06:00 12/09/2021

Doanh nghiệp “ngoại đạo” lấn sân cung cấp thực phẩm

Lưu Hà

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước, một số hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để tồn tại, giữ chân lực lượng lao động…

Đứng trước 2 lựa chọn, hoặc cho nhân sự tạm nghỉ làm để chờ đến khi hết dịch, hoặc “rẽ ngang” sang một lĩnh vực kinh doanh nào đó để kiếm dòng tiền duy trì hoạt động, nhiều vị CEO đã quyết định chọn phương án thứ hai. Với những người doanh nhân nhanh nhạy này, việc chuyển sang bán thực phẩm thiết yếu không chỉ đảm bảo an sinh xã hội mà còn giúp doanh nghiệp  duy trì "sự sống" trong đợt bùng dịch nghiêm trọng hiện nay.

NHỮNG GIÁM ĐỐC NGỒI "CHỐT ĐƠN"

Từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ giúp việc cho người dân tại các thành phố lớn, gần 3 tháng nay, Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch TP.HMC (app JupViec.vn) đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang cung ứng nông sản.

Nhờ lợi thế sở hữu nền tảng công nghệ, tệp khách hàng đông đảo có sẵn cùng với hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đơn hàng của doanh nghiệp này luôn trong tình trạng, quá tải. Để chất lượng rau được đảm bảo khi vận chuyển, JupViec thậm chí đã thông báo chỉ phục vụ đơn hàng trong bán kính 10km tính từ kho hàng.

Chuyển sang kinh doanh thực phẩm, Công ty lữ hành PYS Travel lại lựa chọn những mặt hàng liên quan đến đặc sản vùng miền bởi doanh nghiệp này trước đó vốn có tiếng trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc. Các sản phẩm nổi bật có thể kể đến như cá hồi, cá tầm Sa Pa, bánh chưng gù Hà Giang... Tuy nhiên, sản phẩm được quan tâm nhất của công ty hiện tại là box rau củ, bao gồm từ 7 - 12 loại được chọn ngẫu nhiên như rau muống, súp lơ, cà rốt, cà chua, khoai tây...

Công ty lữ hành PYS Travel lựa chọn những mặt hàng liên quan đến đặc sản vùng miền bởi doanh nghiệp này vốn có tiếng trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc.
Công ty lữ hành PYS Travel lựa chọn những mặt hàng liên quan đến đặc sản vùng miền bởi doanh nghiệp này vốn có tiếng trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc.

Hiện tại, theo ông Trần Sỹ Sơn, CEO PYS Travel, chỉ có khoảng 20 - 25 nhân viên tham gia vào mảng kinh doanh thực phẩm, còn một nửa số nhân viên còn lại vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội tại nhà. Trong đó, nhiều hướng dẫn viên được "tận dụng" thực hiện vai trò mới - shipper vận chuyển hàng hoá và đã đều được tiêm vaccine - vì lĩnh vực thực phẩm vẫn được phép hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tương tự, trước sự ảnh hưởng lớn của đợt dịch thứ tư bùng phát, Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Travel (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Nguyễn Hữu Cường đã nhanh chóng lên phương án chuyển đổi kinh doanh. Công ty giữ lại toàn bộ nhân viên điều hành du lịch để cùng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Cả giám đốc và nhân viên đều nỗ lực tiếp thị, bán hàng hay giao hàng. 

"Sau khi thử sức với nhiều mặt hàng, chúng tôi cùng suy nghĩ để lựa chọn một sản phẩm tốt làm chủ lực, đó là gạo ST25. Gạo cũng là mặt hàng thiết yếu, ít bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh kéo dài," ông Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.

 
Đại dịch Covid-19 đã khiến một số ngành “lên ngôi” như logistics, thực phẩm, y tế... Trong đó, lĩnh vực nông sản đang có tiềm năng rất lớn do đây là ngành hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân và có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong và sau dịch.

Ông Trần Phát, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu bán xe cũ của công ty bằng 0. Trong khi hàng tháng ông vẫn phải trả tiền mặt bằng, lãi vay ngân hàng, tiền lương cho nhân viên… Tận dụng mối quan hệ với khách hàng quen, ông quyết định bán gạo để tạo việc làm cho nhân viên mùa dịch. Sau hơn một tháng, công ty ông bán được gần 40 tấn gạo các loại. "Dù là hướng đi mới nhưng cũng mang lại nhiều hy vọng cho công ty," ông Phát chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng “chuyển mình” tham gia hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm như chuỗi Con Cưng, Viettel Post, Vietnam Post, Công ty giao hàng nhanh GHN, Công ty giao hàng tiết kiệm GHTK, Công ty Supership Việt Nam, Công ty giải pháp chuỗi cung ứng One Mount…

CƠ HỘI ĐỂ DOANH NGHIỆP "TỰ CỨU"

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở Công thương thành phố cũng đã vận động, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ hàng hóa thiết yếu để đem hàng hóa, thực phẩm thiết yếu bình ổn đến tận tay người tiêu dùng. Khi các hệ thống, doanh nghiệp cùng tham gia sẽ giúp giải quyết điểm nghẽn trong cung ứng hàng hóa cho người dân. 

Trong đợt cao điểm khan hiếm những mặt hàng này trên thị trường TP.HCM, 2 doanh nghiệp đầu ngành bưu điện là VNPost và Viettel Post đã triển khai hàng chục điểm bán thực phẩm, rau củ tại các bưu cục quận, huyện. Cùng hưởng ứng, một số doanh nghiệp vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa cũng đưa phương tiện vào tham gia bán rau xanh, thực phẩm lưu động  đến từng khu vực dân cư.

Có thể nói, thay đổi cơ cấu sản phẩm chính là "kháng sinh" giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Đó là chưa kể, việc mở rộng mô hình kinh doanh ngay trong thời điểm dịch bệnh là hướng đi tất yếu, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Trong dịch bệnh, khó khăn của của ngành này lại là cơ hội của ngành khác.

Có thể nói, thay đổi cơ cấu sản phẩm chính là "kháng sinh" giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.
Có thể nói, thay đổi cơ cấu sản phẩm chính là "kháng sinh" giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã khiến một số ngành “lên ngôi” như logistics, thực phẩm, y tế... Trong đó, lĩnh vực nông sản đang có tiềm năng rất lớn do đây là ngành hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân và có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong và sau dịch.

Cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp nào có được giải pháp để tự cứu mình, doanh nghiệp ấy mới có thể sinh tồn. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản xây dựng các các nền tảng hiện đại hơn, chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình số hóa, áp dụng 4.0 trong việc khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng...

Nếu có kế hoạch và chiến lược kinh doanh tốt, cộng với những nền tảng số mà doanh nghiệp sẵn có và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, doanh nghiệp sẽ có thể tìm thấy cơ hội để tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn này.

 
Ứng dụng đặt phòng khách sạn Klook đã ra mắt gói sản phẩm đặc sản vùng miền. TokyoLife cũng bán thêm một số sản phẩm đồ ăn trên ứng dụng của mình. Tương tự, Muji, thương hiệu hàng gia dụng và quần áo của Nhật Bản cũng có thêm quầy rau, thực phẩm, đồ ăn… Có thể nói, thích ứng nhanh và chuyển đổi bắt kịp với tình hình thực tế dịch bệnh để vượt qua khó khăn là điều mà các đơn vị kinh doanh cần phải quan tâm thời điểm này.