Người bán không vô can trong việc đưa phân bón giả, kém chất lượng ra thị trường.

Chúng ta phải kiến nghị với Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành tăng cường biện pháp xử lý, tăng mức xử phạt, đồng thời có giải pháp căn cơ hơn, chặt chẽ hơn để quản lý thật tốt mặt hàng này”.

Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 4

“Trải qua nhiều năm, danh mục các loại phân bón được phép sản xuất ngày càng tăng lên. Do đó, số lượng chủng loại phân bón ngày nay rất nhiều. Các cơ quan nhà nước cũng rất khó quản lý. Thực tế, trong danh mục các loại phân bón đó, có những loại ngày nay không còn sử dụng đến. Việc loại trừ các loại phân bón này ra khỏi danh mục cần được đẩy nhanh. Đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên rà soát danh mục các loại phân bón được sản xuất kinh doanh, để loại hẳn những sản phẩm nào không còn đáp ứng được yêu cầu và không còn sử dụng thường xuyên nữa.

Hàng chục triệu hộ nông dân sử dụng phân bón chủ yếu thông qua đại lý. Đến mùa thì nông dân ra đại lý hoặc là mua, hoặc là ứng cả một rổ vật tư, có phân bón, có thuốc trừ sâu. Số người được trực tiếp tiếp cận với nhà máy đâu có nhiều. Như vậy, chúng ta thấy người mà dễ thao túng hàng giả hàng kém chất lượng nhất hiện nay chính là các đại lý. Vì lợi nhuận, các đại lý sẵn sàng tiếp tay cho hàng giả ra thị trường. Còn người nông dân thì rất đáng thương bởi vì thiếu thông tin và cũng thấy giá, phương thức phù hợp thì mua.

Thế nên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng tập trung xử lý câu chuyện phân bón giả không chỉ từ đầu nguồn sản xuất, mà còn từ hệ thống phân phối các đại lý. Ngoài ra, có một số tổng công ty lớn, tập đoàn lớn họ “nuôi” hệ thống đại lý này rất bài bản, chu đáo để hàng giả hàng nhái không lọt được vào.

Chế tài xử phạt đã nhiều lần được góp ý nên điều chỉnh theo hướng tăng nặng để cho các đối tượng làm giả sợ. Tôi cho rằng rất cần thêm sự răn đe. Địa phương phải làm mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.

Ở khâu cấp giấy phép kinh doanh phân bón, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm soát rất chặt, thậm chí đi xuống tận nơi để kiểm tra chứ không chỉ quyết định dựa trên tài liệu. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thì mới phát hiện được những yếu tố bất cập nảy sinh trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.

Công tác thanh tra, kiểm tra phải mang tính thời vụ, bởi vì đó là đặc điểm của sản xuất nông nghiệp. Chính thời vụ là lúc mà phân bón giả và các vật tư giả dễ trà trộn”.

Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 5

“Phân bón giả, kém chất lượng như tội ác gây ra cho khách hàng, cụ thể là người nông dân, những người tiêu thụ cuối cùng. Giá phân bón hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tấn, như vậy chỉ cần làm giả 200 tấn đã có 4 tỷ đồng. Thực tế có những sản phẩm tỷ lệ bị làm giả lên đến 80%, nghĩa là hàng thật chỉ có 20%. Như vậy, về kinh tế là thiệt hại rất lớn, đặc biệt với xã hội là xói mòn niềm tin cũng như ảnh hưởng ghê gớm đến các ngành sản xuất phân bón, vật tư cho nông nghiệp, không những năm nay mà nhiều năm về sau.

Với những doanh nghiệp mất công gây dựng thương hiệu trên thị trường nếu bị làm nhái sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến thương hiệu, đồng thời, làm hoạt động tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Nhưng thiệt hại lớn nhất là niềm tin của người nông dân đối với các nhà sản xuất lớn.

Về mặt tài chính và thương hiệu của doanh nghiệp cũng bị thiệt hại, khi đầu vào chất lượng phân bón bị làm giả thì năng suất sẽ thấp, chất lượng đầu ra thấp, từ đó tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ yếu đi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập, nếu chúng ta không bảo vệ được sản phẩm của mình, các doanh nghiệp không cùng chung tay thì tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp sẽ giảm đi.

Về giải pháp, tôi cho rằng bảo vệ nông dân là bảo vệ chính doanh nghiệp. Với Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), chúng tôi truyền thông chia sẻ cho bà con về các loại phân bón chất lượng, ký kết với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong kế hoạch hợp tác 5 năm về tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để bà con hiểu về đặc tính, lợi ích các loại phân bón. Song song đó, chúng tôi cũng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo về các kỹ thuật canh tác, thông tin mùa vụ… cho bà con.

Chúng tôi còn có sản phẩm quét mã QR Code để bà con tiện theo dõi các luồng hàng của đại lý bán ra xem có đúng sản phẩm của doanh nghiệp không. Bước đầu các giải pháp này đã đem lại lợi ích và được bà con rất ủng hộ.

Về giải pháp căn cơ, cần rà soát lại các văn bản pháp lý, hành lang pháp luật để giúp cho các bộ, ngành chức năng thực thi được nhiệm vụ, vì thực tế các chế tài xử lý hiện nay còn quá yếu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận tốt hơn”.

Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 6

“Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.

Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay, về cơ chế chính sách, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển. Theo đó, việc đầu tiên và cần làm ngay là sửa luật 71/2014/QH13 để đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, phân bón trong nước mới có điều kiện cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Thứ hai là chính sách thuế đối với phân bón phải linh hoạt và phù hợp với năng lực sản xuất của phân bón và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cùng với đó, cần sửa Nghị định 84/2019/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ hơn về phân bón kém chất lượng, không phải dưới 70% nữa mà là một tỷ lệ cao hơn từ 90 – 95% chẳng hạn, đồng thời tăng hình thức xử lý đối với hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng.

Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; rà soát chặt chẽ khi cấp phép cho một đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón, xem xét đến quy hoạch ngành cũng như các điều kiện đáp ứng yêu cầu.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, các doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện ra các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng và có biện pháp xử lý.

Đồng thời, tăng cường công tác quảng cáo, giới thiệu, hướng dẫn cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón để sử dụng có hiệu quả. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh việc chống phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Bà con nông dân cần tự trang bị kiến thức cho mình để biết cách sử dụng phân bón có hiệu quả và biết phân biệt phân bón thật, giả, kém chất lượng để thành người tiêu dùng thông thái”.

Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ  - Ảnh 7

VnEconomy