Đứa con thiệt thòi nhất
Thực tế là cảm giác thiếu thốn vì không tìm thấy vị trí thích hợp trong gia đình đôi khi lại trở thành lợi thế. Không giống như đứa con cả, đứa con được bố mẹ đặt nhiều hy vọng nhiều nhất thì đứa con giữa lại có khuynh hướng “nổi loạn”, không đi theo con đường bố mẹ vạch sẵn. Đôi khi, có thể chính bạn cũng không hề hình dung được rằng đứa con giữa lại có ảnh hưởng quan trọng đối với gia đình đến thế nào.
Nhà có 3 đứa con
Cha mẹ thường không kỳ vọng quá nhiều vào đứa con thứ bằng đứa con đầu lòng hoặc con út. Đây cũng không hẳn là điều xấu vì như vậy thì đứa trẻ này có nhiều tự do hơn để theo đuổi những gì chúng ấp ủ. Tuy nhiên, điểm tiêu cực là chúng luôn cảm thấy mình bị đối xử không khác gì người dưng ngay trong ngôi nhà của mình, cảm thấy thiếu tình thương và chăm sóc từ những người nó yêu thương nhất.
Phân tích theo quan điểm của người làm cha làm mẹ, sự thật là bạn đã trông chờ, lo lắng quá nhiều và ấp ủ cả hàng ngàn hình ảnh dễ thương của đứa con đầu lòng. Và rồi, đến khi sinh bé thứ hai thì bạn không còn hồi hộp như lần trước, sự trông mong cũng giảm bớt. Nếu vì một lý do nào đó bạn sinh bé thứ 3, bạn thường có xu hướng coi đứa con út này như là “lộc trời”, là đứa con bé nhất mà bạn cần bảo vệ, nâng niu. Một kết quả tất yếu là do cảm thấy bị thất thế trong gia đình, khi bắt đầu lớn lên người con giữa thường có quan hệ vượt xa khỏi gia đình mình. Chúng quen nhiều bạn bè, và cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những người bạn này, khiến cha mẹ lo lắng không ít.
Người con giữa thường tự so sánh bản thân với người anh chị liền trước nó. Không những đối đầu, nó còn thích chọn hướng đi ngược lại. Một số nghiên cứu cho thấy người con giữa thường thích chơi những môn thể thao nguy hiểm hoặc những môn có tính đối kháng, có lẽ là vì bản năng thể hiện bản thân để “tranh giành” sự chú ý của cha mẹ. Nếu người con lớn và người con út của bạn là một học sinh xuất sắc, gương mẫu, thì người con giữa thế nào cũng tìm cách bộc lộ những năng khiếu riêng và cố tình lơ là việc học ở trường, với mong muốn cha mẹ sẽ chú ý đến mình hơn – dù để la mắng cũng được. Trong khi người con cả cố gắng tỏ ra gương mẫu và trách nhiện, người con út thích làm “cái rốn của vũ trụ”, thì người con giữa lại dễ dàng đứng trên nhiều phương diện để quan sát và học hỏi những tình huống quan hệ cá nhân. Từ đó, tuy bên ngoài trẻ tỏ ra thờ ơ, bàng quan, nhưng thực tế bên trong hoặc là trẻ rất khôn ngoan, tinh ý, hoặc trẻ là người rất biết thông cảm với những người bị bắt nạt, hiếp đáp.
Tình yêu và sự công bằng
Tuy việc dành nhiều sự chú ý cho đứa con lớn nhất hoặc con út chỉ là tâm lý thông thường của những người làm cha làm mẹ, nhưng bạn cần hiểu rằng đứa con giữa cũng xứng đáng được chăm sóc và yêu thương. Nếu bạn đang rối rít khen ngợi đứa con lớn vì thành tích học tập của nó hoặc bế bồng nựng nịu “cô công chúa út”, lúc đó đứa con giữa sẽ nhìn thấy và tủi thân vì chẳng ai chú ý đến nó. Hãy dành ít thời gian để nhìn xung quanh và suy nghĩ bạn sẽ phản ứng ra sao mỗi khi bé luôn cố hết sức làm việc tốt, nghĩ xem đâu là khả năng nổi trội của bé để thưởng phạt hợp lý.
Bạn nên khuyến khích cả mấy đứa trẻ cùng tìm ra giải pháp nếu chúng có bất đồng ý kiến mà không cần có sự can thiệp của bố mẹ. Nếu cha mẹ lúc nào cũng đứng ra phân giải những bất đồng của mấy anh em, thì sẽ có lúc bạn lộ ra sự thiên vị đối với trẻ này hoặc trẻ khác. Để cho trẻ tự giải quyết những mâu thuẫn sẽ giúp đứa con giữa có cơ hội nói lên tiếng nói của nó, đồng thời có thể từ đó trẻ sẽ biết cảm phục người con cả, yêu thương đứa em út hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tôn trọng quyết định của người con giữa khi nó không muốn làm theo những gì đã được bạn sắp đặt sẵn. Đừng quá bám sát trẻ từng chút một như bạn đã từng làm với đứa con lớn. Hãy cho trẻ biết nó có thể tự quyết định và đi con đường nó tự chọn.
Cuối cùng, mặc dù có thể trẻ đã lớn và tỏ ra không cần ai chăm sóc, không cần bố mẹ ở bên cạnh nhưng thỉnh thoảng bạn hãy dành cho trẻ một ít thời gian để trẻ hiểu rằng bạn không thiên vị. Hãy trò chuyện với trẻ, thậm chí tâm sự với trẻ những điều mà bạn đang lo lắng cho đứa con cả, hoặc những ước mơ mà bạn ấp ủ cho đứa em út, hỏi ý kiến trẻ về anh chị em chúng để trẻ hiểu rằng nó là em của một người anh/chị nhưng đồng thời cũng là anh/chị của một đứa em khác.
Đứa con giữa thường không bộc lộ những gì chúng cần hoặc thích mà lại thường chọn giải pháp im lặng và rút lui chứ không ầm ĩ như đứa con lớn. Vì vậy, hãy dành thời gian để lắng nghe bé.
Để những đứa trẻ hoà thuận với nhau
1. Nhìn toàn cảnh. Người lớn chúng ta thường xuyên can dự vào cuộc tranh chấp nên không nhìn được toàn cảnh. Có khi đứa trẻ tạo hỗn loạn bằng hành vi thù nghịch cũng có thể là nạn nhân của sự trêu ghẹo liên tiếp từ một đứa trẻ khác. Biết rõ điều gì đang xảy ra thì cha mẹ có thể giúp đỡ cho tất cả những đứa trẻ. Bạn nên nhận biết trẻ để có dịp khuyến khích trẻ có cách xử sự tốt: “Mẹ thích cái cách mà con cho em cùng chơi như vậy".
2. Tập trung vào tình cảm. Trước hết, đặc biệt với đứa nhỏ hơn, cha mẹ có thể dạy con con hòa thuận bằng cách gợi ý. Chẳng hạn: “Mẹ biết con buồn vì chị con không cho con chơi bút màu…” Rồi bạn lắng nghe những tâm sự của trẻ. Còn với đứa lớn, hãy giải thích thật thẳng thắn và chân thành. Ví dụ: “Con có vẻ buồn vì mẹ dành nhiều thời gian cho em bé. Nhưng đó là vì em còn nhỏ và hay ốm quá, khiến mẹ rất lo lắng…” Khi trẻ thấy tình cảm của mình được nhận biết, thì trẻ thường dễ thông cảm hơn với người khác.
3. Bảo vệ quyền sở hữu của trẻ. Các động thái gây hấn của trẻ tạo ra sự chú ý hơn là vi phạm – chẳng hạn, lấy đồ chơi hoặc không chia sẻ. Nhưng tài sản và quyền cá nhân khá quan trọng đối với trẻ. Nên bảo vệ “quyền sở hữu” của trẻ để hạn chế việc tranh giành, đối chất. Khoảng riêng tư cũng đáng được bảo vệ. Tuy nhiên, cũng cần khuyến khích ở trẻ sự nhường nhịn hợp lý. 4. Để trẻ tự trả lời. Hãy giúp trẻ tự tìm ra cách giải quyết. Kế hoạch 3 bước là “thượng sách”. Một, xác định vấn đề: “Tranh giành cái gì?” Hai, thúc đẩy sự hiểu biết bằng cách bảo trẻ nói lại quan điểm của trẻ: “Anh/chị/em con nói gì về việc chơi đồ chơi?”. Ba, hãy đứng ngoài và quan sát xem tự lũ trẻ có thể tìm cách giải quyết hay không.
5. Làm gương tốt. Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống dạy con hoà thuận bằng cách chơi chung với con làm tăng sự hợp tác. Được giáo dục, trẻ sẽ thân thiện, hòa thuận, biết yêu thương nhau trong gia đình.