07:24 04/03/2023

Điểm danh những nước mua nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra

Đức Anh

Từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu vào ngày 24/2/2022 đến ngày 26/2/2023, Nga đã "bỏ túi" hơn 315 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ra khắp thế giới...

Một năm sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nhiên liệu hóa thạch của nước này vẫn tiếp tục được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu vào ngày 24/2/2022 đến ngày 26/2/2023, Nga đã "bỏ túi" hơn 315 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ra khắp thế giới, trong đó gần 50% (khoảng 149 tỷ USD) đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). 

Đồ thị thông tin dưới đây sử dụng dữ liệu từ CREA thể hiện các quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra hơn một năm trước. 

Không ngạc nhiên khi Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất. Là láng giềng và là đồng minh phi chính thức của Nga, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dầu thô - mặt hàng chiếm hơn 80% trong hơn 55 tỷ USD nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga - kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. 

Đứng thứ hai là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu với 26,1 tỷ USD, trong đó riêng nhập khẩu khí đốt là hơn 12 tỷ USD. 

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng không thuộc EU, đứng thứ ba về nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga. Nước này được dự báo sẽ vượt qua Đức để giữ vị trí thứ hai bởi không chịu ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU. 

Dù hơn một nửa trong top 20 dưới đây là các quốc gia EU, các thành viên của khối này cũng như phần còn lại của châu Âu đã giảm đáng kể lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch do các lệnh cấm và giá trần với than đá, dầu thô theo đường biển và sản phẩm xăng của Nga. 

Điểm danh những nước mua nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra - Ảnh 1