Làn sóng lây nhiễm Covid-19 gia tăng buộc các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Điều này gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng và làm suy giảm khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2021 và năm 2022?
Hạn chế về khả năng di chuyển do làn sóng lây nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ, vốn chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước. Các ngành nông nghiệp và sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội khi hoạt động logistics trở nên đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu toàn cầu sẽ bù đắp phần nào tác động tiêu cực do vai trò đáng kể của xuất khẩu trong các lĩnh vực này.
Xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính cho những tháng còn lại của năm 2021 cũng như cả năm 2022. Một động lực tăng trưởng tiềm năng khác, mặc dù ở mức độ thấp hơn, là đầu tư công. Việc tăng tốc đầu tư công năm nay gặp thách thức lớn hơn rất nhiều do mức độ nghiêm trọng của làn sóng Covid-19, song đầu tư công vẫn là kênh đầu tư quan trọng giúp Chính phủ phục hồi kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng tăng trưởng mới nhất của AMRO, chúng tôi đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021sẽ cán mốc 6,4% và năm 2022 là 6,8%. Tuy nhiên, báo cáo này được xây dựng khi đợt dịch Covid-19 thứ tư mới bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc và được kiểm soát ngay sau đó.
Vì vậy, AMRO dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 khi dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và lan rộng. Trong đó, mức độ của việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn để giảm tỷ lệ lây nhiễm. Nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải hoạt động dưới công suất hoặc phải tạm đóng cửa nhà máy vì dịch bệnh. Lúc này, doanh nghiệp nên làm gì để vượt qua khó khăn và có thể bắt kịp đà phục hồi kinh tế thế giới trong tương lai, thưa ông?
Việc gián đoạn sản xuất kéo dài, trước mắt, có thể làm dịch chuyển nhu cầu nước ngoài sang các nước khác. Trong những tháng tới, AMRO cho rằng các doanh nghiệp nên hợp tác với chính phủ để thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm ở người lao động và nên thực hiện chiến lược tiêm vaccine càng sớm càng tốt cho người lao động.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải giảm thiểu gián đoạn sản xuất đồng thời tìm kiếm các cơ hội thị trường mới để có thêm nguồn tăng trưởng thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong những năm gần đây.
Vậy theo ông, Chính phủ nên làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp cả trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn?
Chính phủ nên cung cấp các gói hỗ trợ tài chính như giảm thuế, cho thuê, trợ cấp tiền lương hay các khoản vay ưu đãi… để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng thanh toán.
Cần đẩy nhanh việc phân phối vaccine cho người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nỗ lực tuân thủ các biện pháp giãn cách an toàn để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động. Chính phủ cần giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản liên quan đến hoạt động logistics phát sinh từ các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như bằng cách ưu tiên tiêm phòng cho những người tham gia vận chuyển.
Ngoài ra, những hỗ trợ tài khóa ở cả mặt doanh thu (chẳng hạn như chính sách hoãn nộp thuế và giảm phí/thuế), cũng như mặt chi tiêu (trợ cấp cho vay), có thể giúp các công ty vượt qua những thách thức do đại dịch gây ra.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt để duy trì nguồn tài chính hợp lý cho các doanh nghiệp. Chính phủ có thể giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương và thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Đại dịch dự kiến còn phức tạp và vẫn còn nhiều yếu tố bất định trong những tháng sắp tới. Vậy Chính phủ và doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào để chuẩn bị cho sự phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn?
Trong khi việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế di chuyển và truy vết trên diện rộng đã giúp Việt Nam ngăn chặn tương đối tốt dịch Covid-19 vào năm 2020, thì làn sóng lây nhiễm hiện nay lại cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc tiêm chủng.
Để bảo vệ nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân trước sức tàn phá khủng khiếp của các đợt sóng Covid-19 trong tương lai với sự xuất hiện các biến thể khác, điều cần thiết là phải hiệu chỉnh lại và tăng cường chiến lược ngăn chặn đại dịch, dành nhiều nỗ lực hơn nữa vào chiến lược tiêm chủng kịp thời cũng như các phương tiện y tế khác để kiểm soát dịch bệnh.
Đầu tư công có ý nghĩa sống còn để nâng cao sức bật và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong trung và dài hạn. Theo đó, cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp luật cần được nâng cấp cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, các nỗ lực để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước là rất cần thiết để giúp tăng cường sự tham gia của quốc gia và nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là để tận dụng lợi thế của việc cấu hình lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch.