Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 1
Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 2

Năm 2023 dù được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những thành quả đã đạt được trong năm 2022, với kinh nghiệm “thực chiến” phong phú, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội để đạt mục tiêu lớn mà Chính phủ đã đề ra, đó là: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.

Trong năm 2022, nhiều quyết sách đã được Chính phủ đã ban hành, thực thi để giúp nền kinh tế vượt qua những dư chấn nặng nề của dịch bệnh Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực từ xung đột vũ trang, lạm phát, khủng hoảng đã xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Các chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, như: chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,… đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai rất kịp thời, hiệu quả.

Ở thời điểm căng thẳng khi giá xăng dầu tăng phi mã, gây áp lực lên lạm phát, tăng chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 01/4 - 31/12/2022 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022, giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 11/7 - 31/12/2022.

Tính đến 15/12/2022, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm: số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã bổ sung 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15 (được cụ thể hóa theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, Bộ Tài chính đã thông báo bổ sung kinh phí cho các địa phương (20 địa phương) với tổng kinh phí là 4.125 tỷ đồng (tạm cấp bổ sung 70%) để các địa phương thực hiện chính sách này.

Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 3

Nhờ những chính sách điều hành kịp thời, hợp lý của Chính phủ, năm 2022, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, cơ bản vượt qua những thách thức của giai đoạn hậu Covid-19.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8%; dự trữ ngoại hối vượt mức 100 tỷ USD và tiếp tục tăng bền vững; xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2021; tỷ giá đồng Việt Nam so với USD ổn định rất tốt so với hầu hết các đồng tiền khác và lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% trong năm 2022.

Tuy Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí,... nhưng tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Những nghị quyết này được xem là động lực mới giúp cởi bỏ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong hàng loạt các Nghị quyết, vai trò của Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để lại nhiều dấu ấn đáng kể trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ năm 2022. Theo đó, trong 7 giải pháp tổ chức thực hiện đề ra trong Nghị quyết 02, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải “xắn tay” vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. 

Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 4

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ không “dễ thở”. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kiên định với các mục tiêu, phát huy các thành công, không chủ quan và khai thác tốt hơn động lực từ nền tảng đã có, chủ động vượt qua các thách thức,… Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đề ra.

Cụ thể: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5 - 6%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%...

Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển trung - dài hạn đã được chuẩn y; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục cho các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới. Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và dần tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt khó” trong năm tới là rất lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, được tổ chức vào giữa tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng… là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm mới đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo việc thực hiện chính sách tiền tệ phải chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể. Trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, “giật cục”; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 5

VnEconomy 23/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đương đầu gió ngược “Con tàu Việt Nam” sẵn sàng vươn ra biển lớn   - Ảnh 6