Dòng tiền tháo chạy, chỉ số giảm mạnh, triển vọng nào cho nhóm VN30?
Tính trung bình, trong tháng 9 mỗi phiên khớp lệnh trên VN30 đạt 7.800 tỷ đồng, bước sang tháng 10 thanh khoản trung bình giảm còn 4.800 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 38%.
Dòng tiền vẫn đang "né" cùng với hàng loạt thông tin kém tiêu cực đã khiến VN-Index có một nhịp rớt sâu trong giai đoạn vừa qua. Tính từ giữa tháng 9 tới nay, chỉ số đã bay mất 15,6% trong khi đó VN30 có mức độ rớt mạnh hơn lên tới 16%.
Trong nhóm VN30, thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại, MSN là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất giảm 23,95%; tiếp theo là MWG -19,23%; SAB -14,8%; VHM -13,08%; VRE -12%; GAS -12,71%; BCM -10,88%. Nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá của 6 năm cách đây như VIC, rơi về vùng giá cách đây 3 năm như VHM, MSN VRE..
Thanh khoản của nhóm này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 9. Tính trung bình, trong tháng 9 mỗi phiên khớp lệnh trên VN30 đạt 7.800 tỷ đồng, bước sang tháng 10 thanh khoản trung bình giảm còn 4.800 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 38%.
Cú sụt về điểm số lẫn thanh khoản của nhóm VN30 đến từ hai lí do chính. Thứ nhất, ở nhóm ngân hàng vốn chiếm tỷ lệ 43% trong rổ VN30 đang ghi nhận một mùa kinh doanh kém khả quan.
Mùa báo cáo tài chính Q3/2023 đã đi được hơn nửa chặng đường. Tính đến ngày 29/10/2023, gần 800 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đại diện 52% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng +7,5% so với cùng kỳ, nhưng câu chuyện lợi nhuận hồi phục này đã không tạo ra bất kỳ động lực tăng giá nào trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, nhóm ngân hàng ghi nhận sụt giảm về lợi nhuận.
Techcombank báo lợi nhuận sau thuế giảm 13% so với cùng kỳ đạt 5.483 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 17.115 tỷ, giảm 18% so với năm 2022; Trước đó, VPBank (VPB) dù là đơn vị báo lãi trước thuế lớn nhất với 3.117 tỷ đồng lợi nhuận nhưng lợi nhuận cũng giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.
TPB cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.575 tỷ đồng giảm 26,3% so với cùng kỳ và giảm 2,3% so với quý 2/2023. TPB có kết quả kinh doanh kém tích cực chủ yếu do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng mạnh lên 2,97% từ mức 2,21% trong quý 2/2023 và 0,91% trong quý 3/2023.
Thứ hai, với nhóm Vingroup, Vingroup báo cáo doanh thu ghi nhận ở mức kỷ lục, song lợi nhuận kế toán trước thuế tuy nhiên vẫn giảm 14,7% đạt 4.475 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua. Trong khi đó, câu chuyện liên quan đến phát hành trái phiếu chuyển đổi ra quốc tế đang khiến nhà đầu tư thận trọng với nhóm này, tác động tâm lý tiêu cực đến chỉ số VN30, một số cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực theo như MSN.
Trong khi đó, nhóm bất động sản như NVL, KDH, KBC DXG sẽ công bố báo cáo tài chính Q3-2023 trong tuần này. Phần lớn trong số các doanh nghiệp này được dự báo sẽ có thêm 1 quý kết quả kinh doanh kém tích cực và điều này có thể khiến dòng tiền tiếp tục duy trì trạng thái “thận trọng”.
"Những lo ngại liên quan đến hoạt động cơ cấu nợ ở nhiều ông lớn đầu ngành bất động sản, Tiêu dùng, Năng lượng mà có thể khiến áp lực nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên cũng như làm chậm quá trình hồi phục ở nhiều ngành liên quan", FiinTrade nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy dòng tiền sớm trở lại nhóm này.
Theo đánh giá của FiinTrade, một điểm khá quan trọng đó là đợt điều chỉnh này đã kéo định giá dựa trên lợi nhuận trượt 4 quý của toàn thị trường giảm xuống và tiệm cận mức trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay trừ đi 1 lần độ lệch chuẩn (12,9x). Trong đó, P/E của các ngành có tính chu kỳ đang neo ở vùng đỉnh lịch sử (19x) trong bối cảnh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành vừa thiết lập đáy. Nếu chỉ xét riêng định giá thì đây là vùng khá hấp dẫn.
Trong khi đó, số liệu vĩ mô được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/10 cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực về sản xuất công nghiệp trong nước cũng như hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 10/2023. Những tín hiệu tích cực này đang được kỳ vọng sẽ giúp “nâng đỡ” tâm lý của nhà đầu tư và nhờ đó có thể tạo ra sự hồi phục về điểm số trong tuần này.
Đối với riêng nhóm Ngân hàng, NIM kỳ vọng sẽ tạo đáy trong quý 3 và bắt đầu hồi phục từ quý 4. Theo đánh giá của KBSV, tăng trưởng tín dụng khó hoàn thành mục tiêu 14% nhưng vẫn sẽ về đích ở mức 10-12% dựa trên kỳ vọng tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân cuối năm hồi phục; Nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề tích cực hơn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu; lĩnh vực bất động sản dần được tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Tín dụng hồi phục tốt sẽ là động lực để thúc đẩy thu nhập lãi thuần trong giai đoạn cuối năm.
Về cổ phiếu ngân hàng, sau nhịp điều chỉnh tương đối của thị trường trong những phiên gần đây, một số cổ phiếu đã có mức chiết khấu sâu hơn như VCB, ACB, BID, CTG. Mức P/B toàn ngành hiện chỉ đang tương đương với giai đoạn 2016 khi thị trường bất động sản dần có dấu hiệu phục hồi. Với những tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành, cổ phiếu ngân hàng nên được tái định giá ở mức cao hơn.