06:00 21/09/2021

Du lịch hậu đại dịch: Máy bay riêng sẽ “hot”

Tường Bách

Nếu trước đây, dịch vụ máy bay riêng được coi là quá xa xỉ, lãng phí không cần thiết so với một vé máy bay hạng thương gia, thì hiện nay, nhiều đối tượng du khách giàu có lựa chọn dịch vụ này nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn...

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường hàng không nói chung trong ngắn hạn do hạn chế về nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, thị trường đã và đang ghi nhận nhu cầu tăng đột biến trong sử dụng máy bay trực thăng và máy bay thương gia (business jet) để phục vụ các mục đích cấp cứu y tế, cứu trợ cứu nạn và vận chuyển khách VIP trong thời kỳ dịch bệnh khi mà các hãng hàng không thương mại bắt buộc phải cắt giảm các chuyến bay thường lệ.

GIÃN CÁCH VÀ KHÔNG CẦN XÉT NGHIỆM

Một cặp vợ chồng người Singapore vừa thuê máy bay tư nhân đến Maldives để hưởng thụ kỳ nghỉ vào tháng trước. Họ là hai hành khách trên chiếc máy bay phản lực Gulfstream G150 có sức chứa 6 người. Một tiếp viên phục vụ rượu champagne và nhiều món ngon. Chi phí cho chuyến đi giãn cách xã hội trên máy bay cỡ trung tại Singapore là khoảng 50.000 USD một chiều.

Hành trình trên được môi giới bởi Air Charter Service - công ty mở văn phòng tại Singapore vào tháng 3/2020, thời điểm hành khách ở khắp nơi trên thế giới nháo nhào tìm cách bay về nhà trước khi hàng loạt quốc gia đóng cửa.

Cho đến tháng trước, công ty  này đã ký số lượng hợp đồng trong và ngoài Singapore nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Brendan Toomey, Giám đốc điều hành Air Charter Service, cho biết sự riêng tư, an toàn và khởi hành linh hoạt là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn cho các chuyến bay theo yêu cầu của khách hàng trong đại dịch.

Trung bình một chuyến bay tư nhân có khoảng bốn hành khách nhưng sức chứa có thể lên tới 6 -14 người cho một chuyến đi.
Trung bình một chuyến bay tư nhân có khoảng bốn hành khách nhưng sức chứa có thể lên tới 6 -14 người cho một chuyến đi.

Trong khi du lịch quốc tế vẫn gặp nhiều thách thức, những du khách thượng lưu Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội để khám phá quê hương của họ.

"Trước Covid-19, họ không cần đến máy bay tư nhân vì thủ tục tại các hãng hàng không thương mại rất dễ dàng. Giờ, họ muốn du lịch riêng để an toàn và nhanh hơn (vì không phải đợi xét nghiệm Covid-19), mà lại tiếp cận được tất cả sân bay trong nước. Thậm chí, nhiều người còn tậu hẳn máy bay riêng sau một thời gian đi thuê". Jolie Howard, Giám đốc điều hành dịch vụ thuê máy bay riêng L'VOYAGE tại Trung Quốc cho biết.

Hồi tháng 7, Hãng Qatar Airways cho ra mắt "Thỏa thuận Kim cương" dành cho các hành khách thảnh thơi có thể mua trước thời gian bay theo giờ cố định trên các máy bay tư nhân tầm xa và siêu xa. Thời gian mua tối thiểu là 50 giờ, các chuyến bay đặt riêng này được đảm bảo nếu báo trước ít nhất 72 giờ. Hãng hàng không này cho rằng sắp tới, nhu cầu về máy bay tư nhân có thể gia tăng khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ, lấp đầy khoảng trống trước khi các chuyến bay theo lịch trình được nối lại.

 “Ở khía cạnh an toàn, một hành khách chọn di chuyển bằng máy bay riêng chỉ gặp khoảng 40 người trên quãng đường từ nhà đến nơi nghỉ dưỡng, công tác. Trong khi đối với các chuyến bay thương mại, mức trung bình tăng lên khoảng 700 người”, ông Lau Cirium, đại diện Qatar Airways, cho biết. “Do đó, máy bay phản lực tư nhân đang là điểm sáng, giữ cho ít nhất một phân khúc của lĩnh vực hàng không phát triển”.

TRIỂN VỌNG HÀNG KHÔNG CHUNG VIỆT NAM

Hàng không chung được hiểu là hoạt động kinh doanh hàng không nhằm mục đích sinh lợi từ tàu bay dân dụng. Trung bình một chuyến bay tư nhân có khoảng bốn hành khách nhưng sức chứa có thể lên tới 6 -14 người cho một chuyến đi. Tuy nhiên cũng có một số cá nhân sẵn sàng chi trả cao để bay một mình. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã khai thác các phương tiện hàng không chung để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

 
Theo thống kê của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu McKinsey, trước đại dịch Covid-19, chỉ có khoảng 10% những người có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ máy bay tư nhân là thực sự sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi sau đại dịch.

Mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển nhưng trong năm 2020, Công ty Trực thăng miền Bắc (VNHN, thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam) vẫn khai trương dịch vụ bay trực thăng Bell 505 phục vụ du khách ngắm toàn cảnh quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) từ trên cao. Dự kiến trong năm 2021, công ty này sẽ triển khai tuyến bay ngắm di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) định kỳ một năm hai lần vào mùa lúa chín và mùa nước đổ.

Trong khi đó, Hãng hàng không Hải Âu (Hai Au Aviation) được biết đến với dịch vụ bay thủy phi cơ thăm vịnh Hạ Long có giá khá “mềm”, chỉ 1.500.000 đồng/người cho chặng bay ngắm cảnh 25 phút. Nhờ giá cả hợp lý, trải nghiệm độc đáo nên các chuyến bay của Hai Au Aviation luôn kín chỗ, du khách phải đăng ký trước.

Hiện nay, công suất phục vụ khách trung bình của hãng hàng không này là 8 - 12 chuyến/ngày, mỗi chuyến tối đa 12 khách. Ngoài dịch vụ bay ngắm cảnh, Hai Au Aviation còn có các dịch vụ khác như bay hành trình, bay thuê chuyến...

Hãng Blue Sky Airways vừa được Bộ GTVT vừa cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải hàng không chung hồi tháng 7/2021 cũng dự kiến cung cấp một số dịch vụ hàng không chung cơ bản liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác kinh doanh đội tàu bay tư nhân bao gồm dịch vụ bay thuê chuyến được thiết kế riêng theo nhu cầu của khách, cơ cấu giá đơn giản, thanh toán theo giờ bay.

Bà Hồ Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT Blue Sky Airways, cho biết: “Khi điều kiện thị trường phát triển ổn định và thói quen tiêu dùng của khách hàng đã được hình thành, chúng tôi sẽ tiến tới áp dụng mô hình Jetcard đã thành công trên thế giới theo phương thức “chia sẻ giờ bay”, bao gồm hai hình thức cơ bản là thẻ thành viên và thẻ trả trước”.

Sắp tới, nhu cầu về máy bay tư nhân có thể gia tăng khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ, lấp đầy khoảng trống trước khi các chuyến bay theo lịch trình được nối lại.
Sắp tới, nhu cầu về máy bay tư nhân có thể gia tăng khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ, lấp đầy khoảng trống trước khi các chuyến bay theo lịch trình được nối lại.

Nếu so với hàng không chung thế giới (cứ 1 tàu bay to phải có 10 tàu bay nhỏ), có thể thấy hàng không chung tại Việt Nam chưa phát triển đúng tiềm năng, dư địa còn rất nhiều và do vậy cần có những hướng đi đột phá.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng có 5 “nút thắt” cần tháo gỡ cho thị trường hàng không chung Việt Nam. Đó là: cần có quy hoạch bầu trời và các chính sách tự do hóa lĩnh vực hàng không chung; đầu tư cơ sở hạ tầng gồm hệ thống sân bay, bãi đỗ, nhà ga; xây dựng các cơ sở chuyên sửa chữa tàu bay vừa và nhỏ. Thành lập cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước vô cùng quan trọng trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực quốc tế phục vụ hàng không chung khi dịch Covid-19 xảy ra. Đào tạo nhân lực trong nước không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động, mà còn tạo việc làm, phát triển bền vững lĩnh vực hàng không chung cũng như ngành hàng không và ngành du lịch nói chung,” ông Kiên nhận định.