Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 1
Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 2

Năm 2008, anh trở về Việt Nam sau khi sống nhiều năm tại nước ngoài. Điều gì đã thôi thúc anh khi đó?

Hơn hai mươi năm trước, tôi học về thiết kế đồ họa và quảng cáo tại New Zealand, sau đó tới Singapore làm việc cho đến khi tôi được nhập quốc tịch Singapore. Tới năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, công ty muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam, do đó tôi được trao cơ hội đi đi về về giữa hai nước để kết nối thị trường. Trong quá trình đó, tôi nhận thấy rằng đây là cơ hội để phát triển sự nghiệp ở quê hương bởi Việt Nam có dân số lớn, thị trường lao động rất trẻ. Năm 2008, tôi về Việt Nam, gom hết vốn liếng để đầu tư và thành lập một công ty tư vấn thiết kế nội thất và quảng cáo. Đến giờ nhìn lại, tôi vẫn cho rằng đó là lựa chọn đúng.

Theo anh, sức hút của Việt Nam với kiều bào trẻ muốn trở về kinh doanh, sản xuất tại quê hương là gì?

Có thể thấy, Nhà nước ta đang có ngày càng nhiều chính sách hỗ trợ kiều bào khởi nghiệp. Hai năm gần đây, có khá nhiều diễn đàn về khởi nghiệp và kết nối với kiều bào trẻ - thế hệ thứ ba, với vai trò là người điều phối, tôi thấy hiệu quả, sự lan tỏa và chất lượng của các sự kiện này rất tốt. 

Một yếu tố hết sức tự nhiên làm nên sức hút riêng của Việt Nam đối với kiều bào chính là mối liên hệ máu mủ với Tổ quốc. Bên cạnh đó, với nhiều bạn trẻ, Việt Nam là nơi để thử nghiệm bài toán kinh doanh theo mô hình Khởi nghiệp Tinh gọn (Lean Start-up). Sức hút của Việt Nam nằm ở dân số đông đảo và thị trường năng động, rộng lớn trải dài khắp 63 tỉnh thành. Có thể nói, lựa chọn trở về Việt Nam có ưu thế “2 trong 1”, vừa mở ra cơ hội để chinh phục một môi trường mới, đồng thời là con đường để có thể trực tiếp đóng góp cho quê hương.

Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 3

Là người thường xuyên kết nối, tư vấn về thủ tục hành chính kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài, theo anh các cơ quan nhà nước nên làm gì để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi hơn dành cho kiều bào?

Những năm gần đây, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực và thiện chí trong việc tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về quê hương lập nghiệp. Vì thế tôi nghĩ, việc cần làm bây giờ chỉ là củng cố niềm tin cho bà con. Kiều bào ở nước ngoài tiếp xúc với nhiều luồng thông tin khác nhau, quan trọng là làm sao để những thông tin tích cực chạm tới được người Việt xa Tổ quốc. Bà con cần được biết tới những câu chuyện “người thật, việc thật” của kiều bào đã thành công tại quê hương cũng như sự ghi nhận của Nhà nước dành cho họ. Ngoài ra, mỗi tỉnh, thành có những đặc thù, nếu có thể tạo điều kiện cho từng địa phương có những chính sách riêng dựa trên thế mạnh của mình thì cơ chế làm việc sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Khi nhắc đến 2 từ “khởi nghiệp” người ta hay nghĩ đến cụm từ “người trẻ khởi nghiệp”, phải chăng tuổi trẻ chính là lợi thế để thúc đẩy mỗi người dám thử sức?

Thực ra, đa số các dự án khởi nghiệp thuộc về những người trẻ là bởi đây là độ tuổi của những ước mơ và hoài bão. Hơn nữa những người trẻ thường chưa vướng bận những thứ mà sau này chúng ta gọi là “cơm áo gạo tiền”, thời gian họ chuyên tâm dành cho công việc cũng nhiều hơn vì chưa có con cái, gia đình… Nhưng trên thực tế tại các nước cũng như Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều tấm gương khởi nghiệp ở tuổi 50, 60 thậm chí là 70. Lợi thế của những người lớn tuổi lại là vốn sống, kinh nghiệm, tài sản và cả mạng lưới các mối quan hệ và đội ngũ nhân viên… Cho nên, nói như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Rynan Holdings JSC thì “Khởi nghiệp thật ra không có tuổi! Có ý tưởng khởi nghiệp và dám khởi nghiệp là hay rồi!”

Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 4

Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế hiện đang mở rộng nhờ các FTA, doanh nghiệp cần làm gì để sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh tại các thị trường khó tính?

Trong những buổi talkshow trò chuyện cùng anh chị em doanh nhân tại châu Âu về các FTA, tôi nhận thấy điều mà các đồng nghiệp tại Việt Nam còn thiếu chính là sự chuyên nghiệp hóa về xây dựng thương hiệu. Đương nhiên, để xuất khẩu, trước tiên chúng ta cần đưa ra những sản phẩm - dịch vụ đúng và tốt. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần có hình ảnh chất lượng, bài bản, bắt mắt để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở trên quầy kệ siêu thị tại bất cứ quốc gia nào.

Chẳng hạn, mới đây, tôi đã tư vấn cho thương hiệu nước Đông trùng hạ thảo Hector để đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ và Canada thông qua Amazon. Chúng tôi đã mất một năm trời để hoàn thiện các thủ tục về bản quyền, giấy chứng nhận, cam kết chất lượng… Hoặc một thương hiệu rất mới là mật hoa dừa Sokfarm, chỉ cần có chứng chỉ Halal là có rất nhiều tiềm năng xuất bán sang các nước Hồi giáo… Đây là các bước đi đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải kiên nhẫn, phải đầu tư một cách bài bản, trước tiên hãy đáp ứng được yêu cầu của các kiều bào ta ở nước ngoài, rồi mới hướng đến người tiêu dùng bản xứ.

Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 5

Khi đã xây dựng được thương hiệu, các doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh quảng bá sản phẩm theo những kênh nào?

Cá nhân tôi đánh giá cao các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Tại Singapore, tôi thấy cơ quan này tổ chức thường xuyên những hội chợ của Việt Nam trong các siêu thị cũng như đưa các đoàn doanh nghiệp doanh nhân Singarpore về Việt Nam mua gạo, mua nông sản... Đây là một kênh xúc tiến giao thương hiệu quả và Cục Xúc tiến thương mại đang làm khá tốt. Tuy nhiên, nỗ lực bản thân, thay đổi chính từ nội lực của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Người Việt mình hay nói “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng giờ là thời 4.0, chúng ta cần “tốt gỗ tốt cả nước sơn” để mọi người tìm đến mình nhanh nhất có thể.

Từng là một doanh nhân được tham gia đóng góp ý kiến về “Thương hiệu Thành phố” với lãnh đạo TP.HCM, anh thử mạnh dạn đóng góp một ý kiến để xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam xem sao?

Đây là một lĩnh vực quá rộng và tôi không biết mình có đủ trình độ để đóng góp ý kiến hay không. Tôi nghĩ, để tạo ra một thương hiệu cho điểm đến Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia, cần sự cố vấn của đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam cũng như thế giới. Nếu được mạo muộn nêu ý kiến, tôi nghĩ từ khóa “chữa lành” sẽ trở thành xu hướng trong tương lai bởi những áp lực của cuộc sống hiện đại.

Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một “điểm đến chữa lành” (Healing Destination), bởi Việt Nam luôn là một đất nước có khả năng hồi phục rất nhanh sau mỗi nghịch cảnh. Việt Nam cũng là một nơi rất bình yên, được thiên nhiên ưu ái, con người thân thiện nhân hậu… Theo định hướng chung đó, chúng ta có thể tập trung phát triển rừng sinh thái, làng sinh thái, nông sản hữu cơ, y học cổ truyền… 63 tỉnh thành sẽ là 63 câu chuyện bình yên khác nhau, khiến du khách quốc tế muốn được đến đây để tìm lại sự cân bằng của thân – tâm – trí.

Doanh nhân kiều bào Danny Võ: Việt Nam là môi trường khởi nghiệp có sức hút - Ảnh 6

VnEconomy 13/10/2022 10:00