VIC “kéo giật” VN-Index tăng, đà giảm áp đảo trong rổ VN30
Thanh khoản giảm mạnh ở nhóm blue-chips VN30 phiên này, trong khi tăng ở nhóm Midcap và giảm nhẹ ở Smallcap. Số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng trong rổ VN30 cũng phản ánh rõ sức cầu yếu ớt. Nếu không nhờ VIC bật lên đợt ATC, VN-Index chắc chắn đã đỏ...
Thanh khoản giảm mạnh ở nhóm blue-chips VN30 phiên này, trong khi tăng ở nhóm Midcap và giảm nhẹ ở Smallcap. Số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng trong rổ VN30 cũng phản ánh rõ sức cầu yếu ớt. Nếu không nhờ VIC bật lên đợt ATC, VN-Index chắc chắn đã đỏ.
Diễn biến thị trường chiều nay không khá hơn buổi sáng, thậm chí có tới 3 nhịp VN-Index trượt giảm xuống dưới tham chiếu. Những nỗ lực phục hồi đều kết thúc bằng một đợt xả mạnh và giá quay đầu giảm. Cho đến kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index vẫn đang -0,87 điểm. Chỉ riêng đợt đóng cửa chỉ số nhảy tăng 0,81 điểm.
VIC có dấu ấn rõ nét nhất trong nỗ lực đổi màu chỉ số. Giao dịch cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục VIC đứng giá 66.400 đồng, kết phiên nhảy lên 67.000 đồng, tương đương tăng 0,9%. VIC tăng trung cuộc 4,85% cũng kéo lại tới 3,1 điểm cho VN-Index. Vài mã khác cũng thay đổi khá tốt. MSN chẳng hạn, chốt đợt liên tục còn đứng tham chiếu, đóng cửa thành tăng 1,13% cũng giúp tăng khoảng 0,37 điểm. VRE, GAS, CTG, VNM có cải thiện nhẹ, thậm chí chỉ là bớt giảm, cũng hỗ trợ phần nào.
Độ rộng rổ VN30 cuối phiên chỉ còn 9 mã tăng/18 mã giảm, khác hẳn tình thế cân bằng buổi sáng. VN30-Index đóng cửa vẫn còn giảm 0,23% dù VN-Index tăng 0,07%. Nguyên nhân là việc kéo VIC tác động nhiều hơn tới chỉ số chính, trong khi VPB lao dốc 1,99% lại ảnh hưởng rất nặng tới VN30-Index. ACB giảm 1,47%, HPG giảm 1,27%, TCB giảm 1,02%, SSI giảm 2,02%... đều là các cổ phiếu tác động nhiều hơn ở VN30-Index.
Hiện tượng đẩy cổ phiếu trụ lên không phủ nhận được thực tế là nhóm blue-chips đã suy yếu rất nhiều. Mặt bằng giá của nhóm này đã thấp đi đáng kể so với phiên sáng trong khi thanh khoản phiên chiều tăng 17% so với buổi sáng, đạt 3.742,4 tỷ đồng. Dù vậy tính chung cả ngày, giao dịch rổ VN30 vẫn giảm tới hơn 15% so với hôm qua, còn 6.950 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. Thanh khoản giảm nhiều, giá đẩy lên không được mà còn tụt xuống, đó là biểu hiện của lực cầu quá yếu.
Điều tích cực là hiện tượng suy yếu của blue-chips không dẫn đến sự suy sụp trên diện rộng. Biểu hiện rõ nhất là độ rộng tổng thể của VN-Index không có nhiều thay đổi. Trạng thái giằng co vẫn khá cân bằng suốt buổi chiều, đóng cửa có 242 mã tăng/238 mã giảm. Thời điểm độ rộng kém nhất chiều nay là 4 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục, vẫn ghi nhận 213 mã tăng/253 mã giảm.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ thanh khoản thì thị trường đang suy yếu ở nhóm thanh khoản lớn và chỉ giữ được giá ở các mã thanh khoản nhỏ. Cụ thể, sàn HoSE có 20 cổ phiếu thanh khoản trên 300 tỷ đồng thì chỉ 6 mã tăng, còn lại toàn giảm; Vùng thanh khoản quanh 200 tỷ đồng (13 mã) thì 6 mã giảm, 6 mã tăng; Vùng thanh khoản quanh 100 tỷ đồng (26 mã) thì 12 mã tăng, 11 mã giảm; Vùng thanh khoản từ 50 tỷ tới dưới 100 tỷ (32 mã) thì 17 mã tăng, 14 mã giảm. Tới trên 90% số cổ phiếu tăng giá hôm nay có thanh khoản từ 50 tỷ đồng trở xuống.
Như vậy có thể hiểu là dòng tiền lớn đang bán ra nhiều hơn mua vào hôm nay trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có khả năng giữ cân bằng, thậm chí là kéo giá tăng ở các cổ phiếu giao dịch ít. Đây là điều bình thường vì thanh khoản cũng là một tiêu chí thể hiện sự hiệu quả trong giao dịch và các nhà đầu tư lớn phải lựa chọn các cổ phiếu có đủ thanh khoản để mua bán dễ dàng mà không làm ảnh hưởng quá nhiều tới giá.
Chiều nay giao dịch trên hai sàn niêm yết tăng khoảng 6% so với phiên sáng, đẩy tổng giá trị khớp cả ngày lên 23.878 tỷ đồng, xấp xỉ phiên hôm qua. Như vậy thị trường tiếp tục duy trì ngưỡng thanh khoản (chưa tính thỏa thuận và UpCOM) trên 23 ngàn tỷ đồng trong 3 phiên liên tục. Trung bình mức khớp lệnh 10 phiên gần nhất lên tới 23.268 tỷ đồng/ngày.