Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 1
Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 2

“Dù giá cả, lạm phát thế giới tăng cao nhưng ở thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ. Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29%, lạm phát cơ bản tăng 4,74%. So với tháng trước, diễn biến chỉ số CPI theo số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết nhưng sang tháng 3, CPI quay đầu giảm hết tháng 4 và đến tháng 5, tháng 6 có xu hướng tăng nhẹ trở lại.

Công tác quản lý, điều hành giá là một nhân tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Trong 6 tháng đầu năm, các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, điện và gạo. Trong số các mặt hàng này, có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ Tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thực phẩm, giải trí và du lịch, có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới như vật liệu xây dựng, gạo. Mặt hàng do Nhà nước quản lý là mặt hàng điện đã tăng từ tháng 5/2023.

Các yếu tố chính tác động giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Đây là những mặt hàng có biến động phức tạp bởi địa chính trị và bám sát diễn biến giá thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới.

Tốc độ tăng CPI như 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát còn lớn, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường sau khi trễ hẹn những năm vừa qua vì đại dịch Covid-19.

Đến nay, mức lương cơ sở mới chính thức được áp dụng từ ngày 1/7/2023 với mức tăng 20,8% sẽ tác động lan tỏa nhiều vòng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nhiều nhân tố hiện hữu gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm như giá dịch vụ khám, chữa bệnh do Nhà nước định giá chính thức được Bộ Y tế ban hành vào ngày 29/6 và có hiệu lực vào ngày 15/8 tới đây.

Tiếp đến, giá các dịch vụ như giá dịch vụ giáo dục năm học 2023-2024 dự kiến sẽ tăng theo quy định của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đang trình Chính phủ; hay giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cũng được điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, ngăn Việt Nam bị cuốn vào nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, công tác điều hành, quản lý giá cần phải linh hoạt, trong đó, những mặt hàng do Nhà nước định giá cần được tính toán kỹ tác động đến CPI, tránh tác động đến người dân và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”.

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 3

“Điện là một mặt hàng có tính đặc thù, là hàng hóa thiết yếu, có tác động sâu, rộng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội của đất nước, rất quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Do đó, giá điện luôn được xã hội quan tâm. Ở nước ta điện là ngành độc quyền, giá do Nhà nước quy định, dù định hướng theo cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của Nhà nước theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giá điện vẫn là điểm nghẽn và là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện. Chỉ có cải cách giá điện mới có thể thu hút được vốn đầu tư. Trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất - truyền tải - phân phối, khu vực tư nhân chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi 2 yếu tố là giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại. Ở khâu truyền tải điện, dù Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng tới nay là hơn 1 năm, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn để xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.

Vướng mắc chính cũng là giá truyền tải quá thấp, nên khó khuyến khích được tư nhân đầu tư làm truyền tải đơn thuần, không gắn với bất cứ công trình điện kèm theo nào của họ. Theo công bố của Đoàn kiểm tra của các bộ, ngành về chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN, năm 2021, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,78 đồng/kWh, năm 2022 là 69,44 đồng/kWh. Hiện nay, giá truyền tải điện vẫn chỉ được tính theo điện năng. Bên cạnh đó, tổn thất điện năng khâu truyền tải còn cao, tác động khá lớn đến giá truyền tải. Bởi vậy, việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp mới để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức hợp lý phải là mục tiêu ngành điện hướng đến nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh, giảm giá thành truyền tải điện.

Ngoài ra, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Các ý kiến này cho rằng chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng điện tái tạo, tuy nhiên, sản lượng năng lượng tái tạo còn thấp. Việc phát triển điện tái tạo ở nước ta vẫn chưa như mong đợi. Phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW và được cụ thể hóa trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá.

Do đó, tôi kiến nghị sớm nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần; có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích các khách hàng sử dụng giá điện hai thành phần; tuyên truyền ưu điểm, lợi ích của giá bán điện hai thành phần.

Giá bán điện hai thành phần là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện, góp phần sử dụng điện hiệu quả. Giá điện 147 theo công suất đặc biệt hiệu quả đối với khách hàng sử dụng nhiều thiết bị điện với công suất khác nhau.

Đối với ngành điện, việc quy định giá điện hai thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện khi các hộ sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không tăng cao công suất vào giờ cao điểm.

Đối với khách hàng sử dụng điện, giá điện hai thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện theo công suất khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. Giá điện theo điện năng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan. Giá điện hai thành phần có được ưu điểm và khắc phục được nhược điểm của mỗi loại giá nêu trên góp phần làm cho hệ thống điện phát huy hiệu quả sử dụng mang lại lợi ích cho cả khách hàng sử dụng điện và ngành điện.

Biểu giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay cũng bị đánh giá là bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi”.

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 4

“Trong 6 tháng cuối năm, xu hướng chung là lạm phát so với cùng kỳ hạ nhiệt. Theo dự báo, lạm phát so với cùng kỳ sẽ xuống dưới 2%, có thể xoay quanh 1,5%. Trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái và giá dầu giảm mạnh, có thể về mức 1% hoặc thấp hơn,lạm phát trung bình dự báo sẽ đạt khoảng 2,5% trong năm nay, còn rất khó để lạm phát trung bình đẩy lên mức 3% trong bối cảnh tổng cầu yếu, cung tiền thấp. Với xu hướng lạm phát giảm dần, không cần phải quá lo lắng việc kiềm chế lạm phát, mà cần tập trung toàn lực cho việc phục hồi kinh tế.

Có thể nói, tình hình kinh tế Việt Nam hiện khó khăn hơn thời Covid-19, bởi đại dịch chỉ gây gián đoạn một thời gian nhưng nay, khó khăn gấp bội bởi vì tổng cầu suy giảm, nguồn dự trữ không còn nhiều như trước nên đòi hỏi các giải pháp cấp bách.

Vì lẽ đó, đầu tư công phải giải ngân nhanh hơn, tháo gỡ những thủ tục về pháp lý, bởi đầu tư công giải ngân nhanh sẽ trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP. Còn về mặt lãi suất, tôi tin Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại khi khó cho vay cũng sẽ giảm lãi suất. Theo dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ quay trở lại thời Covid-19 trong một vài tháng tới, chậm nhất là vào những tháng cuối năm.

Đây là thời điểm để giải pháp tài khóa phát huy tác dụng, trong đó giải pháp về giảm thuế cần xem xét bởi tác động nhanh lên thị trường, khác với đầu tư công phải trải qua rất nhiều thủ tục. Việc giảm thuế, nhất là giảm thuế VAT, một mặt sẽ giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể giảm giá bán và góp phần kiểm soát lạm phát. Khi giá giảm, sức mua của người dân sẽ dần cải thiện.

Nợ công của Việt Nam hiện tại cũng đang khá thấp so với GDP, cho nên vẫn còn dư địa để có thể nới lỏng chính sách tài khóa, giảm thuế.  Tuy nhiên, cần xem xét quy mô giảm thuế phù hợp, bởi lẽ, khi nền kinh tế suy yếu, nguồn thu thuế của Chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khả năng trả nợ cũng sẽ bị ảnh hưởng, mặc dù nợ công còn cách xa trần nhưng số tiền trả nợ hàng năm cả lãi và gốc hiện ở mức trên 20% chi ngân sách.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thể cân nhắc nới tỷ giá ở mức 1-2%, khi đó, Ngân hàng Nhà nước mua USD vào, tăng cung tiền, hạ lãi suất, từ đó hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn”.

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 5

“Kinh tế thế giới ảm đạm, cầu thế giới giảm mạnh khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh, hầu hết động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều suy giảm. Trong đó, ba động lực tăng trưởng chính như: xuất khẩu tăng trưởng âm 12,1%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 4,3%; riêng tiêu dùng tăng trưởng tốt 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,4%, cao nhất từ năm 2020 và tương đương năm 2019, cho thấy cầu trong nước tiếp tục phục hồi sau dịch nhưng không đủ sức kéo.

Động lực tăng trưởng chính về phía cung là sản xuất công nghiệp lại tăng thấp 0,44%. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao 19,7% trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lại giảm 2,9%. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng thấp 3,58%, thấp hơn cùng kỳ (8,51%), điều này thể hiện nhu cầu vốn doanh nghiệp và nền kinh tế yếu. Nhiều nhân tố tác động tổng hợp khiến tăng trưởng GDP 6 tháng 2023 chỉ đạt 3,72%, gần phá đáy giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 khi dịch bùng phát.

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu 2023, CPI khá thấp, tạo thuận lợi duy trì lạm phát thấp cả năm, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định cũng tạo dư địa kiềm chế lạm phát cuối năm. Gần đây, Nghị định về giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cũng góp phần giảm giá hàng hóa nửa cuối năm. Bên cạnh đó, giá hàng hoá thế giới, trong đó có giá dầu thô giảm mạnh. Cung hàng hóa trong nước nói chung, lương thực thực phẩm nói riêng dồi dào; tỷ giá, dự trữ ngoại hồi, cán cân thương mại cơ bản ổn định. Nhà nước duy trì kiểm soát, khống chế giá năng lượng như: điện, than, xăng dầu, giúp giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố gây sức ép lên CPI khi lạm phát cơ bản 6 tháng đầu 2023 cao nhất trong nhiều năm qua (gần 5%) hay tác động từ tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023; đi kèm là lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục.

Hiện, kinh tế thế giới đang trên ranh giới giữa suy thoái và phục hồi, do đó, tôi cho rằng có hai kịch bản có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm. Kịch bản 1, kinh tế thế giới suy thoái, giá thế giới không tăng, kết hợp các yếu tố thuận lợi và bất lợi trong nước và thế giới, dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh và CPI bình quân cả năm khoảng 3,5%. Còn kịch bản 2, kinh tế thế giới phục hồi, giá thế giới tăng nhẹ, cân đối các yếu tố thuận lợi và bất lợi trong nước và thế giới, dự báo CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, CPI bình quân cả năm vẫn trong tầm kiểm soát, từ 4-4,5%”.

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 6

“Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5%.

Nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu dao động ở mức như hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh, giải ngân đầu tư công đạt mức cao, tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt mức 6,7 - 7,3% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,5 - 3,8%.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, cần thực hiện tốt một số biện pháp.

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý 2/2023 đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm, cần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI). Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng thấp, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,13 %.

Thứ ba, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Thứ tư, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt trong thời điểm sau 1/7/2023 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.

Thứ năm, giá dịch vụ giáo dục sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh, cần thực hiện tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ và theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ tại một số địa phương vào đầu năm học 2023-2024, việc triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm tăng các chi phí dịch vụ công cũng góp phần làm tăng sức ép lạm phát”.

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 7

VnEconomy 11/07/2023 13:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn, ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế - Ảnh 8